Cuối tuần qua, Triển lãm Bản đồ và trưng bày tư liệu với chủ đề “Hoàng Sa- Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” khai mạc tại TP.Tam Kỳ, đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
“Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam”
Không gian của triển lãm tư liệu “Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam” được khéo léo sắp đặt theo một chuỗi thời gian. Mở đầu gian triển lãm là câu nói của vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) được ghi lại trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ đi được. Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc bày tỏ rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di”. Tiếp đó là những câu trích trong các nguồn sử liệu cổ liên quan đến vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia và công cuộc khám phá, chinh phục và xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Đáng chú ý là một văn bản bằng chữ Chăm, hiện được lưu giữ tại Ninh Thuận, phản ánh việc triều Nguyễn huy động cư dân gốc Chăm ở đảo Phú Quý, Bình Thuận cử người ra cắm mốc giới ở Hoàng Sa và Trường Sa. Người xem cũng có thể thấy một tấm bản đồ do Đỗ Bá, tự Công Đạo, người Quảng Nam, biên soạn vào năm 1686 (Báo Quảng Nam đã viết về thư tịch này), chứng tỏ từ cuối thế kỷ XVII, người Việt đã làm chủ Hoàng Sa và đã đặt tên cho quần đảo này một cái tên thuần Việt là Bãi Cát Vàng. Khi tận mắt thấy những tư liệu, hình ảnh này, ông Nguyễn Văn Khi, cán bộ hưu trí phường An Mỹ, xúc động: “Chúng tôi xem thời sự cũng như các bộ phim tài liệu về chủ quyền biển đảo của nước ta, đọc nhiều tin tức về biển Đông, luôn vững tin là khó có thể thay đổi về chủ quyền biển đảo. Khi trực tiếp thấy những cứ liệu lịch sử như thế này, quả thật lòng tin trong chúng tôi càng nhân lên gấp bội”.
TS.Trần Đức Anh Sơn thuyết minh về những tư liệu, hiện vật lịch sử tại không gian trưng bày.Ảnh: S.ANH |
Triển lãm có khá nhiều tư liệu có giá trị được thu thập từ các nước như 4 tập Atlas do nhà Thanh và Chính phủ Trung Hoa dân quốc xuất bản từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, đều chính thức ghi nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không hề thuộc về Trung Quốc như những tuyên bố phi pháp của nước này hiện nay. Bộ Atlas Universel do nhà địa lý học người Bỉ Phillippe Vandermaelen biên soạn năm 1827 được GS. Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam mang về từ Bỉ. Theo GS.Nguyễn Quang Ngọc, đây là tấm bản đồ được vẽ bằng phương pháp hiện đại nhất đầu thế kỷ XX, gần như tuyệt đối chính xác so với bản đồ hiện nay. Bộ Atlas này có 6 tập, trong đó có 2 tập về châu Á thể hiện chủ quyền của Đế chế An Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Bên cạnh đó, 17 trang châu bản triều Nguyễn; các văn bản hành chính thời phong kiến, Pháp thuộc, thời của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, nhóm hiện vật của Lữ đoàn 146 Hải quân Việt Nam xây dựng, bảo vệ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988… là những bằng chứng sinh động cho thấy chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thiêng liêng của Tổ quốc.
Tấm lòng người đất Quảng
Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 28.8, toàn bộ hình ảnh, hiện vật sẽ được trao tặng lại cho UBND tỉnh Quảng Nam. Theo lãnh đạo Sở TTTT, sở sẽ tiếp tục tham mưu để có kế hoạch tổ chức những cuộc triển lãm lưu động tại các địa phương trên toàn tỉnh. Được biết, Triển lãm Bản đồ và trưng bày tư liệu với chủ đề “Hoàng Sa- Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” sẽ được trưng bày tại Mỹ và Pháp sau khi được khảo sát cụ thể. |
Chăm chú nhìn mảnh vỡ của con tàu CSB 2016 thuộc Vùng Cảnh sát biển II, anh Nguyễn Quốc Huy, chính trị viên của tàu, không ngờ rằng tại cuộc triển lãm lần này, sẽ gặp lại một phần “ký ức” của mình. “Mình gắn bó với tàu ngay từ buổi ban đầu khi tàu bắt đầu nhận nhiệm vụ tại vùng biển Hoàng Sa từ tháng 12.2013. Tàu 2016 bị tàu hải cảnh Trung Quốc 2046105 đâm vào ngày 1.6.2014 tại khu vực vùng biển Hoàng Sa nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép. Đây là một trong những mảnh cắt ra từ mạn phải của tàu CSB 2016. Thật sự mình không nghĩ sẽ thấy hiện vật của tàu mình tại triển lãm này. Khi gặp được hiện vật, mình rất xúc động, vì một mảnh của con tàu mình công tác được đưa lên trưng bày và làm bằng chứng tố cáo hành động của Trung Quốc”- anh Nguyễn Quốc Huy chia sẻ. Đây cũng là một trong những điểm mới, khác biệt so với 13 cuộc triển lãm và trưng bày tư liệu với chủ đề “Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại các địa phương trên cả nước. TS.Trần Đức Anh Sơn, người trực tiếp thu thập tư liệu, hiện vật phục vụ cuộc triển lãm cho biết: “Triển lãm trưng bày ở không gian rộng lớn, chúng tôi đã cố gắng tuyển chọn những hình ảnh tư liệu rõ ràng nhất để tạo ra một cái nhìn chung về tư liệu Hoàng Sa - Trường Sa. Có một điểm chung là ý chí bảo vệ chủ quyền biển đảo trong 500 năm qua của người Việt không bao giờ thay đổi. Đặc biệt tại Quảng Nam, một trong những nơi có truyền thống về lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo, chúng tôi thu thập thêm được khá nhiều tài liệu và hiện vật quý trực tiếp liên quan đến công cuộc này”.
Trong những ngày này, có khá nhiều lão ngư đến từ các địa phương ven biển Quảng Nam. Họ nghe thông tin và tìm đến với triển lãm như một sự thúc giục từ tình yêu biển đảo quê hương. Lão ngư Võ Bì, từ xã ven biển Tam Thanh (Tam Kỳ) tìm đến xem từng loại châu bản, sắc phong cũng như các loại hình thư tịch cổ, hiện vật liên quan đến biển đảo. Ông Bì chia sẻ rằng, cụ tổ của lão, ông Võ Văn Tây là một trong những người trực tiếp chỉ đạo Hải đội Hoàng Sa được thành lập từ đời nhà Nguyễn. Còn có khá nhiều đoàn học sinh từ các địa phương vùng núi, cũng được nhà trường sắp xếp tham quan triển lãm, như để bồi đắp cho các em tình yêu xứ sở thông qua những hình ảnh, hiện vật từ quá khứ.
SONG ANH