Để an toàn cho tàu cá vươn khơi

NGUYỄN QUANG 01/11/2023 07:36

Vào đầu mùa biển động năm nay, 2 tàu cá của ngư dân Quảng Nam bị chìm ở vùng biển xa bờ, đã gióng lên hồi chuông báo động về việc đảm bảo an toàn cho những chuyến ra khơi bám biển. 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp có mặt ở Quảng Nam để chỉ đạo ứng cứu các ngư dân mất tích sau vụ chìm 2 tàu cá ở vùng biển Song Tử Tây vừa qua. Ảnh: Q.VIỆT
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp có mặt ở Quảng Nam để chỉ đạo ứng cứu các ngư dân mất tích sau vụ chìm 2 tàu cá ở vùng biển Song Tử Tây vừa qua. Ảnh: Q.VIỆT

Vì chuyến biển an toàn

Cơ sở sửa chữa tàu cá của ông Tạ Phước (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) đang có 2 phương tiện lên triền đà để gia cố vỏ tàu. Theo ông Phước, mỗi năm cơ sở đón hàng trăm phương tiện được đưa đến “làm nước”, ít thì sửa chữa, gia cố vỏ tàu, nhiều thì cải hoán, nâng cấp tàu cá.

Ông Nguyễn Anh (thôn Sâm Linh Tây), chủ tàu cá QNa90145 có công suất 700CV, cho biết mỗi năm đều đưa tàu lên triền đà để kiểm tra thân tàu, nếu chỗ nào hỏng, xuống cấp thì sửa chữa ngay. Cùng với duy tu bảo dưỡng thân tàu, ông Anh còn kiểm tra, khắc phục các máy móc, thiết bị.

“Từ đầu năm đến nay tàu cá của tôi mỗi tháng đều thực hiện chuyến biển dài ngày nên xuống cấp. Tôi sửa chữa để tàu vững chãi cho những chuyến biển sắp tới” - ông Anh nói.

Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực năm 2029 quy định rõ là lao động dưới 16 tuổi và trên 60 tuổi không được tham gia đánh bắt hải sản trên biển. Tuy nhiên, hiện nay do nghề biển thiếu lao động nên nhiều chủ tàu, thuyền trưởng đã bất chấp quy định. Trong khi đó, với mỗi chuyến ra khơi, thuyền trưởng phải trình ngành chức năng sổ danh bạ thuyền viên, ghi đầy đủ tên, tuổi, quê quán của ngư dân nhưng ngành chức năng bỏ qua quy định để ngư dân ra khơi.

Ngư dân Trần Trắng (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) - chủ tàu cá QNa90794 cho biết, mùa biển động, để an toàn mỗi chuyến biển, tàu phải trang bị đầy đủ áo phao, phao cứu sinh cho từng thuyền viên. Mũi tàu được trang bị thêm phao bè loại lớn để hạn chế lực khi va đập.

Thiết bị giám sát hành trình, đèn, còi, thiết bị phòng cháy chữa cháy, thiết bị vô tuyến, máy Icom tầm ngắn, tầm trung, tầm xa đều được kiểm tra, đảm bảo hoạt động 24/24 để giữ liên lạc với đất liền và các ngành chức năng.

Qua thiết bị vô tuyến, ông Trắng thường xuyên cập nhật thông tin thời tiết, nếu ổn thì đánh bắt hải sản, nếu có diễn biến xấu thì điều tàu đi vào vùng an toàn hoặc đưa tàu về bờ.

Những ngày qua tại Cảng cá Tam Quang, nhiều chủ tàu lấy nhiên liệu và nhu yếu phẩm để chuẩn bị cho chuyến biển mới. Ngư dân Huỳnh Công Thảo (thôn Đông Tuần, xã Tam Hải, Núi Thành) cho biết, trên địa bàn thôn có 8 tàu cá đi biển theo mô hình tổ đoàn kết bám biển.

Nếu thành viên không may gặp sự cố khi ra khơi, tổ sẽ tương trợ ứng cứu, hỗ trợ lai dắt tàu về bờ. “Trước đây ngư dân làm ăn riêng lẻ, gặp sự cố thì rất khó kêu gọi để giúp đỡ. Từ khi đoàn kết bám biển, chúng tôi yên tâm hơn. Ngoài ứng phó sự cố, các thành viên còn chia sẻ ngư trường, chia sẻ giá bán hải sản” - ông Thảo nói.

Cần kiểm soát chặt

Từ thực tế các vụ tai nạn khi đánh bắt hải sản trên biển, cho thấy nhiều ngư dân hiện vẫn còn lơ là trong công tác bảo đảm an toàn tàu cá. Cụ thể, một số chủ tàu đánh giá chủ quan về áp thấp nhiệt đới, không chủ động ứng phó để xảy ra sự cố.

Khả năng tiếp cận và xử lý thông tin cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới của nhiều thuyền trưởng còn hạn chế. Bên cạnh đó là tàu quá cũ, thiếu trang thiết bị hàng hải, thiết bị thông tin liên lạc không thông suốt…

Lực lượng chức năng tìm kiếm ngư dân mất tích trong 2 vụ chìm tàu vừa qua. Ảnh: CTV
Lực lượng chức năng tìm kiếm ngư dân mất tích trong 2 vụ chìm tàu vừa qua. Ảnh: CTV

Riêng vụ tàu cá QNa-90129 do ngư dân Lương Văn Viên (xã Tam Giang, Núi Thành) làm thuyền trưởng bị chìm ở vùng biển Song Tử Tây (Trường Sa), tàu đã không làm thủ tục biên phòng trước khi xuất bến. Nhiều ý kiến cho rằng, công tác kiểm soát tàu cá của ngành chức năng còn lỏng lẻo.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong năm 2022 đã xảy ra 78 vụ tai nạn trên biển với 28 phương tiện, làm 50 người chết, 3 người mất tích, hư hỏng 20 tàu cá. Trong 6 tháng đầu năm 2023, có 22 vụ tai nạn trên biển với 6 tàu cá, làm chết 10 người, 1 người mất tích. Và sự cố gần nhất, 2 ngư dân chết và 13 người mất tích.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu lực lượng chức năng kiểm soát chặt tàu cá, kiên quyết không để các tàu ra khơi đánh bắt hải sản khi hết hạn đăng kiểm, thiếu trang thiết bị an toàn, hệ thống thông tin liên lạc không đảm bảo...

Tập trung tuyên truyền ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ phải mở hệ thống thông tin vệ tinh, máy giám sát hành trình 24/24 để nhận thông tin cảnh báo trên biển và được hướng dẫn di chuyển tàu ra khỏi phạm vi nguy hiểm. Ngư dân cần trang bị túi cứu thương, bảo đảm sơ cứu ban đầu khi không may gặp tai nạn.

Thông tư 01 ngày 18/1/2022 của Bộ NN&PTNT quy định đối với tàu cá có chiều dài từ 12m đến 15m phải có thuyền trưởng hạng III, máy trưởng hạng III; nhóm tàu cá có chiều dài từ 15m đến 24m phải có thuyền trưởng hạng II, máy trưởng hạng II; nhóm tàu cá có chiều dài trên 24m phải có thuyền trưởng hạng I, thuyền trưởng hạng II, máy trưởng hạng I và thợ máy. Nếu không có đủ các thuyền viên có chứng chỉ trên, tàu sẽ không được ra khơi.

Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, ngành thủy sản phối hợp chặt chẽ với các địa phương ven biển và các lực lượng biên phong, cảnh sát biển, kiểm ngư vừa tuyên truyền cho ngư dân vừa kiểm tra chặt, thực hiện theo quy định để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Để an toàn cho tàu cá vươn khơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO