(QNO) - Với các chức năng như số hóa bản dồ du lịch, ứng dụng điện thoại dành cho du lịch, phân tích hành vi du lịch trên mạng xã hội…, du lịch thông minh trở thành xu hướng hiện được nhiều nơi, điểm đến trong nước và thế giới áp dụng.
Chậm triển khai
Đã gần một năm đề án “Cải tiến phương thức bán vé tham quan khu đô thị cổ Hội An bằng hình thức vé số hóa” được TP.Hội An phê duyệt, nhưng việc triển khai vào thực tế vẫn chưa diễn ra.
Ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH TP.Hội An cho biết, nguyên nhân khiến việc triển khai đề án chậm trễ do đơn vị cung cấp hạ tầng dịch vụ vẫn chưa hoàn thành phần mềm để đưa vào chạy thử nghiệm.
Theo đề án, quầy bán vé chuyên dụng sẽ được trang bị cảm ứng tích hợp camera. Khi khách vào mua vé, camera sẽ tự động nhận diện hình ảnh, các thông tin cá nhân để in lên vé, đồng thời lưu thông tin khách vào máy chủ. Vé in ra nhân viên sẽ phát cho khách đeo vào người trong suốt quá trình tham quan hoặc ra vào khu phố cổ nhằm giúp nhân viên kiểm soát, nhận diện.
Tại mỗi điểm tham quan, kiểm soát viên sẽ hướng dẫn khách đưa vé vào máy tính di động kiểm tra, nhận diện qua dãy số hóa in trên vé cùng với hình ảnh được biểu thị trên màn hình.
Theo ông Nguyễn Phương Đông, ở những nơi khác thông thường vé điện tử chỉ là thẻ quét vào cổng đơn giản, nhưng với phố cổ vé điện tử phải dùng công nghệ quang học, do đó rất phức tạp. “Chúng tôi đang đặt đối tác viết phần mềm chứ chưa lắp đặt, đầu tư thiết bị gì cả, việc thực hiện cũng phải qua năm sau” - ông Đông cho biết.
Số hóa vé tham quan được xem là một phần của du lịch thông minh - loại hình được phát triển trên nền tảng ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt công nghệ thông tin truyền thông, bảo đảm sự tương tác giữa nhà quản lý, doanh nghiệp và khách du lịch nhằm tạo ra những giá trị, lợi ích, dịch vụ tốt nhất, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Vài năm gần đây, du lịch thông minh được nhiều nơi trong nước áp dụng như thuyết minh tự động tại điểm đến, tham quan trải nghiệm bằng thực tế ảo 3D, 4D… Tuy nhiên, tại Quảng Nam, việc áp dụng du lịch thông minh vẫn khá hạn chế, chủ yếu tập trung vào các dịch vụ đặt tour, đặt xe, đặt phòng khách sạn online... Một số địa phương, điểm đến du lịch chính như Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn hầu như chưa làm gì.
Theo ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, trước đây Hội An cũng đã làm đề án du lịch thông minh, chuẩn bị triển khai thì có đề án của tỉnh do Sở VH-TT&DL chủ trì nên dừng lại để tỉnh làm luôn, vì vậy hiện vẫn đang chờ.
Xu hướng hiện nay
Tại hội thảo “Ứng dụng công nghệ 4.0 và giải pháp cấu trúc ngành du lịch - dịch vụ thời kỳ hậu Covid-19” mới đây tại TP.Hội An, ông Lý Đình Quân - Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (SHI) khẳng định, du lịch thông minh đang là xu hướng hiện nay của nhiều nơi trên thế giới. Thông qua thực tế ảo, số hóa thông tin điểm đến sẽ giúp chính quyền và doanh nghiệp có thể thu hút khách tốt hơn, đặc biệt đáp ứng tâm lý thay đổi của khách du lịch thời điểm hậu Covid-19 hiện nay.
“Với bản đồ số, khách đứng tại Hội An kích vào bất kỳ điểm di tích, danh thắng hoặc khách sạn nào trên bản đồ thì điểm đó sẽ hiện ra hình ảnh và thông tin liên quan. Khách có thể dùng thực tế ảo để tham quan tìm hiểu hoặc sử dụng những ứng dụng khác đặt phòng khách sạn, ăn uống và di chuyển, tiết kiệm thời gian. Tôi nghĩ, đã đến lúc các doanh nghiệp tại Hội An, Quảng Nam nên ngồi lại cùng kết nối, ứng dụng công nghệ thông minh để cung cấp dịch vụ du lịch đồng bộ, hiệu quả” - ông Lý Đình Quân gợi ý.
Theo ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TH&DL, việc áp dụng hệ thống phần mềm du lịch thông minh đã được UBND tỉnh và sở quan tâm từ lâu nhằm giúp khách dễ dàng tiếp cận các điểm du lịch tại Quảng Nam. Trong đó, có thế kể đến Kế hoạch 1691/KH-UBND ngày 29.3.2019 của UBND tỉnh về việc thuê hệ thống phần mềm du lịch thông minh để phát triển du lịch trong thời thời kỳ 4.0. Hiện tại, Sở VH-TT&DL đã lập kế hoạch, tiến tới thuê hệ thống phần mềm này.
Phần mềm du lịch thông minh sẽ bao gồm 5 gói dịch vụ được triển khai, gồm: bản đồ số du lịch Quảng Nam; Cổng thông tin du lịch Quảng Nam; ứng dụng mobile; hệ thống phân tích, phản hồi về du lịch Quảng Nam từ mạng xã hội; phân tích hành vi khách du lịch.
Ông Lê Ngọc Tường nhận định, phần mềm du lịch thông minh hoàn thành sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt chức năng; doanh nghiệp có thể trao đổi để quảng bá, tiếp cận khách du lịch và cơ quan quản lý nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho du khách tìm kiếm thông tin, lựa chọn các loại hình dịch vụ du lịch phù hợp. Đồng thời có thể giúp cải thiện tính cạnh tranh về mặt công nghệ của ngành du lịch, cải thiện dịch vụ giá trị gia tăng, năng lực sản phẩm du lịch, nâng cao trải nghiệm cho du khách…