Dạy tiếng Anh cho làng

KHÁNH LINH 24/01/2015 07:56

Gần 2 tháng nay người dân làng Triêm Tây (Điện Phương, Điện Bàn) có thêm một niềm vui mới là mỗi tối đến nhà văn hóa thôn học tiếng Anh để về làm du lịch cộng đồng.  

Ngoài giờ lên lớp Johanna (áo trắng) còn tham gia một số hoạt động của dự án du lịch cộng đồng đang triển khai tại làng. Ảnh: VĨNH LỘC
Ngoài giờ lên lớp Johanna (áo trắng) còn tham gia một số hoạt động của dự án du lịch cộng đồng đang triển khai tại làng. Ảnh: VĨNH LỘC

Người mang đến niềm vui ý nghĩa đó chính là cô giáo Johanna Passard (quốc tịch Pháp). Hiện Johanna đang theo học chương trình thạc sĩ chuyên ngành Quản lý phát triển du lịch bền vững tại Pháp. Ngoài tiếng mẹ đẻ, cô còn thông thạo 2 ngoại ngữ khác là Anh và Tây Ban Nha. Lớp học tiếng Anh là một trong các hoạt động của dự án phát triển du lịch cộng đồng Triêm Tây do UBND huyện Điện Bàn phối hợp với UNESCO và tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thực hiện và Johanna tham gia đứng lớp với tư cách một tình nguyện viên tại Quảng Nam.   

Đều đặn mỗi tối thứ Hai, Tư, Sáu 20 học viên của lớp lại tập trung lại nhà văn hóa thôn để được nghe cô giáo Johanna dạy tiếng Anh. Những từ tưởng chừng đơn giản như xin chào (hello) hay cảm ơn (thank you)… bỗng trở nên ngượng nghịu trên môi những bà những cô vốn một đời chân lấm tay bùn. Điều thú vị là tuy đa số học viên đều lớn tuổi nhưng mỗi khi bị cô tra bài cũng không giấu được cảm giác hồi hộp lo sợ như những cô cậu học trò nhỏ ngày xưa đứng trước thầy. Bà Lê Thị Than (60 tuổi), một học viên của lớp chia sẻ, cô Johanna rất nghiêm khi dò bài nhưng lúc dạy thì vui vẻ hòa đồng nên ai cũng thích và rất mong đến buổi đi học. “Lúc đầu học cũng thấy khó lắm vì phải uốn lưỡi nhưng bây giờ thì đỡ hơn rồi” - bà Than nói. Hỗ trợ cho Johanna là cô giáo người làng Mai Thị Vững nên mỗi khi giao tiếp giữa học viên và Johanna có điều gì không hiểu sẽ được cô Vững phiên dịch lại. Với bà Than sau mỗi buổi lên lớp về nhà bà học bài bằng cách viết chữ lên một tấm bảng lớn đặt giữa nhà, kể cả lúc ăn cơm cũng học, nhờ vậy đến nay một số từ thông dụng hoặc đếm số đều đã được bà ghi nhớ.

Johanna tâm sự, cảm nhận của cô về Triêm Tây khi lần đầu đến làng là một khung cảnh bình yên, mọi người rất thân thiện, hiếu khách và luôn cười nói với nhau, đặc biệt là sự hiếu học của người dân, dù nhiều lứa tuổi khác nhau nhưng khi vào lớp họ giống như những đứa trẻ  háo hức, học xong chữ gì liền muốn nói ra với giáo viên, bạn bè nên ai cũng thấy vui thích thú. “Bà con phần đông tuổi nên tôi phải dạy chậm với những từ đơn giản. Ngoài ra, tôi cũng luôn cố gắng tạo không khí vui vẻ vừa học vừa chơi để người dân thấy thoải mái khi học nếu không sẽ dễ gây ra tâm lý chán nản cho học viên” - Johanna nói.

Hiện tại, ngoài thời gian lên lớp, Johanna còn thực hiện các công việc như đi phát phiếu điều tra thu thập thông tin về sinh kế và cuộc sống người dân trong làng; giúp dự án làm bản đồ quy hoạch làng, thiết kế tờ rơi quảng cáo… “Tôi muốn làm một điều tra về cuộc sống người dân nơi đây để đối chiếu sau 2 năm nữa khi có dịp quay lại làng” - Johanna cho biết. Cũng theo cô, Triêm Tây rất có tiềm năng du lịch tuy nhiên nếu không làm tốt công tác quản lý quy hoạch, sẽ dễ phá vỡ khung cảnh làng quê, cùng với đó mối quan hệ làng xóm cũng sẽ bị ảnh hưởng khi xuất hiện những hoạt động thương mại, dẫn đến tranh chấp quyền lợi nên phải cảnh giác để có những điều chỉnh, dung hòa kịp thời nhằm giữ các mối quan hệ làng quê tốt đẹp như đã từng tồn tại bấy lâu nay.

KHÁNH LINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dạy tiếng Anh cho làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO