Còn khoảng 5 tháng nữa TP.Đà Nẵng sẽ chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, ngừng phát sóng truyền hình mặt đất theo công nghệ tương tự. Người dân Đà Nẵng và khu vực Bắc Quảng Nam (Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An) sẽ phải trang bị thêm thiết bị phù hợp nếu muốn xem các kênh truyền hình trung ương và địa phương. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, thông tin về vấn đề này vẫn còn khá mù mờ…
“Mù” thông tin
Theo lộ trình đề án “Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020”, đến tháng 7.2015 TP.Đà Nẵng sẽ là địa phương thí điểm chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, ngừng phát sóng truyền hình mặt đất công nghệ tương tự và chuyển hẳn sang công nghệ truyền hình số mặt đất theo tiêu chuẩn DVB-T2. Để xem được truyền hình, các hộ dân phải trang bị loại ti vi được tích hợp tính năng thu truyền hình số mặt đất theo chuẩn DVB-T2. Đối với loại ti vi chưa được trang bị số hóa, người xem truyền hình phải có thêm đầu thu truyền hình số mặt đất (set-top box). Bộ Thông tin và truyền thông cũng đã có quy định từ tháng 4.2014 ti vi sản xuất tại Việt Nam hoặc nhập khẩu có màn hình từ 32 inch trở lên đều phải được tích hợp tính năng thu truyền hình số mặt đất theo chuẩn DVB-T2. Mặc dù sắp đến giờ “G”, tuy nhiên nhiều hộ dân vẫn chọn mua các loại ti vi chưa trang bị số hóa vì chưa biết thông tin.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều cửa hàng tại các địa phương như Đại Lộc, Hội An, Duy Xuyên vẫn còn phổ biến các loại ti vi đời cũ do giá thành khá rẻ. Khách hàng hầu như chưa quan tâm đến khái niệm “chuẩn DVB-T2”. Kể cả các chủ cửa hàng vẫn chưa nắm được thông tin số hóa truyền hình để tư vấn cho khách. Anh T. - chủ cửa hàng điện máy C.T ở thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) cho biết: “Đến nay tôi cũng chưa nghe nói gì về số hóa truyền hình mặt đất. Ti vi cũ vẫn bán khá chạy vì giá rẻ, cũng chưa thấy ai hỏi gì về ti vi chuẩn DVB-T2”. Đối với ti vi của các hãng có thương hiệu lớn như Samsung, Sony, Toshiba… chuẩn DVB-T2 được tích hợp nhưng lại đắt hơn 0,5 - 1,5 triệu đồng, do đó nhiều người vẫn chọn mua ti vi đời cũ.
Nếu không trang bị đầu thu kỹ thuật số đối với các loại ti vi thế hệ cũ, người dân sẽ không thể xem ti vi theo phương thức cũ (sử dụng ăng-ten). Ảnh: P.G |
Bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông cho biết, công tác tuyên truyền đề án số hóa truyền hình mặt đất ở nước ta mới chỉ bắt đầu khởi động, vì thế nhiều người dân không nắm được thông tin để chọn mua ti vi phù hợp. “Người dân có nhu cầu mua ti vi mới nên chọn loại có tích hợp tính năng thu truyền hình số vì sẽ dễ sử dụng hơn rất nhiều so với ti vi thế hệ cũ được trang bị thêm đầu thu số. Ngoài ra cần lưu ý, mỗi đầu thu số chỉ được dùng riêng cho một ti vi thế hệ cũ, khác với truyền hình mặt đất công nghệ tương tự có thể dùng một ăng-ten cho nhiều ti vi” - bà Quyên nói.
Hỗ trợ đầu thu cho hộ nghèo
Theo nội dung dự thảo đề án “Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất tỉnh Quảng Nam đến năm 2020”, đến năm 2018 sẽ chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình từ công nghệ tương tự sang công nghệ số. Đến năm 2020, thực hiện phát sóng kênh truyền hình Quảng Nam bằng công nghệ số với các phương thức khác nhau có phạm vi phủ sóng đến 100% khu vực dân cư… Dự kiến đề án có tổng kinh phí hơn 153,2 tỷ đồng với các khoản phục vụ cho công tác thông tin, tuyên truyền, hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho người dân, chuyển đổi thu phát tương tự sang số… |
Theo Quyết định 2451 của Thủ tướng về đề án “Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020”, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách sẽ được hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số từ ngân sách quỹ dịch vụ viễn thông công ích và ngân sách địa phương. Hiện tại, Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Thông tin và truyền thông về việc sử dụng khoảng 27 tỷ đồng từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại TP.Đà Nẵng và 4 địa phương khu vực bắc Quảng Nam. Riêng đối với Quảng Nam, Sở Thông tin và truyền thông cũng đã trình dự thảo đề án “Số hóa truyền hình mặt đất tỉnh Quảng Nam đến năm 2020”. Trong đó đặt mục tiêu đến tháng 6.2015 sẽ có 100% số hộ có máy thu hình trên địa bàn khu vực bắc Quảng Nam xem được chương trình truyền hình số khi TP.Đà Nẵng thực hiện số hóa vào tháng 7.2015. Mới đây, tại cuộc họp với các sở ban ngành về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chín nói: “Trước mắt phải sớm hoàn thành khảo sát, triển khai hỗ trợ cho gia đình chính sách, hộ nghèo theo quy định. Ngoài ra, cần sớm tuyên truyền để người dân chủ động chọn mua ti vi thích hợp, hoặc mua đầu thu kỹ thuật số, sử dụng các kênh truyền hình trả phí để có thể xem được truyền hình”.
Bà Quyên cho biết thêm, hiện tại toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 4.000 hộ dân sử dụng dịch vụ truyền hình trả phí. Do đó, việc chuyển đổi sang số hóa truyền hình sẽ kéo theo việc không ít người dân phải tự trang bị thiết bị hoặc thay đổi ti vi với nguồn kinh phí không nhỏ. Tuy nhiên, đây là chủ trương nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh, đảm bảo cung cấp các dịch vụ truyền hình đa dạng, phong phú, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu và thu nhập của mọi người dân. Dự kiến đến hết năm 2018, Quảng Nam sẽ chấm dứt phát sóng kênh truyền hình Quảng Nam tương tự mặt đất để chuyển hoàn toàn sang phát sóng truyền hình số mặt đất.
PHƯƠNG GIANG - BẢO UYÊN