Chiến lược nào để Danh xưng Quảng Nam với trọn 550 năm hình thành là một thương hiệu có hấp lực với nhà đầu tư và du khách? Hẳn phải bắt đầu từ câu chuyện phát triển trên nền tảng vốn có của vùng đất.
Đây cũng là “đề bài” Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc giao cho Quảng Nam, trong đường hướng phát triển của tỉnh thời gian tới.
Kế thừa danh xưng
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Quảng Nam phải phát huy giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa như tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”.
Bên cạnh đó, thu hút và trọng dụng nhân tài được nhấn mạnh. “Phát huy tốt hơn nữa vốn con người, đẩy mạnh thu hút và trọng dụng nhân tài, khơi dậy khát vọng vươn lên của con người xứ Quảng” - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
“Với sứ mệnh lịch sừ thiêng liêng của mình, Quảng Nam luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đây là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, hàm chứa nhiều giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa, anh hùng cách mạng và cũng là quê hương của nhiều bậc chí sĩ yêu nước, những lãnh tụ cách mạng, và nhân sĩ trí thức nổi tiếng. Nhìn lại chặng đường lịch sử 550 năm hình thành và phát triển, trong sâu thẳm mỗi người dân đất Quảng luôn tự hào và mãi mãi ghi ơn những thế hệ tiền nhân khai khẩn, bảo vệ, xây dựng và phát triển vùng đất Quảng Nam tươi đẹp như ngày nay. Và đây cũng là mốc thời gian để chúng ta tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và làm rõ nét hệ giá trị của vùng đất, con người Quảng Nam; về vai trò, vị trí, những đóng góp của Quảng Nam trong tiến trình phát triển của dân tộc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lịch sử, văn hóa, xã hội; tạo tiền đề quan trọng để xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển”.
(Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh)
“Mở” là ý hướng được nhắc đến nhiều nhất trong suốt cuộc Hội thảo khoa học quốc gia “Quảng Nam - 550 năm hình thành và phát triển” (1471 - 2021) - hoạt động chính trong khuôn khổ Lễ Kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam tổ chức ngày 28.12.2021.
PGS-TS. Bùi Nhật Quang - Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, lịch sử 550 năm hình thành và phát triển của Quảng Nam được phản ánh qua quá trình lịch sử, phát triển kinh tế - xã hội.
“Việc nhận diện các giá trị, di sản, nguồn lực, bản sắc của vùng đất này là việc làm hết sức quan trọng, để từ đó đánh giá những thế mạnh, cơ hội, vị trí và vai trò của vùng đất này. Đồng thời chỉ ra những rào cản, điểm nghẽn cần phải khơi thông để giúp Quảng Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, phát huy những giá trị vốn có của vùng đất Quảng Nam nhiều hơn nữa” - ông Bùi Nhật Quang nói.
Quá trình 550 năm Quảng Nam đồng hành với lịch sử dân tộc đã được phân tích làm rõ. Đó là danh xưng của Thừa tuyên Quảng Nam năm 1471, hoạt động giao thương với trung tâm là cảng thị Hội An thời chúa Nguyễn thế kỷ 17 - 18, Dinh trấn Thanh Chiêm là nơi đầu tiên phổ biến chữ Quốc ngữ ở Việt Nam. Quảng Nam thời vua Gia Long, Minh Mạng, Quảng Nam thời Pháp thuộc với tên tuổi của các chí sĩ của phong trào Duy tân - Đông du, phong trào chống sưu thuế, giáo dục Pháp - Việt và nguồn trí thức yêu nước của Quảng Nam.
Quảng Nam trong quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và hoạt động của các tổ chức đảng đồng hành với cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại của dân tộc. Quảng Nam trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, hội nhập quốc tế.
Tư duy hướng biển
Sự hình thành từ đất Quảng Nam - một vùng đất rộng về phía nam tạo cánh cửa rất lớn cho sự phát triển của Đại Việt. Trong số thành tựu mà lịch sử ghi nhận, quá trình phát triển này đã hình thành tư duy phát triển rộng hơn, đặc biệt là tư duy hướng biển.
Ngay khi tiếp thu nền văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa, kết hợp văn hóa của phương Bắc, thì đồng thời xuất hiện tư duy hướng biển cho chính người ở xứ đất này. Với người dân ở Đàng Trong, phải phát triển xuống phía nam men theo bờ biển thì biển cả không chỉ là nguồn tài nguyên về hải sản mà cũng là điều kiện cho hoạt động thương nghiệp biển - ngoại thương.
Trong bài thơ “Tư Dung vãn” của Đào Duy Từ đã nói tới những cánh buồm thương nhân - thị dân trên vùng biển miền Trung: “Buồm ai dàng dạng chân trời/Phất phơ cờ gió thẳng vời chèo trăng”.
Ông Bùi Nhật Quang cho rằng, từ tư duy hướng biển này là cơ sở cho kinh tế biển. Một vùng đất giàu có về tài nguyên biển như Quảng Nam thì tư duy biển, văn hóa biển phải được coi trọng.
“Điều cần thiết bây giờ là Quảng Nam nên quan tâm cái “gần” hơn, đó là quản lý đường bờ biển” - ông Bùi Nhật Quang nói. Chất lượng sống của người dân trong đó có ngư dân và những người mà cuộc mưu sinh gắn liền với biển cần được xem trọng trước hết trong tầm nhìn biển hiện nay.
TS. Lý Đại Hùng - Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, tỉnh Quảng Nam đã đạt được kết quả đáng kể trong phát triển kinh tế, dựa vào tốc độ tăng trưởng cao hơn cả nước, phân phối thu nhập công bằng hơn so với cả nước.
“Kết quả phân tích địa phương điển hình chỉ ra rằng, nếu Quảng Nam gia tăng được chất lượng nhân lực gần bằng với mức của Hà Nội, thì tỉnh này có thể đã đạt được tốc độ hội tụ về thu nhập bằng với mức cao của các thành phố trực thuộc trung ương.
Ngoài ra, bằng chứng thực nghiệm chỉ ra rằng, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng đang đóng vai trò tương đối quan trọng hơn so với thể chế đối với hội tụ thu nhập của các địa phương. Vì vậy, nhân lực có thể trở thành ưu tiên hàng đầu trong ba đột phá chiến lược để tập trung đầu tư cho giai đoạn sắp tới” - ông Lý Đại Hùng nói.
Phát huy truyền thống lịch sử, khơi dậy ý thức đổi mới và sáng tạo trên nền tảng vốn liếng của vùng đất... hẳn sẽ cần một chiến lược bài bản để Danh xưng Quảng Nam sớm trở thành thương hiệu lan tỏa hơn nữa.