Để hội viên phụ nữ có thêm thu nhập lúc nông nhàn, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Tam Thái (Phú Ninh) đã mở lớp dạy nghề đan mây tre. Lớp học gần gũi và thiết thực hiện thu hút khá đông hội viên tham gia.
Các học viên đang thực hành trên sản phẩm ghế mây. Ảnh: Q.VƯƠNG |
Vừa qua, Hội LHPN xã Tam Thái đã phối hợp với Công ty TNHH Chế biến mây - tre - gỗ Nhật Tân (đóng tại địa bàn huyện Duy Xuyên) tổ chức dạy nghề đan mây tre ngắn hạn trong thời gian một tháng cho hội viên phụ nữ tại thôn Khánh Phước và thôn Hòa Bình. Sau khoảng thời gian 15 ngày học lý thuyết, đến nay, các học viên đang được thực hành trực tiếp trên sản phẩm ghế mây. Chị Nguyễn Thị Thành, học viên trong lớp học chia sẻ, hiện công việc chủ yếu của chị là bám vào ruộng vườn, kinh tế chỉ ở mức tạm ổn chứ không có đột biến. Vì vậy, chị Thành rất vui mừng khi Hội LHPN xã Tam Thái tổ chức lớp dạy nghề miễn phí, không những vậy, sản phẩm hoàn chỉnh trong quá trình học cũng được trả tiền công. “Trong quá trình vừa học vừa làm tranh thủ lúc nông nhàn mà cũng kiếm thêm thu nhập khoảng 1 triệu đồng. Nếu dành nhiều thời gian và chuyên tâm hơn thì khả năng tôi sẽ thu nhập hơn 3 triệu đồng mỗi tháng. Đặc biệt, làm công việc này chỉ tính thành phẩm không quy định thời gian nên chị em dễ tranh thủ làm thêm được việc nhà hoặc trông con cháu” - chị Thành nói.
Ở lớp học đan mây tre do Hội LHPN xã Tam Thái tổ chức có một học viên bị khuyết tật là chị Mai Thị Phương. Chị Phương chia sẻ, những năm qua, vì khiếm khuyết của bản thân nên chị gặp nhiều khó khăn trong kinh tế gia đình. Nay được học nghề này, chị kỳ vọng sẽ sớm thạo nghề để tự lo được cho bản thân. “Được học nghề ngay tại quê hương mình, thuận lợi việc đi lại học tập, tôi rất vui vì tôi sẽ có việc làm, có thêm thu nhập và sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Nhờ có nhiều chính sách quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho chị em tuổi trên 40 và người khuyết tật như tôi nên tôi đỡ bớt phần mặc cảm, vì mình đã sống có ích” - chị Phương tâm sự.
Bà Trần Thị Kế - cán bộ đào tạo của Công ty TNHH chế biến mây - tre - gỗ Nhật Tân cho biết: “Lao động là các chị em trên 40 tuổi, có cả người khuyết tật, người cao tuổi học nghề, họ thực hành khá nhanh, chỉ sau hai ngày cán bộ dạy là có thể làm ra một sản phẩm. Có nhiều chị em nói vơi nhau, sau học nghề các chị sẽ gắn bó và nhận gia công sản phẩm luôn cho công ty để có thêm thu nhập cho gia đình”.
Bà Phan Thị Thanh Quý - Chủ tịch Hội LHPN xã Tam Thái cho biết, trong năm 2018, xã đã khảo sát nhu cầu học nghề trên 100 hội viên phụ nữ. “Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế của địa phương, chúng tôi đã chọn ngành mây tre để dạy nghề cho chị em phụ nữ tuổi 40 trở lên, người khuyết tật. Mong muốn chị em là sau học nghề có thể áp dụng nhận gia công sản phẩm, tăng thu nhập, ổn định kinh tế gia đình” - bà Quý nói. Cũng theo bà Quý, thời gian tới, Hội LHPN xã Tam Thái hướng tới việc hình thành 2 tổ hợp tác mây tre đan Khánh Phước và Hòa Bình, đẩy mạnh đào tạo nghề, liên kết với doanh nghiệp trong việc đào tạo và tạo việc làm cho hội viên.
QUỐC VƯƠNG