Đẩy mạnh phát triển vùng chuyên canh

PHẠM LỘC 28/08/2014 10:21

Để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, Hợp tác xã Sản xuất - kinh doanh tổng hợp xã Điện Quang (Điện Bàn) đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng chuyên canh tập trung, tăng thu nhập cho người dân.

Bãi bồi Long Hội thuộc thôn Kỳ Lam (xã Điện Quang) có diện tích rộng hơn 100ha. Những năm trước, hầu hết diện tích đất canh tác được bà con địa phương đưa vào trồng các loại cây màu như bắp lai, ớt và nhiều cây công nghiệp ngắn ngày khác. Nhưng vì sản xuất thiếu quy hoạch, thấy lợi thì ồ ạt trồng, không có sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thu mua… nên đã xảy ra tình trạng “được mùa, mất giá” gây thua lỗ cho người dân. Vì vậy, từ vụ đông xuân 2013 - 2014, Hợp tác xã Sản xuất - kinh doanh tổng hợp xã Điện Quang đã tập trung quy hoạch vùng chuyên canh và triển khai xây dựng mô hình trồng bắp nếp đông xuân; đậu xanh xuân hè và bắp nếp hè thu.

Mô hình đậu xanh xuân hè cho năng xuất cao. Ảnh: P.L
Mô hình đậu xanh xuân hè cho năng xuất cao. Ảnh: P.L

Mặc dù gặp thời tiết khô hạn, nhưng do chủ động được nguồn nước tưới từ hệ thống thủy lợi hóa đất màu nên diện tích cây đậu xanh ở vụ xuân hè đều trúng lớn. Lão nông Nguyễn Đình Tuấn (thôn Xuân Đài) cho biết, nhờ chăm bón đúng quy trình kỹ thuật, đậu xanh cho năng suất đạt bình quân 2 tấn/ha. Với giá 25 nghìn đồng/kg, người nông dân có thể đạt thu nhập 50 triệu đồng. Khi cây đậu xanh thu hoạch lứa cuối cùng cũng là lúc cây bắp nếp vụ hè thu đã “bén rễ”. Ông Nguyễn Đức Thành, Chủ nhiệm Hợp tác xã Sản xuất - kinh doanh tổng hợp Điện Quang cho hay, nhờ những đợt mưa xen kẽ vào những ngày đầu cuối tháng 7 và đầu tháng 8 vừa qua, hầu hết diện tích bắp ở đây đều cho năng suất cao. Hiện tại, nhiều diện tích bắp đang thu hoạch đạt năng suất bình quân 800 - 900 kg/sào. Với giá thu mua 3.200 đồng/kg, mỗi héc ta đất sản xuất người nông dân “bỏ túi” trên 170 triệu đồng là điều có thể.

Cũng theo ông Thành, địa phương sẽ tiếp tục mở rộng trên các vùng đất màu khác của xã. Có thể nói, mô hình phát triển vùng chuyên canh tập trung, liên kết trong sản xuất đã đem lại hiệu quả thiết thực, từng bước giúp người nông dân thay đổi tư duy canh tác; góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống bà con và thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

PHẠM LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đẩy mạnh phát triển vùng chuyên canh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO