Đề án hỗ trợ đặc thù cho diễn viên Đoàn ca kịch Quảng Nam: Tăng mức thù lao

LÊ QUÂN 05/07/2014 08:12

Rất nhiều lần sau mỗi buổi diễn, những ca sĩ, diễn viên của Đoàn dân ca kịch Quảng Nam, Đội thông tin lưu động tỉnh không khỏi ngậm ngùi khi những tràng pháo tay dứt. Bởi rời ánh đèn sân khấu, họ đối mặt ngay với bao nỗi lo cơm áo vì mức thù lao “quá bèo”.

Chế độ eo hẹp

Đoàn Thị Thu Trang - diễn viên trẻ của Đoàn dân ca kịch Quảng Nam, mới có con nhỏ chưa đầy một tuổi. Vì lịch diễn dày đặc, Trang đành gửi con cho ông bà, bươn bả từ Đà Nẵng vào Tam Kỳ để tham gia luyện tập cùng các anh chị diễn viên. Sau mỗi buổi tập, nếu còn thời gian, cô lại bắt xe buýt ngược ra Đà Nẵng. Mỗi ngày luyện tập như vậy, với một diễn viên trẻ như Trang, thù lao chỉ được 20.000 đồng/ngày. May là trong vở kịch đang tập dượt này, Trang vào vai diễn viên chính, mới có mức phụ cấp như vậy. Ở những vở khác, cách chừng hơn một năm trước, thù lao tập luyện của cô chỉ có 15.000 đồng/ngày. Dù đã tăng, nhưng với chế độ phụ cấp luyện tập như vậy, vẫn chưa đủ giá vé 1 tuyến xe buýt từ Đà Nẵng vào Tam Kỳ. Chúng tôi tìm gặp Trang khi cô đang vào vai một người mẹ trẻ trong một vở kịch mới, vừa tranh thủ học thoại, cô vừa tâm sự: “Thật sự yêu nghề lắm mới lặn lội như vậy. Chứ với mức độ phụ cấp như hiện tại, anh chị em chúng tôi phải vất vả lắm mới đủ trang trải cuộc sống gia đình”.

Đoàn Thị Thu Trang (bên trái) – từ Đà Nẵng vào Tam Kỳ tham gia tập luyện với mức hỗ trợ 20 nghìn đồng/ ngày.Ảnh: L.QUÂN
Đoàn Thị Thu Trang (bên trái) – từ Đà Nẵng vào Tam Kỳ tham gia tập luyện với mức hỗ trợ 20 nghìn đồng/ ngày.Ảnh: L.QUÂN

Còn nhớ một lần vào dịp tết Giáp Ngọ - 2014, người viết bài này theo chân Đoàn dân ca kịch Quảng Nam về diễn tại các xã vùng núi huyện Nông Sơn. Khán giả vùng cao hào hứng chờ đợi từng đêm diễn của các anh chị. Sau mỗi câu thoại, từng tràng pháo tay vang lên. Kết thúc đêm diễn, mới là lúc người diễn viên ngồi lại, kiểm đếm xem mình đã hoàn thành tròn vai chưa. Còn chuyện thù lao, không ai nhắc tới. Sau này, khi có dịp tiếp xúc với ông Huỳnh Ngọc Lệ - Trưởng đoàn dân ca kịch Quảng Nam, chúng tôi thật sự bất ngờ khi biết thù lao cao nhất của mỗi đêm diễn chỉ 50.000 đồng đối với diễn viên chính, 30.000 đồng đối với diễn viên phụ trong một đêm cống hiến thanh sắc như vậy. Theo ông Lệ, mỗi đêm diễn, kinh phí thường được địa phương chi trả từ 3 - 4 triệu đồng. Ở các xã vùng sâu, thù lao thường ít hơn. Đoàn dân ca kịch Quảng Nam là đơn vị sự nghiệp, tự thu bù chi, trong khi đó việc xã hội hóa các hoạt động còn nhiều trở ngại. Diễn viên muốn có thu nhập để trang trải chi tiêu gia đình phải chạy thêm việc ở ngoài. Tuy vậy, chưa ai từ chối các đêm diễn ở địa phương.

Tìm phương cách nào đó để đời sống anh chị em diễn viên được cải thiện luôn là câu hỏi của Đoàn dân ca kịch. Vấn đề đau đầu nhất đối với Đoàn dân ca kịch hiện nay là không có kinh phí để tuyển chọn cũng như đào tạo lớp thế hệ kế cận. “Hiện nay rất khó để tìm được nhân tố trẻ. Tuổi đời, tuổi nghề của các nghệ sĩ, diễn viên ngày càng cao, hạn chế về mặt thanh sắc nên khả năng để vở diễn hấp dẫn cũng giảm đi phần nào” - ông Lệ nói.

Những tín hiệu vui

Trước những khó khăn các diễn viên Đoàn dân ca kịch Quảng Nam đang gặp phải, Sở VH-TT&DL đã có dự thảo Đề án về chế độ hỗ trợ đặc thù cho nghệ sĩ, diễn viên, tuyên truyền viên của Đoàn dân ca kịch Quảng Nam và Đội tuyên truyền lưu động trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là mong mỏi của đội ngũ diễn viên trước tình hình vật giá ngày càng leo thang như hiện nay. Theo lãnh đạo Sở VH-TT&DL, tình hình hoạt động cũng như đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên, tuyên truyền viên của Đoàn dân ca kịch Quảng Nam và các Đội tuyền truyền lưu động từ tỉnh đến các huyện, thành phố vẫn thiếu tính bền vững do chế độ phụ cấp quá thấp và chưa phù hợp với mức sống thực tế. Mặt khác, do đặc thù của ngành tuyên truyền chủ yếu hoạt động vào ban đêm ở những vùng khó khăn, nên tuyên truyền viên phải chịu nhiều sự tác động ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sinh hoạt. Trong khi đó, một số nghệ sĩ, diễn viên, tuyên truyền viên giỏi nghề đã xin nghỉ hoặc chuyển công tác sang lĩnh vực khác có mức thu nhập cao hơn. Đặc biệt là Đoàn dân ca kịch Quảng Nam, do tính đặc thù của loại hình nghệ thuật truyền thống nên có không ít trở ngại trong việc tuyển dụng, bổ sung đội ngũ diễn viên trẻ kế cận.

Năm 2013, Bộ VH-TT&DL đã kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng chính sách đối với văn nghệ sĩ theo cơ chế đặc thù, như nghiên cứu nâng lương cho diễn viên chuyên nghiệp theo kết quả cống hiến và nâng lương đối với những diễn viên đoạt giải trong nước, giải quốc tế, diễn viên đi phục vụ vùng sâu, vùng xa… Tại Quảng Nam, Thông báo số 281/TB-TU của Tỉnh ủy cũng đã đề cập vấn đề đãi ngộ văn nghệ sĩ của tỉnh nhà, động viên các nghệ sĩ, diễn viên, tuyên truyền viên an tâm lao động, sáng tác nghệ thuật, ổn định tư tưởng, cống hiến lâu dài cho sự nghiệp phát triển văn hóa, nghệ thuật của địa phương; đồng thời tạo ra đội ngũ diễn viên trẻ kế thừa, góp phần bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống và hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của tỉnh đề ra.

Theo đề án, mức hỗ trợ đặc thù của tỉnh cho nghệ sĩ, diễn viên, tuyên truyền viên, khi tham gia luyện tập sẽ tăng từ 20.000 đồng/ngày lên 100.000 đồng/ngày đối với Nghệ sĩ nhân dân, 80.000 đồng đối với Nghệ sĩ ưu tú, 50.000 đồng đối với diễn viên đóng vai chính và 30.000 đồng đối với diễn viên đóng vai phụ. Mức thù lao cho một buổi biểu diễn cũng sẽ được tăng lên gấp đôi. Việc tuyển chọn, đào tạo và kinh phí đào tạo diễn viên nghệ thuật dân ca truyền thống Quảng Nam cũng sẽ được lập kế hoạch và phân bổ kinh phí cho giai đoạn 2015 - 2017.  Thông qua các liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật truyền thống do tỉnh và các địa phương tổ chức sẽ tìm ra những gương mặt trẻ tài năng, góp phần làm nên lớp diễn viên kế cận cho Đoàn dân ca kịch Quảng Nam.

Hy vọng đề án này sẽ sớm trở thành hiện thực, để “níu kéo” những tấm lòng yêu dân ca, âm nhạc truyền thống, những tài năng và đam mê nghệ thuật sẽ trụ vững với nghề, ngay trên mảnh đất quê hương.

LÊ QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đề án hỗ trợ đặc thù cho diễn viên Đoàn ca kịch Quảng Nam: Tăng mức thù lao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO