Đề án tuyển chọn, đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011-2016 (gọi tắt là Đề án 500) đã kết thúc. Chưa bàn chuyện đề án này thành công hay không, nhưng điều không thể phủ nhận là các địa phương tham gia đã tạo được nguồn nhân lực trẻ, có chất lượng. Qua quá trình cống hiến, nhiều người đã và đang được quy hoạch giữ các chức danh chủ chốt của Đảng, chính quyền và tổ chức đoàn thể ở địa phương.
Cán bộ trẻ Hồ Văn Dinh (thứ 3, bên phải) gặp gỡ trao đổi cùng bà con địa phương. Ảnh: H.GIANG |
NHỮNG CÔNG BỘC TRẺ
“Trẻ, có năng lực và nhiệt huyết” là tiêu chí mà Đề án 500 đặt ra khi lựa chọn ứng viên. Sau các khóa đào tạo, nhiều gương điển hình cán bộ Đề án 500 mà chúng tôi có dịp gặp khi đi cơ sở cho thấy tiêu chí này quả là “điều kiện đủ” để họ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tuổi trẻ, phải cống hiến
Con đường dân sinh của thôn Phước Lợi, xã Tam Lãnh (Phú Ninh) dài chừng 2km đang được mở rộng ra 4m và đổ bê tông. Trước đây, việc giải phóng mặt bằng để mở rộng con đường này trở thành vấn đề bức xúc khi nhiều hộ bị ảnh hưởng không đồng thuận hiến đất, cây cối. Từ cuối năm 2014, khi về nhận công tác và được phân công đứng điểm tại thôn Phước Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh - Nguyễn Thị Lài đã trực tiếp xuống cơ sở nắm tình hình, rồi phối hợp với Ban nhân dân thôn tổ chức nhiều cuộc họp dân, phân tích các mặt lợi khi con đường được mở rộng theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Chính sự kiên trì, khéo léo thuyết phục của nữ cán bộ trẻ Nguyễn Thị Lài đã được các hộ dân đồng thuận. Từ thành công trên giúp Nguyễn Thị Lài tích lũy thêm kinh nghiệm trong tiếp xúc, vận động nhân dân hưởng ứng các phong trào, cuộc vận động tại địa phương.
Phó Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh - Nguyễn Thị Lài là học viên tốt nghiệp khóa I của Đề án 500. Ban đầu, sau khi tốt nghiệp Nguyễn Thị Lài được giao nhiệm vụ phụ trách kế toán xã Tam Phước (Phú Ninh), đến cuối năm 2014 được huyện điều động đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh. Nhớ lại thời điểm mới được điều động, Nguyễn Thị Lài chia sẻ: “Ở cơ sở công việc rất nhiều, lại phải thường xuyên tiếp xúc với người dân trong khi mình còn khá trẻ nên đôi lúc rụt rè trong xử lý công việc. Với tinh thần không ngại khó ngại khổ, chú trọng nghiên cứu văn bản, học hỏi kinh nghiệm các anh đi trước và chịu khó đi cơ sở nên bản thân đã sớm tiếp cận với công việc được giao”. Trong xây dựng nông thôn mới, Nguyễn Thị Lài đã tham mưu tập trung nguồn lực đầu tư các công trình xây dựng cơ bản, giải ngân nguồn vốn đầu tư đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Năm 2016, xã Tam Lãnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, và điều đáng mừng là số tiền nợ khối lượng xây dựng của xã thấp so với nhiều địa phương. UBND xã Tam Lãnh cũng đã xây dựng kế hoạch bố trí vốn để trả nợ cụ thể trong từng năm. “Tôi sống tại xã Tam Dân, lại có con nhỏ nên khi về công tác ở xã Tam Lãnh có phần khó khăn do điều kiện đường xa. Nhưng tôi xác định, mình còn trẻ, phải cống hiến, được phân công làm việc ở đâu cũng vậy, gặp khó khăn phải khắc phục để hoàn thành nhiệm vụ” - Nguyễn Thị Lài bày tỏ.
Tâm huyết với công việc
Câu chuyện giữa chúng tôi với cán bộ phụ trách LĐ-TB&XH xã Bình Quý (Thăng Bình) - Trần Thị Quý Hương tạm gián đoạn khi bà Lê Thị Mai, trú thôn Quý Thạnh 1, đến nhờ hướng dẫn thủ tục bổ sung thông tin liệt sĩ để làm chế độ bảo hiểm y tế dành cho thân nhân. Bà Mai cho hay, bà cũng như nhiều trường hợp đến giải quyết thủ tục hồ sơ hưởng chính sách người có công, đối tượng bảo trợ xã hội đều được Quý Hương giúp đỡ rất tận tình, chu đáo.
Trần Thị Quý Hương là một trong số 56 cán bộ từ Đề án 500 được bầu vào cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 ở các địa phương. Cũng là lứa học viên khóa I, sau khi tốt nghiệp, Quý Hương về nhận công tác tại xã Bình Quý, phụ trách mảng bảo trợ xã hội, sau đó được giao phụ trách toàn bộ công tác LĐ-TB&XH của xã. Thời điểm Quý Hương tiếp nhận bàn giao, còn có hơn 100 bộ hồ sơ làm chế độ liệt sĩ tồn đọng bị sai thông tin cần được đính chính, giải quyết. Trần Thị Quý Hương chia sẻ, khi ấy bản thân gần như rơi vào trạng thái khủng hoảng bởi áp lực thời gian phải giải quyết xong hồ sơ tồn đọng, còn để kéo dài thì sẽ thêm có lỗi với gia đình liệt sĩ. Ngoài việc tập trung nghiên cứu văn bản, Quý Hương tranh thủ sự giúp đỡ, hướng dẫn của Phòng LĐ-TB&XH huyện Thăng Bình trong chuyên môn. Nhờ vậy, trong thời gian ngắn tất cả hồ sơ tồn đọng được giải quyết xong, chính xác. Dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27.7) vừa qua, Quý Hương được Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình tặng giấy khen về thành tích chăm lo người có công địa phương. “Giờ thì tôi đã quen việc, nắm vững các văn bản liên quan chế độ chính sách. Cứ mỗi lần giúp một trường hợp người có công hay bảo trợ xã hội làm xong thủ tục hồ sơ, mang lại quyền lợi chính đáng cho họ, tôi rất vui. Đây chính là động lực giúp tôi phấn đấu làm tốt hơn công việc được giao. Mình làm việc bằng tất cả tâm huyết nên ai cũng thương” - Hương tâm sự.
Gần dân, sát cơ sở
Qua 4 khóa, Đề án 500 đào tạo được 519 học viên, trong đó đã có 402 người được kết nạp vào Đảng; 56 người được cơ cấu vào cấp ủy xã; 2 người được cơ cấu vào Ban Thường vụ Đảng ủy xã, phường; 41 người trúng cử đại biểu HĐND cấp xã; 9 người được bầu chức danh Phó Chủ tịch UBND xã; 23 người được bố trí vào chức vụ trưởng đầu ngành của xã.(Nguồn: Ban Tổ chức Tỉnh ủy) |
Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng chuyên ngành kinh tế xây dựng và quản lý dự án, Hồ Văn Dinh - người con của làng K’xêêng, xã Dang (Tây Giang) tham gia sát hạch và trúng tuyển khóa đào tạo (khóa IV) cán bộ Đề án 500 của tỉnh. Qua một năm được đào tạo tại Trường Chính trị tỉnh, Hồ Văn Dinh về nhận công tác tại địa phương, phụ trách địa chính, xây dựng và nông thôn mới của xã. Trò chuyện với chúng tôi, Hồ Văn Dinh cho biết, qua hơn một năm công tác đã tiếp cận tốt với công việc được giao. Hồ Văn Dinh đã tham gia nhiều cuộc giám sát công trình xây dựng cơ bản tại các thôn, đo đạc kéo đường ống nước tự chảy cho nhân dân, cắm mốc rừng phòng hộ trên địa bàn... Ông ALăng Ốc - Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xã Dang đánh giá, Hồ Văn Dinh là cán bộ có năng lực, rất nhiệt huyết, công việc nào Dinh cũng hăng hái tham gia với tinh thần trách nhiệm cao. Dinh đã đóng góp rất tích cực vào việc tham mưu xây dựng các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn, đặc biệt là trong thực hiện chủ trương quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới của xã.
Xã Dang có 7/8 thôn đã và đang được đầu tư xây dựng khu tái định cư tập trung bố trí, sắp xếp dân cư vào sinh sống. Bà con an cư lạc nghiệp, công tác giảm nghèo bền vững, việc tuyên truyền vận động các chủ trương, chính sách được thuận lợi, hiệu quả. Hồ Văn Dinh chia sẻ, chủ trương di dời, bố trí, sắp xếp dân cư vào sinh sống tại các khu tái định cư tập trung là chủ trương lớn, thực hiện hiệu quả hay không là nằm ở việc chọn được mặt bằng tái định cư đẹp, thỏa mãn các yêu cầu đề ra. Xác định như vậy, trước khi triển khai, Dinh đi khảo sát thực tiễn, nghiên cứu đối chiếu các số liệu, bản vẽ quy hoạch được lưu trữ ở xã, huyện. Công việc gặp khó khăn nhất là khi lấy ý kiến tham vấn từ người dân vì họ ở phân tán, mất nhiều thời gian. Sau khi lấy hết số liệu, tổng hợp, Dinh mới cùng cán bộ kỹ thuật đi khảo sát địa chất, lựa chọn địa điểm làm mặt bằng tái định cư. “Mình học được tinh thần trách nhiệm của các anh lãnh đạo xã trong thực hiện nhiệm vụ được giao đó là phải luôn gần dân, sát cơ sở. Bà con đồng thuận, tin yêu thì sẽ cộng tác, hỗ trợ mình hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” - Hồ Văn Dinh chia sẻ.
GIẢI BÀI TOÁN QUY HOẠCH
Nhiều cán bộ Đề án 500 đã khẳng định năng lực lãnh đạo, quản lý trong quá trình công tác tại cơ sở, được bầu vào cấp ủy, lãnh đạo địa phương. Quan trọng hơn, đội ngũ này sẽ là lực lượng dự nguồn cán bộ chủ chốt cho cấp huyện, tỉnh trong tương lai...
Lãnh đạo Trường Chính trị tỉnh trao giấy chứng nhận tốt nghiệp cho học viên khóa IV - Đề án 500. Ảnh: HÀN GIANG |
Theo đánh giá của các địa phương, dù thời gian công tác chưa nhiều, nhưng phần lớn cán bộ, công chức được đào tạo từ Đề án 500 đã vượt qua sự bỡ ngỡ, phát huy tốt trình độ chuyên môn, năng lực công tác, mạnh dạn tham mưu. Trong thực hiện nhiệm vụ, họ dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm; thể hiện được tính sáng tạo, kết hợp, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhờ có cán bộ… 500
Thực hiện Đề án 500, Phú Ninh được tỉnh giao 21 chỉ tiêu, tuy nhiên xuất phát từ nhu cầu về đội ngũ cán bộ trẻ nên huyện đã xin thêm 20 chỉ tiêu. Ông Võ Sinh - Trưởng phòng Nội vụ huyện Phú Ninh cho biết, hiện 40 chỉ tiêu (1 trường hợp xin nghỉ việc) đều được bố trí vào chức danh công chức cấp xã theo đúng định biên Nghị định 92/2009/NĐ-CP. Qua theo dõi và nhận xét đánh giá hàng năm, tất cả công chức Đề án 500 về nhận công tác tại địa phương đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Có 10 trường hợp nổi trội được giới thiệu bầu vào cấp ủy và được phân công giữ các chức vụ chủ chốt của địa phương.
Cũng theo ông Võ Sinh, chính nhờ có đội ngũ cán bộ Đề án 500 mà công tác quy hoạch cán bộ chủ chốt xã, huyện nhiệm kỳ tới tại địa phương khá thuận lợi. “Chúng tôi đang rà soát nhằm bổ sung, đưa vào quy hoạch một số chức danh chủ chốt các phòng ban của huyện nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ tiếp theo. Trong đó, có “để ý” đến một số trường hợp thuộc cán bộ Đề án 500. Nếu cuối năm nay được Huyện ủy Phú Ninh phê duyệt, chúng tôi sẽ công bố công khai để anh em biết, tiếp tục phấn đấu. Tại cấp xã, địa phương yêu cầu phải hết sức lưu ý, lựa chọn các trường hợp cán bộ Đề án 500 ưu tú đưa vào quy hoạch, góp phần tạo nguồn cán bộ cho tương lai” - ông Sinh nói.
Nguồn lâu dài, chất lượng
Tại huyện Thăng Bình, địa phương cũng xác định đội ngũ cán bộ Đề án 500 sẽ là nguồn bổ sung quy hoạch lãnh đạo chủ chốt của xã, huyện sau này nên khi đề án được triển khai, huyện lựa chọn rất kỹ càng đối với từng ứng viên. Ông Nguyễn Đức Tám - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thăng Bình khẳng định, với tinh thần như vậy nên địa phương tạo điều kiện bố trí đủ 44 chỉ tiêu vào chức danh công chức cấp xã. Việc này được Thăng Bình quan tâm làm ngay sau khi cán bộ được đào tạo một năm tại Trường Chính trị tỉnh. Nhờ đó, cán bộ Đề án 500 yên tâm công tác, phấn đấu rèn luyện, trưởng thành. Trong số này, có 38 người được đứng vào hàng ngũ của Đảng, có đến 15 người được bầu vào cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 và 6 trường hợp được tín nhiệm giao đảm nhiệm các vị trí chủ chốt tại cơ sở.
Ông Tám cho hay, lúc đầu cũng có ý kiến băn khoăn, chưa biết đội ngũ cán bộ còn quá trẻ này về công tác, cống hiến ra sao nhưng đã có mức đãi ngộ cao hơn so với nhiều trường hợp công tác lâu năm tại địa phương. Rất mừng là chỉ sau một thời gian, cán bộ đào tạo từ Đề án 500 đều khẳng định được năng lực của mình trong thực hiện nhiệm vụ. “Đội ngũ này chính là nguồn cán bộ lâu dài, chất lượng cho cơ sở, cho huyện. Nếu không có cán bộ Đề án 500, nhất định huyện, xã sẽ gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng trong công tác quy hoạch cán bộ theo yêu cầu hiện nay” - ông Tám nói.
VƯỚNG MẮC “HẬU ĐỀ ÁN”
Hiệu quả cũng đã phần nào được nhìn nhận, tuy nhiên với Đề án 500 không phải ở địa phương nào cũng được thuận lợi, nhất là đối với khu vực miền núi.
Theo kết quả đề tài “Khảo sát thực trạng bố trí, sử dụng cán bộ Đề án 500” tại các địa phương do Phòng Đào tạo Trường Chính trị tỉnh vừa thực hiện, việc triển khai đề án ở cơ sở còn bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc. Trong đó, việc tuyển chọn cán bộ của đề án ở một số địa phương chưa căn cứ trên cơ sở nhu cầu, không xuất phát từ điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, được phân bổ chỉ tiêu từ trên xuống… dẫn đến việc bố trí vào chức danh công chức gặp khó khăn, phân công công tác không phù hợp với chuyên môn, sở trường nên không phát huy được năng lực, hiệu quả công việc không cao, gây khó khăn trong đánh giá, phân loại cán bộ, công chức hằng năm. Ngoài ra, một số địa phương miền núi không tuyển chọn được cán bộ tại địa phương nên đã tuyển chọn cán bộ đề án ở đồng bằng hoặc con em người Kinh ở miền núi về công tác khiến gặp nhiều trở ngại do bất đồng về ngôn ngữ, phong tục tập quán với người dân bản địa... Ông Lưu Văn Khương - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Tây Giang cho biết, địa phương có 15 chỉ tiêu cán bộ Đề án 500 nhưng đến nay chỉ mới bố trí được 3 trường hợp vào chức danh công chức cấp xã. Các trường hợp khác được bố trí vào chức danh công chức thứ 3, do định biên theo quy định của Nghị định 92/2009/NĐ-CP tại các xã đã được bố trí đủ. Tuy nhiên, ông Khương cũng khẳng định, từ nay đến năm 2020, địa phương phấn đấu bố trí hết đội ngũ này vào chức danh công chức cấp xã theo quy định.
Cũng do tình hình thực tế về định biên và số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường đã được bố trí đủ theo quy định nên tại TP.Tam Kỳ vẫn còn 3 trường hợp cán bộ Đề án 500 chưa được bố trí vào ngạch công chức. Các trường hợp này đang hoạt động không chuyên trách tại phường An Xuân, xã Tam Thanh và Tam Thăng. Theo bà Lê Thị Hiếu - Phó Trưởng phòng Nội vụ TP.Tam Kỳ, trong thời gian qua, các trường hợp này được lãnh đạo thành phố hết sức quan tâm động viên yên tâm công tác, cống hiến. Đồng thời được Phòng Nội vụ thực hiện đầy đủ chế độ của công chức theo định biên của phòng. “Theo kế hoạch, trong năm nay các trường hợp nêu trên sẽ được bố trí vào chức danh công chức. Phòng Nội vụ TP.Tam Kỳ luôn theo dõi, tham mưu lãnh đạo thành phố chỉ đạo các địa phương giúp đỡ, tạo điều kiện cho cán bộ Đề án 500 phát triển, lựa chọn nhân sự ưu tú đưa vào quy hoạch dự nguồn các chức danh lãnh đạo chủ chốt tại cơ sở” - bà Hiếu cho biết.
TIẾP TỤC, NÊN HAY KHÔNG?
Ông Lê Văn Dũng - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy:
Thành công chung của Đề án 500 là đã chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng, nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý kế cận của cấp xã. Đặc biệt đội ngũ này đã đáp ứng được yêu cầu Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy (khóa XXI) về công tác cán bộ, là đối tượng quan trọng giúp cho việc quy hoạch cán bộ chủ chốt cấp xã, huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 và giai đoạn tiếp theo đạt chất lượng khá tốt. Tuy nhiên, nếu đặt vấn đề có nên tiếp tục thực hiện Đề án 500, theo tôi không nên, vì “đầu ra” rất khó, đa số cán bộ xã hiện nay đều trẻ, định biên công chức cũng đã được bố trí đủ.
Ông Nguyễn Đức Tám - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thăng Bình:
Trong thời điểm hiện nay tỉnh không nên tiếp tục triển khai thực hiện Đề án 500, vì không riêng đối với Thăng Bình mà nhiều địa phương cũng sẽ gặp khó khăn trong bố trí cán bộ. Thay vào đó, tỉnh cần có khảo sát, đánh giá đầy đủ thực trạng đội ngũ cán bộ cơ sở, phải tính được từ nay đến năm 2020 sẽ có bao nhiêu người nghỉ hưu theo quy định. Từ đó giao cho các địa phương tự cân đối nguồn, chủ động về chỉ tiêu cán bộ cần đào tạo. Trên cơ sở đó, tỉnh tổ chức đào tạo cán bộ theo nhu cầu của các địa phương. Tôi tin nếu làm như vậy nhất định nhiều địa phương sẽ ủng hộ giải pháp này trong việc đào tạo cán bộ trẻ thời gian tới.
Ông Hoàng Hối - Trưởng phòng Đào tạo Trường Chính trị tỉnh:
Nếu tiếp tục thực hiện Đề án 500 trong giai đoạn tới, các cơ quan tham mưu cần nghiên cứu cụ thể về nhu cầu của mỗi địa phương, đổi mới phương thức tuyển chọn, cơ chế và chế độ chính sách nhằm khắc phục các tồn tại của đề án đã thực hiện. Cán bộ Đề án 500 là những trí thức trẻ nhưng những kiến thức đã được trang bị chỉ là những nấc thang đầu tiên trong cuộc đời mỗi người. Thực tiễn cuộc sống đòi hỏi mỗi người phải không ngừng học tập, nghiên cứu, tự học, không ngừng phấn đấu vươn lên để trưởng thành, góp phần tích cực vào sự phát triển ở các địa phương.
Ông Nguyễn Ngọc Trung - Chủ tịch UBND xã Tam Dân (Phú Ninh):
Xã Tam Dân có 4 chỉ tiêu (có 1 chỉ tiêu điều động về công tác ở xã khác) đều được kết nạp Đảng và đưa vào quy hoạch cấp ủy, chức danh lãnh đạo chủ chốt các hội đoàn thể, phó chủ tịch UBND xã. Lãnh đạo địa phương cũng hết sức quan tâm đối với cán bộ trẻ, vì vậy bản thân cán bộ đề án đều nhận thức được và rất quyết tâm, phấn đấu thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bây giờ đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đã bố trí đủ, độ tuổi rất trẻ. Nếu tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án 500 thì việc bố trí cán bộ ở cơ sở sẽ rất khó, không thể vượt khỏi định biên của Nghị định 92/2009/NĐ-CP. Theo tôi, thay vì tổ chức đào tạo cán bộ như theo Đề án 500 thì tỉnh cần ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ cơ sở được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.
HÀN GIANG