Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp

NGUYỄN VĂN SỰ 02/01/2014 12:44

Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2014 trên phạm vi toàn quốc vừa được Bộ NN&PTNT tổ chức.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, thời gian qua nhiều địa phương chậm triển khai và tỏ ra lúng túng trong vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp, do đó kết quả chủ yếu mới chỉ là xây dựng các kế hoạch hành động, còn việc thực hiện trên thực tế thì chưa nhiều, nhất là khâu rà soát quy hoạch, điều chỉnh cơ cấu cây trồng, con vật nuôi...

Chưa tạo đột phá

Theo ngành nông nghiệp Quảng Nam, thời gian qua ngư dân trên địa bàn tỉnh chú trọng đầu tư mua sắm ngư lưới cụ hiện đại và cải hoán, nâng cao công suất tàu thuyền nên hoạt động khai thác hải sản mang lại kết quả khả quan. Thống kê cho thấy, năm 2013 tổng sản lượng đánh bắt đạt 66.500 tấn, tăng 3.400 tấn so với năm 2012. Năm qua các đơn vị liên quan đã tiến hành giải ngân 8,3 tỷ đồng vốn vay không tính lãi từ nguồn Quỹ hỗ trợ ngư dân cho 12 hộ và nhóm hộ ngư dân đầu tư đóng mới tàu thuyền có công suất lớn để phục vụ việc đánh bắt xa bờ. Tính đến thời điểm này, ngư dân các địa phương của tỉnh đã thành lập được 120 tổ đoàn kết sản xuất trên biển với tổng cộng 871 phương tiện và 7.453 lao động. Về lâm nghiệp, trong năm 2013 toàn tỉnh tiến hành trồng mới 12.000ha rừng tập trung, tăng 5,3% so với năm 2012. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 450.500m3, trong đó rừng kinh tế là 450.000m3, tăng gấp 2 lần so với kế hoạch đề ra.

 Phải tập trung nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: VĂN SỰ
Phải tập trung nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: VĂN SỰ

Nếu 2 lĩnh vực nêu trên gặt hái được nhiều thành công thì ngược lại ngành trồng trọt và chăn nuôi chưa đạt được kết quả như mong đợi. Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, năm 2013 tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm của tỉnh là 158.000ha, trong đó cây lương thực có hạt khoảng 100.596ha, giảm 1.324ha so với năm 2012. Riêng cây lúa, trong 2 vụ sản xuất đông xuân và hè thu nông dân toàn tỉnh gieo sạ 87.903ha, năng suất bình quân cả năm đạt 50,16 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 440.909 tấn, giảm 6.406 tấn so với năm ngoái. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là thời tiết diễn biến phức tạp, khô hạn xảy ra trên diện rộng, chuột và các loại sâu bệnh như sâu cuốn lá, bệnh khô vằn, bệnh lem lép thối hạt... bùng phát mạnh. Lĩnh vực chăn nuôi cũng gặp không ít khó khăn. Theo cơ quan chuyên môn, tính đến cuối năm 2013 tổng đàn gia súc của tỉnh là 728.000 con, giảm 10.293 con so với thời điểm cuối năm 2012. Lý do khiến tổng đàn gia súc giảm là thời gian qua dịch tai xanh, bệnh lở mồm long móng tái bùng phát nhiều đợt khiến 4.744 con trâu, bò, heo bị nhiễm dịch nặng dẫn đến 1.995 con phải tiêu hủy bắt buộc. Trong khi đó, giá thức ăn liên tục tăng còn giá bán sản phẩm thì lại tụt giảm mạnh làm cho người chăn nuôi không có lãi, thậm chí bị thâm hụt vốn nên rất dè dặt trong việc đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại và tăng số lượng thả nuôi. Năm qua, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt và nước lợ trên toàn tỉnh là 6.975ha, sản lượng thu hoạch đạt 17.300 tấn, giảm 2.700 tấn so với kế hoạch. Qua thống kê cho thấy, năm 2013 tổng giá trị sản xuất nông - lâm – thủy sản của tỉnh đạt 10.595 tỷ đồng, tăng 2,84% so với năm 2012. Tuy nhiên, nếu so với kế hoạch đề ra thì chỉ bằng 99,2%.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, năm 2013 tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản của cả nước đạt hơn 801 nghìn tỷ đồng, tăng gần 3% so với năm 2012. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 2,67%, tương đương với mức tăng của năm ngoái. Tuy tăng trưởng của ngành nông nghiệp toàn quốc được duy trì và phục hồi vào cuối năm nhưng tính bền vững chưa cao và nếu tính chung cả năm thì vẫn trong xu hướng chậm dần. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, thực tế cho thấy, các giải pháp tiêu thụ nông sản chưa thật sự căn cơ, chủ yếu mang tính tình thế, ngắn hạn nên đã cản trở sự tăng trưởng của ngành. Trong khi đó, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tuy đã tạo được sự chuyển biến nhưng nhìn chung vẫn chưa toàn diện, không đáp ứng được yêu cầu, vì thế vẫn còn là vấn đề bức xúc trong xã hội. Cạnh đó, chương trình xây dựng nông thôn mới tiến độ còn chậm, huy động nguồn lực xã hội chưa cao, có nguy cơ chậm về đích theo yêu cầu và mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn.

Tái cơ cấu là vấn đề bức thiết

Đặt nông dân vào vị trí trung tâm
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề nghị thời gian tới, các đơn vị liên quan và 63 tỉnh, thành phố phải quyết liệt thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Bởi, đây là nội dung quan trọng trong tái cơ cấu nền kinh tế, là một đòi hỏi rất bức xúc, là nhiệm vụ chính trị hàng đầu nhằm tạo động lực cho việc phát triển sản xuất có tính bền vững.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, muốn tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng thành công mô hình nông thôn mới, phải đặt người nông dân vào vị trí trung tâm với vai trò chủ thể. Đồng thời cần có nhiều cơ chế, chính sách hơn nữa để nâng cao giá trị của các mặt hàng nông sản chủ lực; tập trung thu hút các nguồn lực để đầu tư vào hạ tầng nông thôn, tăng cường công tác đào tạo nghề, thực hiện tốt chương trình giảm nghèo. Đặc biệt, phải chuyển giao rộng rãi các tiến bộ của khoa học công nghệ cho đại bộ phận nông dân...

Theo kế hoạch, năm 2014 này tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm của Quảng Nam là 158.000ha, trong đó diện tích đất sản xuất lúa 86.500ha. Dự kiến, tổng sản lượng lương thực cây có hạt cả năm đạt 503.650 tấn, tổng đàn gia súc đạt 746.500 con, tổng đàn gia cầm 5.600.000 con. Ông Lê Muộn cho rằng muốn tạo đột phá cho cây lúa, cần phải kiên trì vận động nông dân chuyển mạnh sang sử dụng các loại giống trung ngày và ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng gạo khá để bố trí sản xuất nhằm giảm thiểu rủi ro do tác động xấu của biến đổi khí hậu. Đồng thời tiếp tục duy trì và mở rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn theo hướng sản xuất hàng hóa là lúa giống, lúa thương phẩm chất lượng cao. Cạnh đó, chú trọng kiên cố hóa hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng, đẩy mạnh cơ giới hóa và áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học công nghệ. Chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong vấn đề cung ứng dịch vụ đầu vào và bao tiêu đầu ra sản phẩm. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, phải thực hiện tốt việc tiêm phòng vắc xin, đặc biệt là bệnh lở mồm long móng, dịch cúm gia cầm. Hướng dẫn người dân thực hiện bài bản các biện pháp chăn nuôi an toàn và thường xuyên vệ sinh môi trường, phun tiêu độc chuồng trại. Ngoài ra, phải nâng cao năng lực cho đội ngũ thú y, nhất là tuyến cơ sở và xã hội hóa công tác thú y để phòng chống dịch bệnh hiệu quả...

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, để phát triển mạnh và bền vững, thời gian tới cần nhanh chóng rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp, kiên quyết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản phẩm trên từng vùng, cả nước để vừa phát huy lợi thế của địa phương vừa quản lý sản xuất theo quy hoạch, theo chuỗi giá trị và phù hợp với cung cầu của thị trường. Đồng thời chú trọng thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó ưu tiên cao nhất cho việc sản xuất các loại giống chất lượng cao và công nghệ chế biến, bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch. Bộ trưởng Cao Đức Phát nói thêm: “Theo tôi, ngay từ bây giờ các địa phương phải khẩn trương tổ chức lại sản xuất thông qua việc tổng kết kinh nghiệm và phát triển, nhân rộng các mô hình đã cho hiệu quả cao, nhất là mô hình cánh đồng mẫu lớn. Cạnh đó, đẩy mạnh quá trình liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông, trước hết tập trung ở những vùng đã phát triển nông nghiệp hàng hóa với quy mô lớn. Khuyến khích hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm nhằm giảm chi phí đầu tư, nâng cao giá trị kinh tế và đảm bảo hài hòa lợi ích…”.

NGUYỄN VĂN SỰ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO