Đề án bệnh viện vệ tinh tại Tây Giang: Nâng cao năng lực khám chữa bệnh

ALĂNG NGƯỚC 28/06/2016 08:59

Các hoạt động triển khai theo đề án Bệnh viện vệ tinh (BVVT) tại Trung tâm Y tế huyện Tây Giang từ Bệnh viện Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội giúp đồng bào vùng biên tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

“Bài toán” giảm tải

Lần đầu tiên, chương trình ký kết chuyên môn ở tuyến huyện thuộc Sở Y tế được Bệnh viện Đà Nẵng chọn trở thành BVVT theo đề án của Bộ Y tế. Đây được xem là cơ hội lớn để Trung tâm Y tế huyện Tây Giang hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng lực và khả năng cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân địa phương. Từ đó, tạo thêm cơ hội để đội ngũ y, bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện dễ dàng tiếp cận, học hỏi các kỹ thuật chẩn đoán, điều trị bệnh hiện đại, chuyên sâu, góp phần nâng cao chất lượng và công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào miền núi. Theo bác sĩ Alăng Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Tây Giang, trong những năm qua mặc dù bộ máy lãnh đạo của các khoa, phòng chức năng và các trạm y tế xã đã được củng cố, kiện toàn nhưng năng lực chuyên môn cũng như năng lực quản lý vẫn còn nhiều hạn chế. Từ năm 2011 đến 2015, có 510 ca bệnh tại địa phương phải chuyển lên tuyến trên, trong đó có 237 ca chuyển về Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam, 198 ca chuyển Bệnh viện Đà Nẵng, còn lại được chuyển đến các bệnh viện khác trong và ngoài tỉnh.

Đại diện lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng và Trung tâm Y tế Tây Giang ký kết thỏa thuận hợp tác tại lễ tiếp nhận bệnh viện vệ tinh. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Đại diện lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng và Trung tâm Y tế Tây Giang ký kết thỏa thuận hợp tác tại lễ tiếp nhận bệnh viện vệ tinh. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Bác sĩ Huỳnh Thế Vịnh - Phó Giám đốc Sở Y tế đánh giá cao những nỗ lực trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng biên giới của Trung tâm Y tế huyện Tây Giang. Đồng thời cho biết do đặc thù của miền núi nên đơn vị hiện vẫn còn gặp một số khó khăn, nhất là tình trạng quá tải do số lượng bệnh nhân chuyển lên tuyến trên còn cao. Do vậy, để giải được “bài toán” giảm tải cho địa phương, cũng như sớm triển khai có hiệu quả đề án BVVT, theo bác sĩ Vịnh cần tập trung triển khai tốt việc chuyển giao kỹ thuật khám chữa bệnh của tuyến trên (Bệnh viện Đà Nẵng) và tiếp nhận của tuyến dưới (Trung tâm Y tế huyện Tây Giang). “Việc triển khai các hoạt động dự án BVVT là một trong những nhiệm vụ lớn, trọng tâm của ngành y tế trong thời gian tới. Chúng tôi tiếp tục quan tâm và sẽ là cầu nối tham mưu UBND tỉnh trong việc ưu tiên đầu tư hỗ trợ các nguồn lực thời gian đến. Nếu dự án thành công sẽ mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong việc khám chữa bệnh đồng bào miền núi, góp phần từng bước giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển viện lên tuyến trên” - ông Vịnh chia sẻ.

Vì sức khỏe cho đồng bào

Mục tiêu đến năm 2020 đề án BVVT phấn đấu đạt 100% cán bộ, nhân viên y tế trong nhóm tiếp nhận kỹ thuật của trung tâm được đào tạo chuyên môn phù hợp; thực hiện việc đào tạo và tư vấn khám chữa bệnh từ xa qua hệ thống công nghệ thông tin; giảm 15% bệnh nhân chuyển tuyến từ Trung tâm Y tế Tây Giang lên Bệnh viện Đà Nẵng; 100% các kỹ thuật do Bệnh viện Đà Nẵng chuyển giao được Trung tâm Y tế Tây Giang thực hiện tốt và duy trì bền vững… Vào tháng 6.2015 lần đầu tiên đơn vị phẫu thuật thành công một trường hợp sỏi kẹt cổ bàng quang, đánh dấu bước tiến mới trong lĩnh vực phẫu thuật tại địa phương. Qua 5 năm (2011 - 2016), đơn vị đã phẫu thuật trên 1.080 trường hợp và cứu chữa nhiều bệnh nhân cấp cứu của nước bạn Lào.

Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng Trần Ngọc Thạnh cho rằng, các hoạt động dự án được triển khai theo mô hình BVVT là gắn thương hiệu của bệnh viện tuyến trên với bệnh viện tuyến dưới, trong đó tăng cường công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới, giúp bệnh viện tuyến dưới áp dụng có hiệu quả cơ sở vật chất đã được đầu tư. Thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế,… Trung tâm Y tế Tây Giang sẽ còn được nâng cao năng lực về khám chữa bệnh về các chuyên ngành: hồi sức cấp cứu, gây mê hồi sức, ngoại khoa, nội khoa, đảm bảo công tác khám chữa bệnh tại chỗ. “Mục tiêu của chúng tôi đặt ra trong giai đoạn 2016 - 2020 là tập trung đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho các lĩnh vực về lý thuyết lẫn thực hành theo nhu cầu của Trung tâm Y tế huyện Tây Giang. Đồng thời tiến hành chuyển giao một số kỹ thuật mới có thể áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh ở miền núi” - ông Thạnh nói.

Ông Bh’riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho hay, do địa bàn miền núi khó khăn, trước đây Tây Giang được xem là một trong những vùng dịch bệnh đáng lo ngại nhất của toàn tỉnh. Sau 13 năm tái lập, dù diện mạo của huyện có nhiều đổi mới nhưng công tác khám chữa bệnh cho người dân còn nhiều khó khăn. Do vậy, hoạt động triển khai đề án BVVT luôn được kỳ vọng sẽ là mục tiêu lớn để ngành y tế Tây Giang nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. “Đây cũng là tình cảm của các y, bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng dành tặng cho Tây Giang, góp phần đưa ngành y của địa phương có cơ hội nâng cao tay nghề, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng biên giới xa xôi, vốn còn nhiều khó khăn thiếu thốn như Tây Giang” - ông Liếc nhấn mạnh.

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đề án bệnh viện vệ tinh tại Tây Giang: Nâng cao năng lực khám chữa bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO