Tròn thập niên Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, cũng ngần đó thời gian “đảo ngọc” này đối mặt với áp lực nặng nề giữa bảo tồn và phát triển.
Giảm tải cho Cù Lao Chàm
Nước ta có hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, nhưng chỉ có Cù Lao Chàm nằm trong phạm vi của một khu dự trữ sinh quyển thế giới. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân thẳng thắn nhìn nhận: “Cù Lao Chàm là điểm du lịch nhưng nó cũng nằm trong khu dự trữ sinh quyển thế giới. Có thể nói, danh hiệu này là đòn bẩy rất lớn để Cù Lao Chàm trở thành điểm đến hấp dẫn như hôm nay nên phát triển phải đi đôi với bảo tồn là điều tiên quyết”.
Phát triển “kinh tế xanh” là xu thế mà ai cũng đề cập nhưng để hài hòa được cả khía cạnh “kinh tế” lẫn “xanh” là điều không đơn giản. Cần biết rằng, năm ngoái Thái Lan buộc phải “đóng cửa” một số khu vực trên quần đảo Koh Phi Phi trong 4 tháng; còn Philippines ngừng đón khách du lịch tham quan đảo Bocaray 6 tháng, bất chấp sức ép từ cộng đồng và doanh nghiệp, bởi ô nhiễm từ hoạt động kinh tế du lịch đã vượt ngưỡng báo động.
Cù Lao Chàm quá tải chưa? Thực tế là có. Chỉ sau khoảng 7 năm được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới, hòn đảo này đã phải giới hạn khách du lịch (khoảng 3.000 khách/ngày) bởi tài nguyên có hạn. Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói: “Cù Lao Chàm được định hướng trở thành điểm du lịch quốc gia, nhưng có một tiêu chí phải nhìn nhận không bao giờ Cù Lao Chàm đạt đó là đón ít nhất một triệu khách du lịch mỗi năm. Hiện nay, để đảm bảo cho đảo, lượng khách đến Cù Lao Chàm hàng năm được khống chế quanh ngưỡng 450 - 500 nghìn thì rất khó để đạt được”. Ông Sơn thông tin thêm: “Cũng có nhiều ý kiến tăng vé tham quan ra đảo để chọn lọc khách có chi tiêu cao nhưng quả thực là rất khó. Vì thành phố cũng mới vừa tăng giá vé từ 30 lên 70 nghìn đồng/người, trong khi dịch vụ thì hầu như chưa có gì dễ khiến cộng đồng, du khách phản ứng tiêu cực”.
Hiện nay, TP.Hội An cũng chủ trương hạn chế cấp phép hoạt động mới cho các doanh nghiệp muốn khai thác du lịch Cù Lao Chàm. GS. Nguyễn Hoàng Trí - Chủ tịch Ủy ban quốc gia Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam cho rằng: “Đã đến lúc chúng ta phải mạnh tay hơn là cảnh báo và loại bớt các doanh nghiệp không tuân thủ yêu cầu bảo vệ môi trường khi khai thác du lịch Cù Lao Chàm”. Có thể thấy hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp lữ hành địa phương hiện đang “bám víu” khá nhiều vào đảo ngọc này khi khoảng 80% số doanh nghiệp chỉ chuyên cung cấp tour tuyến ra Cù Lao Chàm. Vì dịch vụ cung cấp na ná nhau nên doanh nghiệp mạnh ai nấy bán, giá giảm sâu dưới mức sàn (650 nghìn đồng/khách lẻ và 550 nghìn đồng/khách từ công ty lữ hành) trong khi lợi nhuận chảy vào túi các bên trung gian quá nhiều.
“Kinh tế xanh” cho Cù Lao?
Ông Trần Lê Trà - chuyên gia thuộc tổ chức Hợp tác quốc tế Du lịch sinh thái Đức (GIZ) cho rằng: “Du lịch Cù Lao Chàm hiện nay không phải là du lịch có chọn lọc, khi ta đang cung cấp dịch vụ giá rẻ cả ở sản phẩm du lịch và dịch vụ lưu trú, từ đó làm chệch đi định nghĩa du lịch sinh thái”. Trong cơ cấu ngành kinh tế của xã Tân Hiệp, nhóm ngành nông - lâm - ngư từ chỗ chiếm hơn 70% vào năm 2012 hiện đã giảm chỉ còn khoảng 20% và nhường chỗ cho nhóm ngành du lịch - dịch vụ áp đảo. Tuy nhiên phần lớn ngư dân lại chưa trang bị được kỹ năng làm du lịch bài bản để “sống khỏe” với du lịch trên mảnh đất của mình. Bà Trần Thị Hồng Thúy - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm chia sẻ: “Cộng đồng địa phương hiện chỉ được hưởng khoảng 25% lợi nhuận từ hoạt động du lịch, trong khi họ hy sinh ngư trường truyền thống để thuận lợi cho hoạt động bảo tồn, nên cần sớm có giải pháp điều chỉnh tỷ lệ này”.
Chi hội Du lịch Cù Lao Chàm vừa được thành lập là một tín hiệu khởi sắc để kỳ vọng việc doanh nghiệp du lịch tại đây chung tay vì một đảo xanh bền vững. Bà Nguyễn Thị Hường - Giám đốc Công ty Du lịch Hội An Xanh nói: “Nên chăng cần có sự tính toán để mỗi vé tham quan khu bảo tồn sẽ kèm theo một túi bảo vệ môi trường. Cù Lao Chàm hiện nay rất cần những con đường rợp bóng cây xanh hạn chế bê tông hóa”.
Bảo tồn song hành phát triển trở thành câu chuyện càng được quan tâm hơn trong bối cảnh Cù Lao Chàm đứng trước áp lực nặng nề về việc suy giảm các nguồn lợi tài nguyên. Theo TS. Chu Mạnh Trinh - cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm: “Qua thực tiễn 20 năm ở Cù Lao Chàm - Hội An, có thể khẳng định bảo tồn cũng là một ngành kinh tế nôm na gọi là kinh tế bảo tồn”. Trong Đề án Phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An giai đoạn 2015 - 2030, nhiều loài sinh vật đặc hữu, quý hiếm có giá trị cao sẽ được bảo tồn và phát triển bao gồm: chim yến, cua đá, hoa lan kim tuyến, thảm rong mơ, cây dược liệu… Một “Khu thiên sứ sinh cư” cũng sẽ hình thành trên đảo Hòn Tai trong tương lai.
Ngày mai, ngày sau Cù Lao Chàm sẽ thêm nhiều mảng xanh ngan ngát từ rừng, sẽ hồi sinh, nhân rộng các quần thể sinh vật đặc hữu dưới đại dương. Và rồi Cù Lao Chàm sẽ thực sự là “đảo ngọc”, từng ngày cuộc sống ở nơi đó sẽ càng trù phú, tươi đẹp hơn…