Tốt nghiệp ra trường và đi làm chưa đầy 5 năm, nhưng Nguyễn Công Nguyên (SN 1987, trú thôn An Trung, xã Tiên Kỳ, Tiên Phước) khiến nhiều người nể phục bởi những việc làm thiện nguyện xuất phát từ việc dạy tiếng Nhật.
Bén duyên với tiếng Nhật
Nguyễn Công Nguyên chia sẻ, hành trình đến với tiếng Nhật và đứng trên bục giảng dạy lại cho các học viên khác đối với anh như một cái duyên. Sau khi hoàn thành việc học ở Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Nguyên xin làm mảng thiết kế bảng mạch điện tử cho một công ty Nhật Bản. Trước đó, Nguyên chưa biết gì tiếng Nhật nên đi đâu, làm gì cũng cần có thông dịch viên, làm việc được một thời gian, anh nhờ người thông dịch hướng dẫn và dạy cho anh cách tự học tại nhà. Còn quá trình trau dồi, nói lưu loát tiếng Nhật thì đã có những đồng nghiệp tạo điều kiện cho anh. Hơn 2 năm làm việc tại công ty Nhật, Nguyễn Công Nguyên sử dụng vốn tiếng Nhật rất thành thạo, nhận thấy điều đó, một số sinh viên học tại các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn TP.Đà Nẵng đến xin anh dạy kèm tiếng Nhật. Không ngần ngại, Nguyên sắp xếp thời gian rảnh ban đêm mở lớp dạy miễn phí cho các sinh viên có điều kiện trang bị thêm kiến thức ngoại ngữ.
Nguyễn Công Nguyên dạy tiếng Nhật cho sinh viên và công nhân. Ảnh: VÕ THỊ NHƯ TRANG |
Nói đến lớp học của mình, Nguyên chia sẻ: “Khi các bạn sinh viên đến xin học, mình mượn nhà truyền thống Karatedo để dạy. Lớp học đầu tiên của mình có 25 bạn. Mình tự nhủ dạy hoàn toàn miễn phí cho các bạn có đam mê, mong muốn học. Qua truyền tai nhau nên các bạn đến với lớp ngày càng đông, đó cũng là điều mình hạnh phúc và vui nhất. Nhưng rồi việc học tiếng Nhật khó khăn, kèm theo việc dạy miễn phí nữa nên dần dần lộ ra những khuyết điểm. Nhiều bạn nghĩ rằng học không có gì để mất nên trong quá trình học không cố gắng, không biết vượt qua được khó khăn. Lúc vui thì đi, lúc buồn thì nghỉ nên ảnh hưởng rất lớn đến việc học và dạy”.
Từ những tiêu cực tồn đọng qua lớp dạy tiếng Nhật miễn phí, Nguyễn Công Nguyên xem xét, kiểm tra kiến thức để chọn lọc và phân ra 3 lớp với tổng 45 học viên. Qua việc tham khảo ý kiến của các học viên về khoản học phí thì Nguyên sẽ dạy miễn phí hoàn toàn đối với học viên thuộc diện nghèo, các học viên khác sẽ nộp trên tinh thần tự giác. Khoản tiền học phí thu được sẽ đưa vào quỹ từ thiện Tanpopo do chính anh thành lập.
Hành trình gieo mầm thiện
“Anh Nguyên đã truyền cảm hứng và niềm ham thích tiếng Nhật cho em. Dù chỉ mới học 2 tháng nhưng nay em đã có thể giao tiếp tiếng Nhật được rồi. Không chỉ dạy tiếng Nhật, anh còn dạy cho em và các học viên khác nhiều bài học về giá trị cuộc sống, nhất là bài học về sự cho đi. Em luôn biết ơn anh ấy!”. Hoàng Đức Phúc (sinh viên năm cuối Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) |
Câu lạc bộ từ thiện Tanpopo được Nguyễn Công Nguyên và những bạn có tâm huyết cùng nhau xây dựng và phát triển kể từ khi có lớp tiếng Nhật. Câu lạc bộ không ràng buộc học viên lớp tiếng Nhật phải tham gia mà chỉ kêu gọi các bạn tham gia với tinh thần tự giác, trách nhiệm và tâm huyết. Với Nguyên, đây như một sân chơi để mọi người có tấm lòng nhân ái tham gia giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh, qua đó trân trọng hơn giá trị cuộc sống. Hằng tháng, Nguyên đề ra kế hoạch rồi tổ chức các chương trình từ thiện như nấu cháo phát cho các bệnh nhân ung thư, tặng quà cho các cụ già neo đơn và học sinh mồ côi trên địa bàn huyện Tiên Phước, tặng quà tết cho đồng bào dân tộc ở miền núi Đông Giang, Tây Giang... Bất kể là ngày thường hay dịp trung thu, mùa hè, đông hay xuân, Nguyên vẫn không ngừng đề ra các chương trình từ thiện ý nghĩa. Trong không khí mùa xuân đang về, anh và các thành viên trong Câu lạc bộ từ thiện Tanpopo lại nghĩ đến những em học sinh nghèo ở huyện Nam Giang. Chị Bùi Thị Ngọc Tín (thành viên Câu lạc bộ từ thiện Tanpopo) cho biết: “Mình đang cùng với anh Nguyên và các bạn trong câu lạc bộ tiến hành vận động gây quỹ để huy động đủ 200 suất quà tổng giá trị gần 10 triệu đồng cho các em học sinh có một cái tết vui và ấm áp. Dù khó khăn nhưng mình và các bạn luôn cố gắng đề ra kế hoạch nhỏ như bán bút, bán kẹo để có đủ số tiền thực hiện chương trình”.
Dù bận rộn với nhiều việc ở công ty nhưng Nguyễn Công Nguyên vẫn phân bố thời gian dạy tiếng Nhật và đề ra kế hoạch từ thiện giúp đỡ các mảnh đời bất hạnh. Anh chia sẻ niềm vui khi các học viên trong lớp tiếng Nhật đạt đến những thành công nhất định, có công nhân tham gia lớp học và đủ trình độ, điều kiện đi xuất khẩu lao động, có bạn sinh viên đạt ước mơ du học xứ Phù Tang và thật nhiều những học viên khác tốt nghiệp ra trường có việc làm ổn định ở những công ty Nhật.
Chia tay Nguyễn Công Nguyên, chúng tôi khắc ghi mãi những lời nói xuất phát từ tận đáy lòng anh: “Không có gì vui bằng cái vui được cho đi. Mình vui vì được dạy tiếng Nhật, nói đến văn hóa và con người Nhật cho những ai thực sự đam mê và thích thú. Càng hạnh phúc hơn là từ nguồn kinh phí ít ỏi từ việc dạy học, mình gắn kết nhiều tấm lòng chia sẻ với những người nghèo khổ trên quê hương!”.
VÕ THỊ NHƯ TRANG