(QNO) – Gần 4 năm nay, ngôi nhà nhỏ ven sông của ông Nguyễn Đình Bán, thôn Đông Hà, xã Cẩm Kim (TP.Hội An) trở thành điểm trình diễn nghề đan thúng rái phục vụ khách tham quan du lịch. Công việc vừa giúp ông Bán có thu nhập ổn định vừa giữ được nghề đan nan tre thủ công.
Sau một hồi chăm chú quan sát, bà Henny - du khách đến từ Hà Lan xin phép ông Bán cho được trải nghiệm đan tre. Lóng ngóng gõ từng thanh nan vào tấm liếp đan lở dở, cuối cùng bà Henny cũng cười to hạnh phúc khi hoàn thành công việc của mình. “Thật sự không hề dễ dàng, nhưng tôi đã làm được” - bà Henny vui sướng nói.
Ngồi kề bên, ông Bán gật đầu cười tươi đưa ngón tay cái lên biểu hiện sự hài lòng với sản phẩm mà cô “học trò” người nước ngoài vừa thực hiện. Những du khách trong đoàn cũng tỏ ra thích thú với thành quả bà Henny đạt được và đề nghị được thử làm. Ông Bán lịch sự mời từng người, tiếp tục nhiệt tình hướng dẫn.
Nhiều năm nay, ngôi nhà nhỏ ven sông của ông Bán trở thành điểm trình diễn nghề đan thúng rái duy nhất ở xã Cẩm Kim phục vụ du lịch. Mỗi sáng, chiều từng nhóm nhỏ khách nước ngoài từ phố đạp xe qua xem ông làm nghề, ai muốn trải nghiệm ông đều vui vẻ hướng dẫn. Sau mỗi lần “truyền nghề”, ông thường được khách bồi dưỡng 20 - 50 nghìn đồng, tuy nhiên gặp các trường hợp khách không mở "hầu bao" ông cũng vui vẻ.
Thông thường mỗi ngày ông Nguyễn Đình Bán tiếp 3-5 nhóm, chủ yếu khách Âu – Mỹ đi lẻ, kiếm khoảng từ 100 – 150 nghìn đồng từ việc truyền nghề cho du khách; ngày nào may mắn hơn ông bán được vài chiếc rổ, mủng nhỏ cho khách làm quà lưu niệm thì kiếm thêm vài trăm nghìn đồng.
[VIDEO] - Du khách trải nghiệm nghề đan thúng rái với ông Nguyễn Đình Bán:
Cẩm Kim là vùng trũng thấp nên dường như nhà nào trong xã cũng sắm cho mình một chiếc ghe hoặc thúng rái làm phương tiện đi lại trong mùa lũ. Cạnh đó, nghề làm biển phát triển cũng giúp nghề đan tre thịnh hành. Xã Cẩm Kim cung cấp thuyền thúng đi biển cho ngư dân từ các phường Cẩm Nam, Cẩm Châu, Cửa Đại đến xã đảo Tân Hiệp…
Tuy nhiên, gần đây sự xuất hiện của ghe, thúng nhựa khiến nghề đan thúng tre dần đánh mất lợi thế cạnh tranh.
Bằng niềm đam mê tre trúc, ông Bán quyết tâm giữ nghề thủ công của làng. Được sự khích lệ của con trai, năm 2019 ông Bán mạnh dạn mở điểm trình diễn nghề đan thúng phục vụ khách tham quan.
Hằng ngày, ông Bán ra ngôi nhà bên bờ sông bắt đầu đan, vót. Có khách thì ông phục vụ, khách vắng ông tranh thủ đan những chiếc mủng, rổ rá, rế, lồng đèn bằng tre nhỏ xinh để khách mua về làm quà lưu niệm. Thỉnh thoảng có người đặt đan thúng rái ông cũng nhận làm, năm ngoái ông bán được 5 chiếc thúng (đường kính 1,3m), giá mỗi chiếc 1,7 triệu đồng, chủ yếu lấy công làm lời.
[VIDEO] - Ông Nguyễn Đình Bán giữ được nghề đan tre thủ công truyền thống ở Cẩm Kim:
“Đan thúng rái khó nhất là cặp vành, không chỉ tìm được cây tre có mắc lệch thuận chiều mà còn nằm ở kỹ thuật uốn vành sao cho không dập hoặc gãy. Tuy nhiên, công đoạn phức tạp là kỹ thuật đan nan 4 góc theo dạng đứng. Năm trước mỗi thúng tre rái tôi bán giá 2 triệu đồng nhưng năm nay chỉ còn 1,7 triệu đồng, giảm thu nhập nhưng mình làm cho khách thích thú đặt hàng, rứa cũng vui rồi” - ông Bán chia sẻ.
Ở tuổi 77, con cái đã trưởng thành và ra ở riêng, hai vợ chồng ông Nguyễn Đình Bán chọn việc truyền nghề đan lát thủ công làm thú vui về già. Đây cũng là cách để ông giữ nghề và hướng cơ hội cho lớp trẻ cách đưa nghề đan tre gắn với du lịch, để tạo sự hấp dẫn.
“Khách Tây họ rất thích mấy cái nghề truyền thống của mình vì mình làm thật và nó cũng không quá khó để học. Chỉ sợ một mai lớp già tụi tôi mất đi thì cái nghề này mai một, thất truyền, uổng lắm nên phải cố giữ” - ông Bán trải lòng.