Trong 5 năm qua, bình quân tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thăng Bình đạt 14,54% thì lĩnh vực thương mại, dịch vụ tăng 17,05%/năm và đang chiếm 37,63% trong tổng giá trị sản xuất trên địa bàn. Đây là thành quả đáng ghi nhận của địa phương.
Hạ tầng thương mại, dịch vụ trên địa bàn Thăng Bình hiện khá hoàn chỉnh với chợ trung tâm thị trấn và các chợ nông thôn được xây mới, chỉnh trang, nâng cấp và mở rộng. Mô hình xã hội hóa về xây dựng, kinh doanh, quản lý chợ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Mạng lưới thương mại, dịch vụ phát triển mạnh, nhất là các cửa hàng xăng dầu, kinh doanh vật liệu xây dựng, thu mua nguyên liệu thủy sản. Sản xuất, chế biến các mặt hàng nông, lâm, thủy sản không ngừng mở rộng quy mô sản xuất và đa dạng các loại sản phẩm, được thị trường đón nhận. Hoạt động dịch vụ phát triển nhanh cả về lượng và chất như các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú.
Theo ông Phạm Phú Hòe, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình, nhìn nhận thẳng thắn thì thương mại, dịch vụ của huyện còn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, cơ bản vẫn là sản xuất quy mô nhỏ, chưa gắn chặt sản xuất với tiêu thụ và phát triển thị trường, đầu tư vào hạ tầng thương mại khu vực nông thôn còn thấp. Thị trường hàng hóa và số doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh buôn bán, dịch vụ tăng nhanh nhưng còn phân tán, quy mô nhỏ, vốn ít, trao đổi mua bán qua nhiều khâu trung gian làm tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Trong 5 năm qua, toàn huyện có 222 DN và 2.737 hộ hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ được thành lập mới nhưng hầu hết có quy mô nhỏ, chưa theo kịp yêu cầu của thị trường.
Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình giao nhiệm vụ UBND huyện Thăng Bình xây dựng kế hoạch cụ thể để phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ bảo đảm tính đồng bộ, đáp ứng quy mô phát triển dân số của từng địa phương, từng khu vực, nhất là phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2025.
Theo đó, đối với thị trường ở thị trấn Hà Lam và xã Bình Minh, ưu tiên phát triển hệ thống phân phối hàng hóa hiện đại như trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị, các cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối. Tại các vùng nông thôn, tiếp tục mời gọi đầu tư xây dựng nâng cấp các chợ ở xã, phát triển mạng lưới cửa hàng mua bán truyền thống, thành lập một số cơ sở thương mại, dịch vụ nhằm thực hiện tốt đầu vào cho sản xuất và tổ chức đầu ra cho tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Thăng Bình khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ gắn với quy hoạch phân khu chức năng của các vùng như xây dựng hệ thống nhà hàng, khách sạn cao cấp, các khu giải trí, kho bãi, dịch vụ vận tải, dịch vụ tài chính ngân hàng… Huyện hỗ trợ nâng cao năng lực cho DN, cơ sở sản xuất, hợp tác xã về nghiên cứu thị trường, phát triển hệ thống phân phối hàng hóa, xúc tiến thương mại cho hàng nông sản cấp vùng, cấp miền.