Làng gốm Thanh Hà (Hội An) vừa mở lớp dạy làm gốm cho thế hệ trẻ. Thành phẩm ban đầu là những con tò he và các bạn trẻ tỏ ra rất thích thú…
HIỆN nay các nghệ nhân của làng gốm Thanh Hà không còn nhiều. Để duy trì và từng bước khôi phục, phát triển nghề gốm truyền thống của địa phương, Phòng Kinh tế TP.Hội An và UBND phường Thanh Hà tổ chức lớp đào tạo làm tò he cho thế hệ trẻ của làng gốm. Đây là khóa đào tạo đầu tiên của TP.Hội An cho độ tuổi từ 12 - 18 tuổi. Lớp học ban đầu ghi danh 10 học viên, được các nghệ nhân cao tuổi có uy tín của làng nghề truyền “nghề” từ khâu chọn đất, nhồi nặn ra thành 12 con giáp. Học viên tham gia đào tạo được hỗ trợ mỗi tháng 150 ngàn đồng từ nguồn quỹ khuyến công. Sau 2 tháng đào tạo, học viên đã làm thành thạo các sản phẩm và bắt đầu học hỏi làm các sản phẩm truyền thống phức tạp hơn. Quan trọng, nếu các học viên có nhu cầu, UBND phường sẽ giới thiệu việc làm tại các cơ sở sản xuất gốm ở địa phương.
Em Phan Thị Huỳnh Phương sau khi học xong khóa đào tạo đã có thể nặn thành thục những con tò he.Ảnh: H.Y |
Là nghệ nhân lâu năm được phụ trách dạy tò he cho các bạn trẻ, ông Nguyễn Văn Xê (57 tuổi) ở làng gốm Thanh Hà cho hay: “Thị trường tò he rất lớn, không chỉ ở Hội An mà được bán ở các điểm du lịch nổi tiếng của cả nước như Nha Trang, TP.Hồ Chí Minh. Đào tạo lớp trẻ để giúp phát triển làng nghề là việc làm cần thiết, đấy cũng chính là nghĩa vụ của những nghệ nhân làng gốm Thanh Hà như chúng tôi. Khi được đề nghị dạy các bạn trẻ làm nghề tôi đã đồng ý ngay. Làm con tò he không khó, chỉ cần để ý và khéo tay một chút là có thể làm được. Mấy đứa nhỏ học rất hăng say, nhiều đứa học hỏi rất nhanh. Sau khi học xong một số đứa đã xin ở lại cơ sở gốm của tôi để làm thêm, tôi đã đồng ý vì hiện tại gia đình sản xuất cũng không đủ cho nhu cầu thị trường”.
Kết quả sau khi được đào tạo rất khả quan, học viên nắm vững tay nghề về cách làm sản phẩm, tự tay các bạn có thể nặn các con thổi, sản phẩm đã được bán ra thị trường. Từ các con thổi là những con giáp, học viên dần sáng tạo ra những mẫu mã mới phục vụ nhu cầu du khách. Nhìn bàn tay thoăn thoắt nặn tò he của em Phan Thị Huỳnh Phương chỉ sau 2 tháng học mới thấy sự đam mê làm gốm của em. Em chia sẻ: “ Nhà em cũng làm gốm tại làng Nam Diêu này, vì rất thích nghề gốm nên em xin đăng ký học lớp đào tạo tò he, em bây giờ đã có thể nặn rất thành thục những con tò he hình 12 con giáp đồng thời còn có thể làm thêm được nhiều hình khác như con voi, rùa,…Do còn phải đi học nên tranh thủ lúc rảnh rỗi em thường phụ mẹ làm, cũng có khi qua nhà chú Xê làm tò he để kiếm thêm tiền tiêu vặt. Giờ đây, không chỉ những người có “nghề” người lớn tuổi, mà các bạn nhỏ như em tại làng gốm Thanh Hà cũng đã kiếm thêm thu nhập từ việc làm tò he này”.
Ông Trang Quốc Tài - chuyên viên Phòng Kinh tế TP. Hội An cho biết: “Làng gốm Thanh Hà (Hội An) được nhiều người biết đến bởi những sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo. Gắn với phát triển du lịch, người làm gốm đã đa dạng hóa sản phẩm, chế tác thêm nhiều hàng gốm lưu niệm phục vụ nhu cầu của du khách. Việc đào tạo nghề gốm cho lớp trẻ ở phường Thanh Hà không ngoài mục đích bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng nghề, đa dạng hóa các sản phẩm truyền thống đáp ứng nhu cầu của khách hàng và phục vụ du khách tham quan, tạo dựng đội ngũ kế cận thay thế các nghệ nhân đã cao tuổi hiện nay và giúp thế hệ trẻ thêm yêu, không lãng quên làng nghề truyền thống cha ông đã để lại”.
HOÀNG YÊN