Đề án phát triển giáo dục TP.Tam Kỳ giai đoạn 2016 - 2020 được coi là “tạo bước đột phá trong chiến lược đầu tư nguồn lực con người” của thành phố. Sau một năm triển khai thực hiện đề án đã có những bước chuyển đáng mừng.
Trường Tiểu học Võ Thị Sáu được đầu tư lớn nhất Tam Kỳ với gần 60 tỷ đồng. Ảnh: X.PHÚ |
Chuẩn hóa trường lớp
Tam Kỳ bị “chậm chân” so với các địa phương khác trong xây dựng trường chuẩn quốc gia, vì thế, những năm qua, lãnh đạo thành phố rất quan tâm đến công tác này. Đặc biệt, sau khi Đề án phát triển giáo dục giai đoạn 2016 - 2012 ban hành, địa phương đã có bước đột phá trong ưu tiên nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp trồng người. Một trong những động thái dễ “cân đo đong đếm” là việc đầu tư xây dựng trường lớp theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Trong năm học 2016 - 2017 và năm học 2017 - 2018, thành phố đã đầu tư xây dựng mới 2 trường Tiểu học Võ Thị Sáu và Mầm non Tuổi Thơ với tổng mức đầu tư hơn 72 tỷ đồng. Chưa dừng lại đó, từ nguồn ngân sách thành phố, 67 tỷ đồng tiếp tục được dành cho việc nâng cấp, xây dựng bổ sung phòng học, phòng chức năng, phòng bộ môn, tạo ra diện mạo mới cho 9 trường mầm non, tiểu học, THCS. Ngoài ra, nhằm đáp ứng yêu cầu dạy và học tiếng Anh, 2 phòng học ngoại ngữ khá hiện đại trị giá 1 tỷ đồng cũng đã được trang bị cho Trường Tiểu học Võ Thị Sáu và THCS Nguyễn Du. Cạnh đó, thành phố đầu tư 2,2 tỷ đồng mua sắm ti vi, máy vi tính, bàn ghế học sinh và giáo viên… cho năm học 2017 - 2018. những con số “biết nói” nêu trên thể hiện sự quan tâm đầu tư của địa phương cho sự nghiệp trồng người.
Với nguồn lực đầu tư mạnh mẽ nhất trong nhiều năm trở lại đây đã góp phần làm cho trường lớp học trên địa bàn thành phố có những bước chuyển động đáng kể theo hướng hiện đại hóa. Đến nay, mục tiêu tầng hóa, kiên cố hóa 100% trường học sắp trở thành hiện thực khi đã có đến 35/38 trường được đầu tư xây dựng hoàn thành (chỉ còn 3 trường mầm non, mẫu giáo). Tốc độ phát triển nhanh chóng này nhờ thành phố có những quyết sách đột phá trong đầu tư, nhất là Đề án phát triển giáo dục thành phố giai đoạn 2010 - 2015 vừa kết thúc đã ban hành ngay Đề án phát triển giáo dục giai đoạn 2016 - 2020. Cũng chính nhờ chủ trương tầng hóa, kiên cố hóa đã giúp cho công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia của Tam Kỳ tháo gỡ được “điểm nghẽn” về cơ sở vật chất tồn tại nhiều năm trước đó. Hàng loạt trường học sau khi đầu tư cơ sở vật chất đã nhanh chóng hoàn thành công tác xây dựng trường chuẩn. Theo thống kê, đến nay toàn thành phố có 30 trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, gồm 10 mầm non, mẫu giáo, 12 tiểu học và 8 THCS. Dự kiến đến cuối năm 2017, sẽ có thêm 3 trường nữa hoàn thành. Về kiểm định chất lượng giáo dục, 100% trường học trên địa bàn thực hiện kiểm định, trong đó 15 trường đạt cấp độ 3 và 3 trường đạt cấp độ 2.
Nâng cao chất lượng
Đánh giá sơ kết sau một năm triển khai đề án phát triển giáo dục thành phố giai đoạn 2016 - 2020, UBND TP.Tam Kỳ cho rằng, sự nghiệp giáo dục thành phố tiếp tục có bước phát triển. Chất lượng giáo dục được giữ vững, cơ sở vật chất được đầu tư, trang thiết bị được bổ sung đáp ứng yêu cầu dạy và học, chất lượng đội ngũ từng bước được nâng cao theo hướng chuẩn hóa. Đặc biệt, một số chỉ tiêu của đề án đã hoàn thành sớm hơn tiến độ đề ra như tổ chức dạy bán trú, 2 buổi/ngày, huy động 100% trẻ đúng độ tuổi vào tiểu học và 100% học sinh hoàn thành tiểu học vào THCS, chất lượng phong trào học sinh giỏi, giáo viên giỏi, giáo viên mầm non trên chuẩn…
Về kết quả đạt được của dự án, ông Trần Ngọc Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT cho biết, hiện 100% trường mẫu giáo, mầm non trên địa bàn thành phố tổ chức bán trú, 100% trường tiểu học tổ chức chương trình dạy 2 buổi/ngày và bán trú, 7 trường THCS dạy 2 buổi/ngày ở một số môn, một số khối lớp. Việc tổ chức bán trú, dạy 2 buổi/ngày, xây dựng trường chuẩn giúp cho ngành triển khai thực hiện có hiệu quả đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy theo tinh thần “đổi mới căn bản, toàn diện” để nâng cao chất lượng dạy và học, tạo bước đột phá trong chiến lược phát triển nguồn lực con người. Năm học qua, tỷ lệ hoàn thành ở bậc tiểu học đạt 99,5%; tỷ lệ xếp loại học lực từ khá giỏi trở lên bậc THCS đạt 62,5%, tăng nhiều so với trước đây. Ngành GD&ĐT thành phố cũng tiếp tục có được thành tích tốt và khẳng định mình với nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi văn hóa cấp tỉnh, quốc gia. Đáng chú ý, trong tổng số 280 học sinh toàn tỉnh trúng tuyển vào lớp 10 Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm năm học 2017-2018, Tam Kỳ có 143 em, chiếm hơn 51%.
Năm đầu tiên trong lộ trình 5 năm triển khai thực hiện đề án, song theo nhận xét của nhiều cán bộ quản lý giáo dục, sự quan tâm đầu tư của thành phố đã tạo ra cú hích mạnh mẽ, cả về vật chất lẫn tinh thần, cho công cuộc phát triển giáo dục địa phương. Bước đầu cho thấy, không chỉ trường lớp trên địa bàn tiếp tục có sự thay đổi tích cực, mà phong trào dạy và học cũng có nhiều tín hiệu lạc quan. Tất nhiên, mục tiêu không chỉ dừng lại ở đó. Nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học phục vụ yêu cầu nâng cao chất lượng là khá lớn trong khi nguồn lực của thành phố chưa đáp ứng kịp thời. Chất lượng giáo dục tuy có chuyển biến nhưng chưa đồng đều giữa các trường học. Phong trào học sinh giỏi, chất lượng mũi nhọn chưa thật sự bền vững. Với quyết tâm tạo bước đột phá trong chiến lược đầu tư nguồn lực con người, Tam Kỳ đang tập trung mọi nguồn lực phát triển giáo dục theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện và chuẩn hóa trên tất cả lĩnh vực, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, cảnh quan đến đội ngũ cán bộ, giáo viên, chất lượng giáo dục toàn diện. Mục tiêu của địa phương là góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng và thu hút nhân tài, xây dựng ngành giáo dục Tam Kỳ trở thành trung tâm GD&ĐT chất lượng cao của tỉnh.
XUÂN PHÚ