Đẩy mạnh phát triển toàn diện kinh tế nông thôn

NHÃ PHƯƠNG 31/08/2023 18:21

(QNO) - Quảng Nam đang tái cơ cấu mạnh mẽ ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, để hướng đến mục tiêu góp phần nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững.

Những năm qua, nông dân nhiều địa phương đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp sản xuất lúa giống hàng hóa theo phương thức bao tiêu sản phẩm. Ảnh: PV
Những năm qua, nông dân nhiều địa phương đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp sản xuất lúa giống hàng hóa theo phương thức bao tiêu sản phẩm. Ảnh: PV

Chuyển biến từ mô hình liên kết sản xuất 

Thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với chương trình xây dựng NTM, từ năm 2021 – 2023 trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên và liên kết trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm.

Thời gian qua, tại huyện Duy Xuyên xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất ớt xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: PV
Duy Xuyên đầu tư nhiều mô hình liên kết sản xuất ớt xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: PV

Thời gian qua, ngành nông nghiệp, các cấp chính quyền đã hỗ trợ hàng loạt hợp tác xã (HTX) và nông dân đẩy mạnh liên kết sản xuất với doanh nghiệp (DN) theo phương thức hàng hóa, bao tiêu đầu ra sản phẩm.

Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh cho biết, bình quân mỗi năm có 33 DN liên kết với các HTX và nông dân ở nhiều địa phương của tỉnh tổ chức sản xuất không dưới 5.000ha hạt giống lúa thuần, hạt giống lúa lai, lúa thương phẩm chất lượng cao và hàng trăm héc ta cây trồng cạn chủ lực như ớt, bắp, hành tím, đậu xanh…

Nhiều địa phương tập trung hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất rau củ quả an toàn. Ảnh: PV
Nhiều địa phương tập trung hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất rau củ quả an toàn. Ảnh: PV

Hầu hết mô hình liên kết sản xuất lúa và các loại hoa màu đều giúp nông dân tăng thêm 25 – 35% thu nhập, riêng đối với sản xuất hạt giống lúa lai thì giá trị kinh tế tăng gấp 2 – 3 lần.

Gần 2 năm qua, các đơn vị liên quan đã hỗ trợ đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ các HTX, tổ hợp tác và 300 lượt nông dân nhằm phục vụ phát triển sản xuất các vùng rau củ quả.

Theo Sở NN&PTNT, tổng diện tích sản xuất rau củ quả an toàn đã thực hiện trên phạm vi cả tỉnh thời gian qua là 58ha. Trong đó, rau chứng nhận đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm là 26,3ha, rau chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP và tương đương là 31,7ha.
Thời gian qua, người dân trên địa bàn tỉnh chú trọng đầu tư phát triển chăn nuôi bò lai theo hướng thâm canh với quy mô vừa và lớn. Ảnh: PV
Đầu tư phát triển chăn nuôi bò lai theo hướng thâm canh với quy mô vừa và lớn. Ảnh: PV

Để giúp các chủ thể cũng như nông dân tham gia mô hình có điều kiện phát triển sản xuất, ngân sách tỉnh đã chi 177 triệu đồng đầu tư nâng cấp hệ thống cung ứng nước tưới cho những khu sản xuất rau hữu cơ và hỗ trợ chứng nhận rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại Hội An, Đại Lộc.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, tuy diện tích sản xuất rau củ quả an toàn theo các tiêu chuẩn còn thấp so với kế hoạch đặt ra nhưng hầu hết sản phẩm đều có đầu ra ổn định, thu nhập của người dân tăng lên. 

Năm 2022, tổng giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản của Quảng Nam đạt 15.130 tỷ đồng, tăng 2,47% so với năm 2021. Trong đó, nông nghiệp đạt 8.986 tỷ đồng (tăng 2,31%), lâm nghiệp đạt 1.731 tỷ đồng (tăng 5,5%), thủy sản đạt 4.413 tỷ đồng (tăng 1,63%). Năm 2022, giá trị sản phẩm cây trồng hàng năm trên 1ha đất đạt 92 triệu đồng, tăng hơn 2 triệu đồng so với năm 2020; giá trị sản phẩm nuôi trồng thủy sản trên 1ha mặt nước đạt khoảng 400 triệu đồng, tăng hơn 5 triệu đồng so với năm 2020.

Phát triển mạnh kinh tế nông thôn

Thực hiện Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh (ngày 13/1/2021) quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, hằng năm ngân sách tỉnh phân bổ 10 tỷ đồng để các ngành liên quan và các cấp chính quyền triển khai chương trình OCOP.

Trong đó, phần lớn nguồn kinh phí hỗ trợ các chủ thể đầu tư xây mới và nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm máy móc trang thiết bị, thiết lập mẫu mã bao bì, xây dựng thương hiệu, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm... 

Ngành liên quan, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm hỗ trợ các chủ thể quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm OCOP. Ảnh: PV
Huyện Bắc Trà My quan tâm hỗ trợ các chủ thể quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm OCOP. Ảnh: PV

Ông Trần Văn Noa – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam cho hay, qua 5 năm triển khai chương trình, đến nay toàn tỉnh đã có 333 sản phẩm của 260 chủ thể được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP. Trong đó, có 275 sản phẩm 3 sao, 58 sản phẩm 4 sao (1 sản phẩm tiềm năng 5 sao).

“Với sự quan tâm hỗ trợ nhiều mặt của các ngành, các cấp và sự hưởng ứng tích cực của nhiều DN, HTX, tổ hợp tác, hộ cá thể…, những năm qua sức lan tỏa của chương trình OCOP ngày càng lớn, thể hiện qua việc sản phẩm đăng ký tham gia chương trình năm sau luôn cao hơn năm trước” – ông Noa nhìn nhận.

Du khách tham quan làng quê Tiên Phước. Ảnh: PV
Du khách tham quan làng quê Tiên Phước. Ảnh: PV

Lĩnh vực du lịch nông thôn của Quảng Nam đang được tiếp cận và hứa hẹn mở ra cơ hội phát triển mới. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 19 điểm du lịch cộng đồng được đưa vào đón khách. Trong đó, 6 điểm đã có ban quản lý điểm du lịch, 9 điểm đã thành lập tổ hợp tác, hoặc HTX.

Đáng chú ý, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 8384 (ngày 13/12/2022) về phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM trên địa bàn Quảng Nam đến năm 2025. Đây được xem là động lực để du lịch nông thôn phát triển...

Đầm sen Trà Lý (xã Duy Sơn, Duy Xuyên) trở thành điểm đến khá hấp dẫn của nhiều người. Ảnh: PV
Đầm sen Trà Lý (xã Duy Sơn, Duy Xuyên) trở thành điểm đến khá hấp dẫn của nhiều người. Ảnh: PV
Theo thống kê, năm 2022 thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn Quảng Nam đạt 43,5 triệu đồng, tăng hơn 1,8 triệu đồng so với năm 2021.
(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đẩy mạnh phát triển toàn diện kinh tế nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO