Để có vụ mùa bội thu...

19/12/2012 10:27

Vào thời điểm này, bà con nông dân huyện Núi Thành đang tất bật làm đất và chuẩn bị nguồn phân, giống để bước vào gieo sạ lúa vụ đông xuân 2012 - 2013. Ngành nông nghiệp huyện cũng tích cực vào cuộc chỉ đạo sản xuất để đạt một vụ mùa bội thu...

Huyện Núi Thành có tổng diện tích sản xuất lúa là 7.500ha, tập trung ở các xã Tam Xuân 1, Tam Xuân 2, Tam Mỹ Đông, Tam Hòa, Tam Nghĩa... Trong điều kiện thời tiết diễn biến không mấy thuận lợi nhưng nhiều năm liền, nông dân trong huyện vẫn liên tiếp được mùa. Có nhiều nguyên nhân đưa đến những vụ mùa bội thu, nhưng trong đó phải kể đến yếu tố tuân thủ đúng lịch thời vụ và sử dụng cơ cấu giống lúa phù hợp. Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2012 - 2013, toàn huyện sản xuất 4.000ha lúa. Trước khi vào vụ gieo sạ, Phòng NN&PTNT huyện tổ chức hội thảo về cơ cấu giống với sự tham gia của các kỹ sư nông nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất giống lúa và đại diện các địa phương vùng trọng điểm lúa. Nhiều năm qua, bà con nông dân đã đưa nhiều loại giống mới vào sản xuất đạt năng suất, sản lượng cao. Tuy nhiên, không ít nơi nông dân sử dụng giống lúa tùy tiện, không đảm bảo tiêu chuẩn.

Cày ải đất chuẩn bị gieo sạ. Ảnh; V.P
Cày ải đất chuẩn bị gieo sạ. Ảnh; V.P

Để vụ sản xuất lúa đông xuân giành thắng lợi, Phòng NN&PTNT chỉ đạo các địa phương và bà con nông dân thực hiện đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống do Sở NN&PTNT hướng dẫn. Theo đó, lúa đông xuân sẽ bắt đầu gieo sạ từ ngày 25.12.2012 và kết thúc vào ngày 10.1.2013. Về cơ cấu giống chủ lực chiếm 60% diện tích với nhóm giống dài ngày Xi23, nhóm giống trung ngày TBR45 và lúa lai Nhị ưu 838, Bio 404 cùng các loại giống thuộc nhóm ngắn ngày khác. Kỹ sư Bùi Văn Gát, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, cho biết: “Những năm qua, vụ lúa đông xuân, nông dân huyện Núi Thành sử dụng các loại giống Xi23, NX30,  X21, NT1, lúa lai Nhị Ưu 838, Khang dân 18, HT1... đã cho năng suất cao và ổn định. Do vậy, bà con cần duy trì các loại giống trên đồng thời áp dụng theo cơ cấu giống của Sở NN&PTNT để đạt hiệu quả sản xuất cao”.

Trạm Bảo vệ thực vật huyện Núi Thành cũng đã vào cuộc hướng dẫn công tác phòng ngừa sâu bệnh cho lúa. Theo dự báo, sau gieo sạ từ tháng 1 đến 2.2013 trên lúa đông xuân sẽ xuất hiện các loại sâu non, bọ trĩ, rầy nâu, rầy lưng trắng. Tiếp đó, là các loại ruồi đục nõn, sâu keo, sâu đục thân, sâu phao, bọ xít hôi, bọ xít đen và sâu cắn gié sẽ xuất hiện gây hại trên lúa cùng với bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen, đạo ôn, khô vằn, bệnh đốm nâu, vàng sinh lý, lem lép, bệnh thối thân, thối đọt... Vì vậy ngay từ đầu vụ, bà con nông dân đã tiến hành làm đất sớm, vệ sinh đồng ruộng nhằm hạn chế cỏ dại, cắt cầu nối sâu bệnh, ưu tiên dùng giống kỹ thuật để sản xuất đồng thời tổ chức diệt chuột và ốc bươu vàng trước khi xuống giống. Trạm Bảo vệ thực vật huyện cũng khuyến cáo nông dân ứng dụng tốt chương trình ICM, IPM nhằm hạn chế dùng thuốc bảo vệ trên đồng ruộng, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất; sử dụng thuốc đặc trị trừ cỏ dại trước khi sạ cấy và điều khiển mực nước hợp lý để giúp cây lúa sinh trưởng phát triển thuận lợi.

VĂN PHIN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Để có vụ mùa bội thu...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO