Nhằm đảm bảo lộ trình số hóa chung của cả nước đúng tiến độ đề ra, Quảng Nam đang đẩy mạnh kế hoạch tuyên truyền và triển khai nhiều nội dung liên quan đến “Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2018”.
Hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số trong công cuộc số hóa truyền hình. Ảnh: H.L |
Đẩy nhanh tiến độ
Trong lộ trình số hóa truyền hình, Quảng Nam là địa phương thuộc nhóm thứ III sẽ chấm dứt phương thức phát sóng truyền hình tương tự mặt đất, chuyển sang phát sóng số vào cuối năm 2018. Bên cạnh các địa phương như TP.Hội An, thị xã Điện Bàn, huyện Duy Xuyên và Đại Lộc đã triển khai số hóa truyền hình do chịu ảnh hưởng từ việc tắt sóng analog của TP.Đà Nẵng trước đó, Quảng Nam hiện còn 14 huyện/thành phố/thị xã thuộc phạm vi triển khai của đề án đợt này. Dự kiến, số lượng hộ nghèo và cận nghèo được nhận hỗ trợ đầu thu lần này của tỉnh là 32.686 hộ. Trong đó, có 11.405 hộ cận nghèo dự kiến được hỗ trợ đầu thu (có 5.693 hộ được hỗ trợ đầu thu DTH, 5.712 hộ được hỗ trợ đầu thu DVB-T2); 21.281 hộ nghèo được hỗ trợ đầu thu (14.938 hộ được hỗ trợ đầu thu DTH, 6.343 hộ được hỗ trợ đầu thu DVB-T2).
Theo bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở TT-TT, sở đã và đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị, UBND 14 huyện/thành phố thuộc vùng được hỗ trợ bởi đề án số hóa xây dựng kế hoạch, nội dung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; triển khai các lớp tập huấn tại các địa phương về việc đánh giá, lập danh sách hộ nghèo và cận nghèo được khảo sát, kiểm tra, đánh giá trở lại để có hướng hỗ trợ. Các hoạt động này được triển khai mạnh trong quý 3 và quý 4; thời gian hỗ trợ lắp đặt đầu thu số được tiến hành trong quý 4. Theo quy định, đối tượng được hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số là hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh theo chuẩn nghèo quốc gia, căn cứ tại Quyết định số 4625/QĐ-UBND ngày 29.12.2017 của UBND tỉnh Quảng Nam và thuộc vùng hỗ trợ. Vùng hỗ trợ là vùng mà ở đó các hộ dân thu tín hiệu truyền hình bị ảnh hưởng, khi các đài truyền hình ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất chuyển sang phát sóng truyền hình số mặt đất, hoặc vệ tinh do Bộ TT-TT công bố. Vùng hỗ trợ đầu thu vệ tinh là địa bàn hỗ trợ đầu thu truyền hình số còn lại, sau khi đã trừ đi các địa bàn thuộc vùng hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2.
Rà soát đối tượng hỗ trợ
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đã ký ban hành Kế hoạch triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2018. Bên cạnh chỉ đạo các phần việc liên quan đến công tác tập huấn, tuyên truyền về đề án do Sở TT-TT phối hợp với Báo Quảng Nam, Đài PT-TH tỉnh, Cổng TTĐT tỉnh, đài PT-TH các huyện/thành phố/thị xã triển khai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cũng giao nhiệm vụ cho Sở TT-TT cùng với Sở LĐ-TB&XH và UBND các địa phương tiếp tục thực hiện công tác điều tra, rà soát lại danh sách hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn mới được hỗ trợ đầu thu trong quý III. Đài PT-TH tỉnh được giao nhiệm vụ làm việc với Công ty TNHH Truyền hình kỹ thuật số miền Nam để thống nhất lộ trình phát sóng, đưa các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của tỉnh trên mạng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số của doanh nghiệp; lập dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính thẩm định, tham mưu UBND tỉnh bố trí ngân sách thực hiện. Đồng thời Sở TT-TT được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, doanh nghiệp cung cấp đầu thu truyền hình kỹ thuật số, UBND các huyện/thành phố/thị xã lập kế hoạch, triển khai việc hỗ trợ đầu thu số cho hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện nhận hỗ trợ trên địa bàn trong quý IV-2018. Bên cạnh đó, Sở TT-TT phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương) thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc phân phối, lắp đặt đầu thu kỹ thuật số; kiểm tra việc kinh doanh ti vi, đầu thu truyền hình số tại các cửa hàng, siêu thị điện máy theo các quy định của Nhà nước…
Tại cuộc họp triển khai đề án số hóa trước đó tại UBND tỉnh, nhiều địa phương bày tỏ sự lúng túng trong việc triển khai hỗ trợ đầu thu cho hộ nghèo, cận nghèo. Theo ông Hồ Quang Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, số hộ nghèo, cận nghèo được thống kê, rà soát năm 2017 của huyện là 3.228 hộ, trong đó có 2.440 hộ nghèo, 888 hộ cận nghèo. Trong khi đó, số liệu theo kế hoạch đưa ra là chỉ hỗ trợ 2.554 hộ là chưa phù hợp, cần có sự rà soát, bổ sung để đảm bảo quyền lợi cho người dân nghèo trên địa bàn. Còn ông Phùng Văn Huy - UBND huyện Tiên Phước góp ý, Ban chỉ đạo Đề án nên hỗ trợ cho tất cả hộ nghèo, cận nghèo theo số liệu mới nhất năm 2017 được tiếp cận dịch vụ. Một số địa phương cũng tỏ ra lúng túng khi trên thực tế vẫn còn trường hợp những chủ hộ là người già neo đơn chưa có ti vi thì việc hỗ trợ đầu thu ra sao, hay như có những hộ nghèo và cận nghèo thuộc diện hỗ trợ lần này nhưng đã sắm được đầu thu. Một số địa phương kiến nghị, công tác hỗ trợ đầu thu cần phải đúng thời điểm, tạo sự thuận tiện nhất cho người dân khi chính thức tắt sóng analog…
TRIÊU NHAN