Dù bây giờ số lượng dây trầu mà người Co tại xã Tam Lãnh (Phú Ninh) đã trồng không còn nhiều như trước, nhưng trong ký ức của đồng bào, loại dây leo này từng mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Phương (SN 1953, dân tộc Co, thôn Trà Sung, Tam Lãnh) kể rằng, trước giải phóng, tổ tiên ông bà từ Trà My di chuyển xuống đất này định cư. Buổi đầu sinh sống dưới chân núi Dương An - cách chỗ ở hiện tại gần 30 phút đi bộ và đối diện thường trực những thiếu thốn về cái ăn, cái mặc. Thời đó, ngoài việc khai phá nương rẫy gieo tỉa hạt bắp, trồng củ khoai, củ sắn thì lao động chính của người dân còn có việc trồng, chăm sóc dây trầu. “Nguồn gốc dây trầu thì tôi không rõ, chỉ biết hồi đó nhà nào cũng trồng đến cả trăm dây, thả bò tự nhiên trên những thân cây to lớn. Thời điểm những năm 2000 về trước, lá trầu dù giá rẻ nhưng rất nhiều người mua vì hồi đó dân chúng vẫn còn thích thói quen nhai trầu. Cứ cách một tuần, dây trầu nào già lá là bà con mang gùi đi hái để bán lấy tiền hoặc đem đổi gạo muối với người ở xuôi” - ông Phương nhớ lại.
Với người Co tại Tam Lãnh, dây trầu gắn liền với cuộc sống của họ kể từ buổi đầu khai hoang lập làng. |
Theo đồng bào Co nơi đây, loại trầu này có tên gọi trầu nguồn, không phải loại trầu hương. Chính nhờ những “đặc trưng” mà ở những giống trầu khác không có như lá trầu to, giòn, thơm nên thời ấy, lái buôn khắp các vùng lặn lội tìm đến chốn này để đặt mua. Ông Phương nói, do hợp thổ nhưỡng nên dây trầu trồng xuống xanh tốt, có dây sinh tồn hàng chục năm. Kỹ thuật hái trầu cũng không hề đơn giản, công việc này chỉ dành cho những thanh niên khỏe mạnh, khéo léo và được già làng Nguyễn Văn Tiến (cha ông Phương, đã mất - NV) chỉ bày. Ký ức những lần gùi lá trầu xuống bến đò Tam Lãnh bấy giờ hay đem xuống tận Tam Kỳ để bán, đổi chác giờ vẫn được thế hệ của ông Phương nhắc nhớ con cháu.
Bây giờ, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nên đời sống đồng bào Co nơi đây ngày một khởi sắc. Nhiều hộ sống trong núi cũng được di dời ra các khu tái định cư tập trung thuộc các nóc ông Thông và ông Tiến, tổng cộng hơn 30 hộ. Ở những khu vườn cũ, người dân vẫn còn giữ lại nhiều dây trầu, cho dù số lượng đã có giảm. Anh Nguyễn Văn Phụng (37 tuổi) cho biết, từ thế kỷ trước, ông bà để lại cho con cháu hơn 100 dây trầu trên diện tích khu đất vườn cũ, chừ còn lại khoảng phân nửa. Những dịp lễ, tết, bà con đồng bào lại mang gùi vào núi để hái trầu bán kiếm thêm thu nhập. “Bây chừ một năm chúng tôi chỉ đi hái trầu có vài ba lần vì ít ai mua, phải có người tới đặt trước thì mới đi hái. Trầu ra lá nhiều vào độ khoảng tháng 8 âm lịch. Một chục trầu như vậy giá 10 nghìn đồng, gồm 10 gói, mỗi gói 12 lá. Sáng đi hái, chiều về xếp gói giao cho lái buôn, ít nhất kiếm cũng được trên 100 nghìn đồng” - anh Phương cho biết.
VĂN HÀO