Để di sản cho mai sau...

NGUYỄN HOÀNG THÂN 07/06/2023 06:54

(VHQN) - Di sản văn hóa là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Bao thế hệ tiền nhân đã gầy dựng, tạo nên nhiều di sản để lại cho đất Quảng ngày nay.

Văn bản sắc phong ở Quảng Nam bị hư hại nghiêm trọng.Ảnh: N.H.T
Văn bản sắc phong ở Quảng Nam bị hư hại nghiêm trọng.Ảnh: N.H.T

Gầy dựng, bảo tồn di sản

Để có được di sản văn hóa (DSVH) đó, những thế hệ tiền nhân đã có ý thức và dày công gầy dựng. Chẳng hạn, năm 1852, Phạm Phú Thứ đã gửi thư cho Tri phủ Điện Bàn Nguyễn Tường Phổ để đề xuất việc xây dựng văn chỉ Điện Bàn. Sau đó, mọi người đều có tinh thần hăng hái trong việc tổ chức kiến thiết văn từ. Người góp của, người góp công.

Văn bia Kiến học từ bi do Phạm Hữu Nghi soạn, cho biết tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh người Hòa Vang và cử nhân Nguyễn Thành Châu “xem chọn đất để làm văn miếu”. Văn bia trùng tu đền Tiên thánh Điện Bàn do Phạm Phú Thứ soạn ghi lại công lao của các vị nguyên Tham tán Ông Ích Khiêm, cử nhân Nguyễn Duy Hiệu, Nguyễn Hiển Dĩnh… trong việc bảo tồn DSVH.

Người Quảng không chỉ ý thức tạo nên DSVH cho quê nhà mà còn luôn tích cực gầy dựng, bảo tồn DSVH ở các địa phương khác mà họ trị nhậm. Phạm Như Xương tham gia quá trình xây dựng di tích Nho học, Phật giáo ở Nghệ An; Nguyễn Thuật đóng góp tài năng chữ nghĩa cho di tích ở kinh đô và xứ Thanh; Phạm Phú Thứ chủ công trùng tu, tôn tạo di tích đền Trần Hưng Đạo ở Hải Dương…

Ngoài ra, người Quảng còn quan tâm, kêu gọi, tổ chức việc xuất bản trước tác của tiền nhân. Không kể những tư liệu chính thống của triều Nguyễn về Quảng Nam được khắc in, hầu hết tư liệu Hán - Nôm về Quảng Nam hoặc người Quảng Nam sáng tác đều là văn bản viết tay như Quảng Nam tỉnh phú, Hòa Vang huyện chí, Du Ngũ Hành Sơn xướng họa tập, Ngũ Hành Sơn lục… 

Ngay cả 2 tập thơ đi sứ của Nguyễn Thuật cũng là văn bản viết tay. Thế nhưng, bộ Giá Viên toàn tập đồ sộ hơn 1.500 trang của Phạm Phú Thứ được khắc in bài bản là nhờ vào đóng góp “hơn 800 đồng” của các quan nhân tại kinh và nhân sĩ địa phương Quảng Nam.

Văn bia niên đại 1631 thuộc dạng sớm nhất Quảng Nam bị xâm hại trong giai đoạn kháng chiến 1945 - 1975.
Văn bia niên đại 1631 thuộc dạng sớm nhất Quảng Nam bị xâm hại trong giai đoạn kháng chiến 1945 - 1975.

Một số tư liệu xưa đã nêu lên giá trị của di tích, nói theo ngôn ngữ của ngành du lịch hiện nay, là thắng cảnh của địa phương, là tài nguyên du lịch cho du khách bốn phương: “đấy là thắng cảnh của một làng” (Trùng tu Viên Giác tự bi), “khách bác cổ Âu, Á đến du lãm chẳng ai là không khen, chụp ảnh cho là một kiến trúc đẹp” (Trùng tu Cẩm Hải nhị cung), “trên cầu có mái che, dưới lát ván bằng phẳng như trên mặt đất, người qua lại được an toàn, mệt thì nghỉ ngơi, hóng mát cũng tốt, đứng trên cầu mà ngắm cảnh, nhìn nước chảy mà làm thơ cũng thú vị” (Trùng tu Lai Viễn kiều ký)…

Để còn lại những DSVH đó, nhiều thế hệ tiền nhân đã có ý thức và hơn nữa là tư tưởng, quan niệm về việc bảo tồn DSVH. Chẳng hạn, tấm bia Trùng tu Cẩm Hải nhị cung đã viết: “Thức giả đều nói: Bảo tồn cổ tích ngày nay là một vấn đề lớn, người trước có công gầy dựng, người đời sau phải tiếp tục sự nghiệp”.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH trên địa bàn Quảng Nam xưa không chỉ là do người Việt, người Hoa, người Nhật trên địa bàn mà còn có cả người Pháp, người Cao Miên. Có di tích còn được dân làng đặt tên theo danh sĩ của địa phương, như cầu Hội Nguyên, sẽ có giá trị khuyến khích, xiển dương giáo dục.

Đôi điều suy ngẫm

Di sản là “của cải sót lại”. Thứ “của cải” đó cho dù đã trải qua thời gian dài thiên tai, địch họa vẫn còn “sót lại”. Thế nhưng, trong cơ chế phát triển kinh tế từ thời Pháp thuộc và nhất là giai đoạn hiện nay, nhiều DSVH Quảng Nam đứng trước những nguy cơ. Trong đó, vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị DSVH thường bị giằng co giữa việc lưu giữ “của cải sót lại” với việc “phát triển” nhưng không “bền vững”.

Nghĩa trủng Hòa Vang xây dựng năm 1866 ở làng Nghi An phải trải qua 2 lần di dời để phục vụ việc làm sân bay Đà Nẵng. Nghĩa trủng Phước Ninh theo mô tả trong văn bia là rất quy mô, có tường đất bao quanh. Năm 1950, thực dân Pháp san bằng tường đất.

Sau đó nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương được xây dựng trên phần đất này. Đến năm 2008, để nối dài đường Nguyễn Văn Linh đến cầu Rồng, nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương bị giải tỏa và phần đất nghĩa trủng càng bị thu hẹp. Gần đây, phần đất nghĩa trủng Phước Ninh - di tích lịch sử cấp quốc gia - bị đem đấu giá để làm bãi đổ xe và nghĩa trủng Phước Ninh phải dời về nghĩa trang Gò Cà.

Ma nhai Ngũ Hành Sơn vừa được công nhận DSVH cấp quốc tế, nhưng mấy chục năm trước chưa có ai quan tâm đến di sản này. Tấm bia Phổ Đà Sơn linh trung Phật (1640) hết sức có giá trị về mặt quốc tế nhưng phải nhờ đến người Nhật nghiên cứu, công bố vào thập niên 1970 thì trong nước mới biết đến.

Hệ thống tư liệu Hán - Nôm về Quảng Nam bằng giấy cũng đang dần mai một, không phải “tàng thư” mà là “tàn thư”. Câu chuyện về mất thư tịch cổ ở Viện Nghiên cứu Hán - Nôm cũng là điều đáng suy ngẫm cho tư liệu Hán - Nôm ở đất Quảng.

Ngoài việc “tàn thư” hay biến mất tư liệu cổ, còn xuất hiện tư liệu Hán - Nôm giả gần đây ở một số địa bàn vì mục đích riêng của gia tộc, làng xã nào đó. Do vậy, Quảng Nam cần khai thác hiệu quả “của cải còn sót lại” của tiền nhân để tiếp tục “di sản” cho mai sau.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Để di sản cho mai sau...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO