(QNO) - Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình tại buổi làm việc với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và các sở, ban, ngành liên quan trong việc thực hiện các dự án đầu tư dân dụng chiều 22/7.
Theo Ban quản lý dự án, năm 2024, ban này thực hiện 55 dự án/công trình, bao gồm 13 dự án triển khai công tác quyết toán, 23 công trình chuyển tiếp công tác xây lắp sang năm 2024 và 19 dự án dự kiến khởi công mới trong năm 2024. Sẽ có 16 công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2024 và 7 công trình chuyển tiếp dự kiến hoàn thành sau năm 2024. Tính đến ngày 20/7/2024, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 19,01% (135,9 tỷ/714,9 tỷ đồng).
Ông Huỳnh Xuân Sơn - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cho biết nhiều vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các dự án đã từng bước được tháo gỡ. Đa số các dự án đã được triển khai đồng bộ với sự phối hợp, hướng dẫn cụ thể của các sở, ngành chuyên môn... Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, nhất là nhiều dự án còn vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng, chậm thẩm định, phê duyệt, triển khai dự án có hợp phần thiết bị y tế. Có dự án đã hoàn thành nhưng chưa thể bàn giao, đưa vào sử dụng vì chưa được cấp giấy phép môi trường hoặc các địa phương chưa thể hoàn tất các tiểu dự án về giải phóng mặt bằng...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình yêu cầu Ban quản lý đầu tư xây dựng nỗ lực hơn nữa trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công đầu tư, giải ngân, hạn chế đến mức thấp nhất việc mất vốn. Chủ động làm việc với các địa phương có dự án đang còn vướng mắc nhất là mặt bằng để tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Nhanh chóng hoàn thành các dự án, công trình đúng theo kế hoạch, nhất là 2 dự án y tế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dự án "Phát huy giá trị di tích Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng", "Nâng cấp, cải tạo sân vận động Tam Kỳ và nhà ở cho vận động viên", "Đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo và sửa chữa khu Trung tâm thể dục thể thao Quảng Nam", Khu xử lý chất thải rắn Nam Quảng Nam...
Chủ đầu tư cần tuân thủ việc thực hiện các kết luận của UBND tỉnh trong các buổi làm việc giữa các lãnh đạo tỉnh với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng vừa qua. Nếu không xử lý được thì báo cáo UBND tỉnh quyết định. Chủ đầu tư nâng cao trách nhiệm, phân giao việc cụ thể trong nội bộ ban, có phương án, giải pháp cụ thể từng dự án và từng nguồn vốn. Yêu cầu các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Chủ đầu tư phải tập trung ưu tiên giải ngân các nguồn vốn kéo dài, vốn phục hồi kinh tế xã hội và vốn ODA. Tính toán, phối hợp Sở KH&ĐT điều chuyển vốn cho các công trình khác hoặc nộp trả vốn về trung ương, để có thể nâng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư. Có thể dừng kỹ thuật những dự án không có khả năng triển khai...