Đẩy nhanh tiến độ cải tạo quốc lộ 14E: Khẩn trương giải phóng mặt bằng

VIỆT NGUYỄN 15/06/2023 06:02

“Cải tạo quốc lộ 14E là dự án trọng điểm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội sâu rộng trên địa bàn tỉnh. Các địa phương khẩn trương bàn giao mặt bằng để thi công, đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân khi thu hồi đất cũng như khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng”.

Nhà bà Trần Thị Thúy (thị trấn Tân Bình, Hiệp Đức) quá thấp so với mặt đường Quốc lộ 14E, nhất là sau khi cải tạo sẽ rất khó đi lên mặt đường. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Nhà bà Trần Thị Thúy (thị trấn Tân Bình, Hiệp Đức) quá thấp so với mặt đường Quốc lộ 14E, nhất là sau khi cải tạo sẽ rất khó đi lên mặt đường. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Trên đây là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo về đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT-GPMB) các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, khi dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh kiểm tra thực địa và làm việc với UBND huyện Phước Sơn, Hiệp Đức, Ban Quản lý dự án 4 - Cục Đường bộ Việt Nam về tiến độ GPMB dự án cải tạo quốc lộ 14E (đoạn km15+270 đến km89+700) vào ngày 12/3 vừa qua.

Nhiều điểm vướng

Đối với đề xuất của Ban Quản lý dự án 4 cho phép tận thu cát, đá của thủy điện Đak Mi để cấp cho công trình nâng cấp quốc lộ 14E và cho phép đổ thải tại các vị trí đất do các huyện quản lý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang yêu cầu Ban Quản lý dự án 4 phối hợp chặt chẽ với Sở TN-MT để thực hiện đúng theo quy định hiện hành.

Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, hiện nay khó khăn, vướng mắc là việc phối hợp di dời các công trình hạ tầng thiết yếu trong phạm vi GPMB dự án.

Các đơn vị có liên quan gồm Điện lực Quảng Nam, Viettel Quảng Nam, Viễn thông Quảng Nam vẫn chưa tích cực phối hợp khảo sát di dời.

Riêng công trình cấp điện nông thôn trước đây của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Quảng Nam tại xã Phước Hòa đến nay chưa bàn giao cho Điện lực Quảng Nam nên chưa xác định được chủ sở hữu công trình để phối hợp khảo sát di dời.

“Mong lãnh đạo tỉnh chỉ đạo, đôn đốc Điện lực Quảng Nam, Viễn thông Quảng Nam, Viettel Quảng Nam khẩn trương rà soát xây dựng kế hoạch di dời công trình và chỉ đạo các sở, ngành xác định chủ sở hữu công trình cấp điện nông thôn tại xã Phước Hòa để di dời” - ông Trung nói.

Theo ông Trung, nhiều hộ dân ở thôn 6, xã Phước Hiệp bị ảnh hưởng khi cải tạo quốc lộ 14E nhưng mong muốn được ở lại để ổn định sinh kế. Ở thôn Lao Mưng, xã Phước Xuân, Trường Mẫu giáo Sơn Ca nằm ngay trong vùng cải tạo dự án nên rất cần bố trí, xây dựng lại trường đảm bảo cho học tập của trẻ em.

Ông Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho biết, qua kiểm đếm, có 12 ngôi nhà ở thị trấn Tân Bình nằm ngoài vạch GPMB, tuy nhiên sau khi tuyến đường hoàn thành các hộ này sẽ không còn đường tiếp cận từ nhà lên đường. Nhà ở rất sâu vì quá trũng thấp với mặt bằng quốc lộ 14E. Huyện kiến nghị UBND tỉnh hướng dẫn việc xử lý với các hộ nêu trên.

Giải quyết thấu đáo

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho rằng, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ là đòn bẩy, lực đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuyến đường sẽ rút ngắn thời gian đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông lâm sản từ các tỉnh Tây Nguyên, vùng Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan đến Quảng Nam, các tỉnh duyên hải miền Trung và phía bắc.

Quốc lộ 14E nối đường ven biển Quảng Nam đến quốc lộ 1, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Hồ Chí Minh, là huyết mạch kết nối 2 vùng đông - tây của tỉnh và kết nối liên vùng, liên quốc gia.

Đồng chí Lê Văn Dũng đi thực tế khảo sát ngôi nhà của ông Lê Văn Lân (thị trấn Tân Bình, Hiệp Đức) quá thấp so với mặt đường Quốc lộ 14E. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Đồng chí Lê Văn Dũng đi thực tế khảo sát ngôi nhà của ông Lê Văn Lân (thị trấn Tân Bình, Hiệp Đức) quá thấp so với mặt đường Quốc lộ 14E. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Để dự án động lực này được sớm thi công hoàn thành, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Phước Sơn, Hiệp Đức cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để GPMB, bàn giao cho Ban Quản lý dự án 4 - Cục Đường bộ triển khai thi công.

Quyền lợi của người dân đặt lên hàng đầu nhưng quản lý phải chặt, không để xảy ra trường hợp người dân cơi nới đất, trồng cây, xây dựng trái phép nhằm hưởng lợi bất chính từ GPMB.

Đối với các hộ dân thuộc thôn 6, xã Phước Hiệp, vì mở rộng đường chỉ ảnh hưởng đến phần sân trước nhà các hộ dân nên để các hộ ở lại thuận lợi cho buôn bán, thực hiện các dịch vụ.

Huyện Phước Sơn và Ban Quản lý dự án 4 phối hợp chặt chẽ để tránh những tác động xấu đến môi trường, sinh sống của người dân. Đối với Trường Mẫu giáo Sơn Ca ở xã Phước Xuân, vì nằm trong vùng dự án nên sẽ phải đầu tư lại từ kinh phí BT-GPMB và hỗ trợ thêm từ ngân sách của tỉnh để xây dựng kiên cố, đáp ứng nhu cầu học tập cho trẻ em.

Đối với 12 ngôi nhà của các hộ dân bị ảnh hưởng dự án ở huyện Hiệp Đức, chính quyền địa phương, Ban Quản lý dự án 4 thực hiện tốt BT-GPMB; xem xét tái định cư; huy động, lồng ghép các nguồn lực để trợ giúp người dân an cư tốt nhất có thể.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cho biết, cuối tuần này sẽ trực tiếp làm việc với Điện lực Quảng Nam, Viễn thông Quảng Nam, Viettel Quảng Nam để có phương án tốt nhất di dời các công trình, tạo thuận lợi cho thi công cải tạo quốc lộ 14E. Đối với di dời công trình điện nông thôn ở xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn nhanh chóng lập phương án để thực hiện.

Huyện Phước Sơn đến ngày 30/6, phải bàn giao mặt bằng để thi công ở các lý trình Km65 đến Km68+600, Km78+700 đến Km80, Km84 đến Km88. Đối với huyện Hiệp Đức, khẩn trương hoàn thành kiểm đếm đối với các địa phương; lên phương án BT-GPMB; hoàn thành thông báo thu hồi đất đối với các xã, thị trấn… để đến ngày 31/7, bàn giao 22km để thi công nâng cấp quốc lộ 14E.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đẩy nhanh tiến độ cải tạo quốc lộ 14E: Khẩn trương giải phóng mặt bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO