(QNO) - Ngành y tế tỉnh đang đẩy mạnh các hoạt động nhằm ứng phó với dịch bệnh từ vi rút Zika.
Tập huấn phòng chống bệnh do vi rút Zika. Ảnh: T.H |
Quảng Nam có 2 di sản văn hóa thế giới, lượng khách du lịch đến tham quan khá đông và thường xuyên; người lao động xuất khẩu trở về từ các quốc gia có dịch nên ngành y tế tỉnh đã chủ động xây dựng các phương án phòng chống dịch bệnh hiệu quả với các tình huống khác nhau.
Theo đó, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị từ tỉnh đến xã, phường tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên, xử lý triệt để ổ dịch nhằm hạn chế lây lan ra cộng đồng và các biến chứng do bệnh gây ra. Ngoài ra ngành y tế đã xây dựng kế hoạch hành động với 3 tình huống giả định: chưa ghi nhận ca bệnh tại Quảng Nam, ghi nhận ca bệnh rải rác ở Quảng Nam và dịch lây lan trong cộng đồng. Từ đó, tổ chức tập huấn cho các cán bộ làm công tác phòng, chống dịch về phương pháp giám sát, phát hiện, lấy mẫu xét nghiệm, bảo quản, vận chuyển mẫu nhằm đáp ứng kịp thời và chẩn đoán sớm bệnh nhân. Đồng thời, lãnh đạo ngành y cũng đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành tổ chức phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, bọ gậy phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết”, hướng dẫn người dân cách xử lý các dụng cụ chứa nước, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika mới đây, bác sĩ Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: “Tất cả các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin tình hình diễn biến của dịch bệnh và cập nhật kịp thời hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika, thực hiện điều tra dịch tễ ca bệnh. Củng cố và duy trì hoạt động của đội cơ động chống dịch tại đơn vị y tế các tuyến, tổ chức trực chống dịch 24/24 giờ trong thời gian có dịch. Ngoài ra, dự trữ kinh phí, hóa chất, thuốc, trang thiết bị y tế kịp thời để phục vụ cho chống dịch”. Bác sĩ Nguyễn Văn Hai còn cho biết thêm, đối với các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện tổ chức khu vực khám phân loại, thu dung, điều trị và cách ly bệnh nhân theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; thiết lập mạng lưới các bệnh viện sẵn sàng thu dung điều trị bệnh nhân nhiễm vi rút Zika, hạn chế quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Ngoài ra, các bệnh viện cũng thành lập các đội cấp cứu cơ động với đầy đủ trang thiết bị, cơ số thuốc sẵn sàng hỗ trợ cho tuyến dưới khi có dịch xảy ra.
Việc tổ chức soạn thảo nội dung tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương phòng chống dịch bệnh được đẩy mạnh. Ngành y tế tỉnh yêu cầu tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các đơn vị; thường xuyên báo cáo, đề xuất với lãnh đạo ngành để có hướng xử lý kịp thời. Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh đã nhanh chóng, chủ động xây dựng kế hoạch truyền thông hiệu quả và đa dạng như: truyền các thông điệp, hướng dẫn, hỏi đáp và các bài viết về phòng chống bệnh do vi rút Zika theo khuyến cáo của Bộ Y tế để đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát sóng trên các chuyên mục truyền hình và phát thanh; xây dựng kế hoạch sản xuất trên 24 nghìn tờ rơi, poster trình phê duyệt để cung cấp đến tận cơ sở.
Bệnh lây lan như thế nào? Giống như sốt xuất huyết, bệnh do vi rut Zika gây ra cũng truyền qua trung gian là muỗi. Và loại muỗi này cũng có họ hàng rất gần muỗi vằn gây sốt xuất huyết. Thực tế, với người bình thường, bệnh do vi rut Zika gây ra không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, thời gian ủ bệnh Zika khoảng 2 đến 12 ngày sau khi bị muỗi đốt. Khoảng 75 - 80% số bệnh nhân bị nhiễm vi rut Zika không có biểu hiện lâm sàng. Người bệnh cũng có những biểu hiện giống sốt xuất huyết như sốt, phát ban, mắt đỏ, đau mỏi cơ… nhưng với triệu chứng nhẹ hơn. Có tới 80% người mắc bệnh hầu như không xuất hiện triệu chứng đặc biệt nào. Ngược lại, phụ nữ mang thai nhiễm vi rut Zika sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là sự phát triển não. Bên cạnh đó, nguy cơ sảy thai, thai chết lưu cũng cao hơn bình thường. Vi rut này sẽ gây teo não và rối loạn hệ thống miễn dịch ở trẻ mới sinh. |
Bệnh do vi rút Zika nguy hiểm đến tính mạng con người nhưng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Xã hội cần chung tay thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế sự lây truyền của bệnh, chủ động khống chế không để bệnh lây lan trên diện rộng. Đẩy mạnh sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân.
Bác sĩ Trần Văn Hoàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, cách phòng bệnh hiệu quả nhất thời điểm hiện nay là người dân cần tăng cường các biện pháp diệt muỗi bằng cách phun hóa chất, thay rửa thường xuyên các dụng cụ chứa nước có lăng quăng, bọ gậy, loại bỏ vật liệu phế thải không để phát sinh muỗi và phải ngủ màn để ngăn ngừa muỗi đốt. “Đặc biệt, phụ nữ có thai hoặc dự định có thai trong vòng 6 tháng tới không nên đến các quốc gia có dịch bệnh do vi rut Zika. Người về nước từ các quốc gia có lưu hành vi rút Zika chủ động tự theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện sốt, phát ban và một số triệu chứng khác như đau cơ, nhức đầu, đau mắt thì đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị ở nhà” - bác sĩ Hoàn khuyến cáo.
TRƯỞNG HOA