(QNO) - Người dân có thể tiếp cận thông tin về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trên các trang mạng xã hội của một số tỉnh thành.
Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn về công tác tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Dựa trên hướng dẫn này, công tác tuyên truyền tại các địa phương được thực hiện từ tháng 1.2021, cao điểm từ tháng 4 đến ngày bầu cử 23.5.2021 cho đến sau khi kết thúc bầu cử và công bố kết quả.
Nhằm mang lại hiệu quả cho công tác tuyên truyền và tiếp cận đông đảo người dân, những ngày qua, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã sử dụng các trang mạng xã hội Zalo, Facebook như một hình thức để tuyên truyền thông tin các về đại biểu, các hoạt động hướng tới ngày bầu cử.
Chẳng hạn như Sở TT-TT TP.Hà Nội, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Đắk Lắk… đã sử dụng các tài khoản Zalo để giúp người dân nhận thức rõ mục đích, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của sự kiện này.
Các trang cập nhật một cách nhanh chóng các thông tin về chuẩn bị bầu cử, nguyên tắc bầu cử, tiêu chuẩn đại biểu, quyền bầu cử và ứng cử của công dân; số lượng, cơ cấu đại biểu; danh sách, lý lịch của người được giới thiệu ứng cử và tự ứng cử; quyền lợi và trách nhiệm của cử tri…
Trong khi đó, tại huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), Ủy ban MTTQ huyện cũng đã lập các nhóm liên quan đến bầu cử trên Zalo để trao đổi và trực tiếp hướng dẫn khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở. Ưu điểm của nhóm Zalo là cùng lúc gửi thông tin tới nhiều thành viên mà không tốn chi phí. Thông báo, hướng dẫn điều hành hiển thị đầy đủ cùng với văn bản hay hình ảnh đính kèm đã giúp công tác chỉ đạo bầu cử tại Thạch Hà trở nên nhanh chóng, thuận lợi và kịp thời hơn rất nhiều.
Bên cạnh Zalo, Facebook cũng được các cơ quan tích cực sử dụng như một kênh chính thức. Các tài khoản của Trung tâm Báo chí TP.Hồ Chí Minh hay thông tin tuyên truyền về bầu cử của TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) hoạt động liên tục với thông tin và cách thức thể hiện đa dạng.
Theo thống kê của We Are Social, số lượng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam tương đương 73,7% tổng dân số vào tháng 1.2021, tăng 7 triệu người (tương đương 11%) từ năm 2020 đến 2021.
Trong đó, hai mạng xã hội Facebook và Zalo đứng thứ hai về số lượng người dùng (sau YouTube). Vì thế, việc tăng cường thông tin trên mạng xã hội đang được các cơ quan, tổ chức hành chính quan tâm thực hiện.