Đại biểu Phạm Trường Dân (đoàn Quảng Nam) |
PV:Từ vụ tài sản lớn của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ cho thấy trong thời gian cán bộ đang đương chức chúng ta không phát hiện được tài sản. Nhưng đến khi họ về nghỉ hưu thì mới rộ lên những khối tài sản khổng lồ. Phải chăng vấn đề tài sản của những cán bộ do Trung ương quản lý bị né tranh? Nếu như vậy chúng ta có cần thiết phải công khai tài sản của cán bộ?
Ông Phạm Trường Dân: Theo tôi việc kê khai tài sản phải thực hiện khi cán bộ đang đương chức. Còn sau khi về hưu vẫn tiếp tục theo dõi. Anh về hưu phải có trách nhiệm kê khai tài sản với cơ sở Đảng ở địa phương nơi anh sinh hoạt. Đảng viên phải kê khai tài sản. Đảng viên sinh hoạt ở dưới chi bộ cơ sở, thì kê khai tài sản cũng là bình thường. Khi thấy có dư luận không tốt về khối tài sản của cán bộ quá lớn, cấp trên có quyền kiểm tra. Bản thân cán bộ đó phải có trách nhiệm giải trình với tư cách một Đảng viên, bởi nguồn tài sản này bắt nguồn từ khi anh còn đương chức. Nên đã là Đảng viên thì phải kê khai tài sản, dù anh có “hư hay không hư”.
PV:Vấn đề ở đây là khối tài sản của họ quá lớn, khi đương chức, việc kê khai tại sao không phát hiện ra. Theo ông làm sao để có thể xác mình nguồn tài sản đó bắt nguồn từ đâu, từ lương hay tham nhũng?
Ông Phạm Trường Dân: Việc xác định nguồn tài sản mà người ta có là việc rất khó. Do đó đảng viên phải trung thực, nhưng cũng phải kiểm tra cụ thể một số trường hợp có khối tài sản quá nhiều. Giả dụ anh làm ở tỉnh lẻ, nhưng lại có nhà ở thành phố lớn thì nhất định phải kiểm tra.
PV:Vậy theo ông, trường hợp của ông Trần Văn Truyền thuộc đối tượng do trung ương quản lý, Thanh tra chính phủ khi nhận được ý kiến dư luận cũng không thể vào cuộc được. Vậy phải chăng những cán bộ đó do Trung ương quản lý nên không ai dám đụng vào?
Ông Phạm Trường Dân: Khi anh Truyền còn đương chức, anh ý mới thuộc diện cán bộ do Trung ương quản lý. Cơ quan trực tiếp quản lý anh Truyền là Thanh tra Chính phủ. Thanh tra Chính phủ phải có trách nhiệm báo cáo Trung ương. Khi anh Truyền đã về địa phương, Thanh tra Chính phủ không còn quản lý nữa, mà chỉ làm theo chỉ đạo của Trung ương. Tức là yêu cầu kiểm tra với tư cách một cơ quan thanh tra của Nhà nước.
PV:Vấn đề dư luận quan tâm cơ quan thanh tra đi thanh tra các vụ việc, đặc biệt là tham nhũng, nhưng tại sao khối tài sản của ông Truyền lớn như vậy lại không phát hiện được?
Ông Phạm Trường Dân: Anh Truyền trước đây ở Thanh tra Chính phủ. Giờ giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm tra là không nên. Có thể giao cho Ủy ban kiểm tra Trung ương sẽ khách quan hơn.
Vấn đề ở đây là làm sao để kê khai tài sản phải chuẩn, đúng chứ không theo kiểu hô hào khẩu hiệu, mà trông chờ vào sự trung thực thì khó. Phải dựa vào các biện pháp để xử lý. Thứ nhất, anh sẽ phải giải trình, nguồn tài sản xuất phát từ đâu? có người được bạn bè cho, tặng; hay do gia đình làm ăn kinh tế hay nguồn bất động sản từ thời kỳ giá rẻ đến khi giá cao anh bán được giá, đó là chuyện bình thường.
PV: Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, hay con trai Bí thư tỉnh Hải Dương đều có tài sản khủng. Theo ông việc kê khai tài sản của quan chức hiện nay đã chuẩn chưa? Khi xảy ra vụ việc phải xác minh làm sao để người dân không nghĩ rằng cứ quan chức là có tài sản khủng. Ông lý giải thế nào về việc kê khai này?
Ông Phạm Trường Dân: Qua số liệu của thanh tra tôi thấy rằng việc kê khai tài sản cơ bản là chuẩn, nhưng không thể hoàn hảo. Cũng có người giấu, còn lại cơ bản kê khai đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Có người lợi dụng kê khai tham nhũng, cố tình che giấu.
PV:Khi phát hiện tài sản lớn của quan chức như vậy Trung ương có nên thu hồi không?
Ông Phạm Trường Dân: Thu hồi hay không thì phải tính toán, và phải có chỉ đạo từ Trung ương, chỉ đạo của Đảng; nếu không rất dễ đụng chạm. Liên quan đến tài sản của con người, quyền con người của họ theo tôi phải bàn bạc để có sự thống nhất, quy định của Luật.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
(Theo Thanh Hà/VOV.VN)