Dạy và dỗ

CHÂU NỮ 25/05/2017 08:25

Một buổi chiều đến đón con ở trường, cô giáo chủ nhiệm lớp mẫu giáo của con tôi vội xin lỗi phụ huynh vì cháu có va chạm với bạn và bị trầy xước. Thực sự tôi cảm thấy áy náy khi nhận được lời xin lỗi của cô. Tôi nghĩ, lúc ở nhà, tôi và các phụ huynh nói chung, chăm sóc chỉ 2 đứa con nhưng có khi vẫn không quán xuyến nổi, huống chi một lớp học có đến mấy chục cháu mà chỉ có 2 giáo viên, nên chuyện trẻ con va chạm ở lớp cũng là điều bình thường. Tôi nhớ tại hội diễn văn nghệ của Trường Mẫu giáo Hương Sen đầu năm 2017, trong một tiết mục biểu diễn cùng cô giáo, một cháu bé khi lên sân khấu bỗng nhiên không chịu múa và òa khóc. Tôi nghĩ cô giáo sẽ đưa cháu vô cánh gà để tiếp tục biểu diễn cùng các cháu còn lại, nhưng không, cô vừa dỗ cháu nín khóc, vừa hát và hướng dẫn bé múa để hoàn thành tiết mục của lớp.

Chứng kiến cảnh con mình tham gia các hoạt động ngoại khóa do nhà trường tổ chức, nhiều phụ huynh mới cảm nhận được áp lực của giáo viên mầm non khi vừa tập luyện, hướng dẫn, vừa quan sát, dỗ dành các cháu. Nhiều phụ huynh lớp nhà trẻ, lớp bé, thấy cô giáo quá vất vả trong tập luyện cho học sinh để tham gia các hoạt động của nhà trường đã đề nghị “miễn” các hoạt động này nhưng nhiều cô giáo cho biết, cho trẻ sinh hoạt ngoại khóa không chỉ là nhiệm vụ mà còn là niềm vui, hạnh phúc của giáo viên. Hiệu trưởng một trường trường mẫu giáo ở Tam Kỳ cho biết, nếu chỉ đưa các cháu có năng khiếu tham dự các hội thi, hội diễn thì quá đơn giản nhưng như vậy, các cháu còn lại sẽ không có cơ hội đứng trên sâu khấu nên nhà trường luôn tạo điều kiện để tất cả học sinh đều được tham gia các hoạt động do lớp, trường tổ chức, vừa để tạo tính công bằng trong giáo dục và giúp các cháu làm quen với sinh hoạt nhóm; tự tin, mạnh dạn khi đứng trước đám đông. Tất nhiên, để làm được điều này, giáo viên sẽ phải vất vả hơn nhiều so với việc chỉ chọn những cháu có năng khiếu; hơn nữa, thành tích của lớp có khi còn bị ảnh hưởng.

Một việc nữa, việc diễn ra hằng ngày, lặp đi lặp lại nên ít ai quan tâm để ý, suy ngẫm. Vào mỗi sáng đón trẻ, việc đầu tiên của các cô giáo mầm non không đơn giản là đón trẻ vào lớp mà luôn vỗ về để trẻ vui vẻ rời vòng tay cha mẹ hoặc là... dỗ cho trẻ nín khóc. Sự chăm bẵm, vỗ về này các cô còn phải tiếp tục thực hiện trong suốt cả ngày, trong từng bữa ăn, giấc ngủ và cả khi trẻ đi vệ sinh. Có phụ huynh tâm sự, mình chăm các con vô điều kiện nhưng nhiều khi vẫn phát cáu với sự nghịch ngợm, bướng bỉnh của con. Còn các cô giáo mầm non chăm một lúc mấy mươi cháu với mấy mươi tính cách khác nhau, chỉ riêng việc giữ cho mình không... phát cáu đã là tuyệt vời; đằng này lại còn phải yêu thương, chiều chuộng nữa thì đúng là... trên cả tuyệt vời!

Như thế mới thấy, trong giáo dục nói chung, giáo dục mầm non nói riêng, nếu không có kiến thức, cô giáo sẽ không dạy trẻ tốt được nhưng nếu không có tình thương, giáo viên sẽ không tận tâm với nghề. Mà với giáo viên mầm non, đâu chỉ đơn giản đến lớp để truyền dạy kiến thức cho trẻ mà còn phải “dỗ” trẻ. Trong khi “dạy” trẻ mới chỉ là một nghề; còn việc dỗ, rèn kỹ năng, nếp sống cho trẻ, ấy mới là nghiệp của nhà giáo. Mà “dỗ” trẻ, không chỉ cần có kỹ năng sư phạm, mà cần có tình thương và sự tận tâm.

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dạy và dỗ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO