Chỉ cần một người thầy tâm huyết, một không gian vừa phải, trẻ em phố Hội đã có được những sân chơi lành mạnh.
Lớp vẽ ở Hội An của họa sĩ Trương Bách Tường.Ảnh: L.QUÂN |
Lớp dạy vẽ miễn phí
Bảy năm ròng “đứng lớp”, họa sĩ Trương Bách Tường chưa bao giờ ngừng cảm hứng trong việc chuyển tải tinh thần của hội họa đến với thiếu nhi Hội An. Và hơn 2 năm nay, ngôi nhà cổ số 46 Nguyễn Thái Học trở thành điểm đến quen thuộc của trẻ em phố cổ. Họa sĩ Trương Bách Tường cho biết: “Năm 2003, một nhóm anh em hội họa ở Hội An thành lập Câu lạc bộ Mỹ thuật với mục đích chia sẻ kinh nghiệm, mở những đợt sáng tác. Đến năm 2006, chúng tôi nhận thấy cần phải có một sân chơi để trẻ em Hội An làm quen với hội họa, đồng thời cũng là chỗ cho những em có năng khiếu bộc lộ. Vậy là chúng tôi phối hợp với Trung tâm VH-TT thành phố mở lớp dạy vẽ cho các em”. Những ngày hè, số lượng học viên có khi lên đến gần 60 em, nhưng họa sĩ Tường vẫn sắp xếp để tạo một không gian học vẽ mà các em “không bị ảnh hưởng lẫn nhau”. Qua 7 năm, lớp vẽ đã phải chuyển đi 2 lần mới có được một chỗ ổn định như hôm nay.
Những năm đầu, 15 thành viên của Câu lạc bộ Mỹ thuật thay nhau đứng lớp. Nhưng 2 năm trở lại đây, chỉ còn họa sĩ Trương Bách Tường trụ lại với các em. Họa sĩ Tường chia sẻ, các thành viên của câu lạc bộ giờ mỗi người mỗi phương, nhiều lúc anh muốn đóng cửa lớp học, nhưng nghĩ lại mình của ngày xưa, lại thôi. “Hồi nhỏ mình thích học vẽ lắm, nhưng không ai bày cho. Nhiều trẻ em Hội An bây giờ cũng vậy. Cũng có các lớp dạy vẽ được mở, nhưng chủ yếu dạy cho học sinh luyện thi đại học, còn lứa tuổi từ 6 - 13 thì hầu như không có lớp. Nghĩ vậy nên mình vẫn bám trụ đến hôm nay” - họa sĩ Tường nói. Đến với lớp vẽ, các em chỉ được dạy những điều cơ bản về mỹ thuật, còn theo lời họa sĩ Tường thì “cần hạn chế tới mức thấp nhất sự tác động của thầy vào tranh các em, cần tôn trọng cách nghĩ, cách nhìn và cảm hứng của các em” để giữ độ tinh khiết cho những tác phẩm ở lứa tuổi này. Có khi họa sĩ Trương Bách Tường dẫn học trò ra ngoại ô thành phố để các em tự cảm nhận cảnh vật xung quanh mình và đưa vào tranh. Nhiều em phải mất rất nhiều buổi mới hoàn thành tác phẩm, nhưng với thầy Tường thì “không sao cả, miễn các em thấy hứng thú khi vẽ, lúc nào xong cũng được”.
Tính đến nay, số lượng tranh do các em trong lớp học vẽ thực hiện có đến gần 700 bức. Tất cả được họa sĩ Tường gửi về Trung tâm văn hóa thể thao Hội An lưu giữ. Mới đây, nhân kỷ niệm 14 năm Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, họa sĩ Trương Bách Tường đã đứng ra tổ chức triển lãm tranh cho các em. Rất nhiều người nước ngoài thích thú và ngỏ ý muốn mua, nhưng anh từ chối, bởi lẽ “nếu các em biết tranh mình có thể bán được, nét vẽ các em sẽ không còn hồn nhiên”.
Sân chơi ngoài trời
Một nhóm kiến trúc sư đã trực tiếp trao đổi với người dân Hội An, lắng nghe ý kiến của họ và phác thảo mô hình sân chơi ngoài trời độc đáo dành cho trẻ em địa phương. Cuối năm 2012, sân chơi đầu tiên từ mô hình này ra đời tại khối phố An Mỹ (phường Cẩm Châu), khởi đầu cho những sân chơi an toàn trên khắp đô thị cổ. Chọn khuôn viên Nhà văn hóa khối phố để triển khai, mô hình gồm những trò chơi được thiết kế thành chuỗi liên hoàn, từ leo trèo, bập bênh, đu quay, bò và trườn qua đường hầm, đi thăng bằng, cầu trượt… Điều đặc biệt, tất cả được tận dụng từ những sản phẩm có sẵn tại địa phương, thân thiện với môi trường như tre, trúc, dây thừng... xây dựng cho trẻ ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường sống. Ông Phùng Hữu - Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm Châu cho biết: “Sân chơi cho trẻ em ở khối phố An Mỹ là kết quả của dự án Phát triển các không gian công cộng, không gian mở ở TP.Hội An do tổ chức HealthBridge Canada và Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị Việt Nam (chi nhánh Hội An) phối hợp thực hiện. Với diện tích 100m2, mô hình có tổng chi phí 180 triệu đồng, trong đó người dân đóng góp 30 triệu đồng, còn lại do 2 tổ chức trên tài trợ. Hiện nay chúng tôi cũng đã thành lập Ban quản lý khu vui chơi, mỗi năm phường trích chi ngân sách khoảng 6 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị, sửa chữa sân chơi cho các em”.
Sau sân chơi tại phường Cẩm Châu, dự án Phát triển các không gian công cộng, không gian mở ở TP.Hội An cùng cộng đồng đã cải tạo và xây dựng thêm nhiều sân chơi theo mô hình này cho trẻ tại các phường ngoại vi của thành phố. Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị Việt Nam cho biết: “Sân chơi An Mỹ là mô hình đầu tiên và là mô hình mẫu cho việc cải tạo và xây dựng các sân chơi, khu công cộng ở Hội An cũng như nhiều thành phố khác trên cả nước”. Theo chủ trương của TP.Hội An, bắt đầu từ năm 2013, hằng năm các xã, phường muốn đạt “trong sạch vững mạnh” phải hoàn thành tiêu chí đầu tư một khu vui chơi cho trẻ em từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Ông Phùng Hữu - Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm Châu cho biết, năm 2014 Cẩm Châu sẽ đầu tư xây dựng công viên cây xanh và khu vui chơi trẻ em với kinh phí khoảng 300 triệu đồng.
Lớp dạy vẽ miễn phí, hay những sân chơi do cộng đồng cùng làm nên vì trẻ em sẽ là những chốn vui chơi và giáo dục tốt trong thời buổi trẻ em luôn thiếu không gian để chơi đùa.
LÊ QUÂN