(Xuân Quý Mão) - Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, du lịch biển được xác định là một trong những loại hình sản phẩm chủ đạo được chú trọng và phát triển. Tại khu vực miền Trung, du lịch biển càng đóng vai trò quan trọng nhưng chưa thể thực sự tạo đột phá bởi nhiều nguyên do.
Nhiều tác động
Nghị quyết 36 của Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 đã xác định, du lịch và dịch vụ biển đứng đầu trong thứ tự ưu tiên để phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển.
Theo thống kê, GDP du lịch của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm khoảng 6,1% GDP cả nước. Năm 2019, lượng khách quốc tế đến các tỉnh ven biển nước ta chiếm 71% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Đó là chưa kể tác động gián tiếp của du lịch biển thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị ven biển, nhất là tại các vùng trọng điểm phát triển du lịch. Thực tế hiện nay, tiến trình đô thị hóa khu vực nam Hội An cũng trông đợi khá nhiều vào du lịch biển.
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, những dấu ấn mà du lịch biển mang lại thời gian qua rất tích cực nhưng chưa xứng với tiềm năng hiện có.
Tính mùa vụ trong du lịch biển cũng còn rất cao do quá chú trọng vào việc tắm biển, thiếu các sản phẩm đa dạng. Sản phẩm du lịch MICE có thể là một hướng đi để khắc phục phần nào tính mùa vụ.
“Việc phân vùng phát triển cần phù hợp với tài nguyên và định hướng thị trường ở cấp độ quốc gia, vùng, địa phương, điểm đến. Chú trọng phân kỳ phát triển, tập trung nguồn lực, điều tiết thị trường chứ không phát triển ồ ạt” - TS. Nguyễn Anh Tuấn gợi mở.
Ngoài giá trị cảnh quan biển đảo tự nhiên, ngành du lịch có thể phát triển “tổ hợp” sản phẩm chủ lực gắn với du lịch biển đảo gồm: tham quan khu di sản, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, du lịch MICE.
Theo đại diện Công ty TNHH MTV dịch vụ lữ hành Saigontourist, sau khoảng 3 năm trầm lắng vì đại dịch COVID-19, du lịch tàu biển sẽ chộn rộn trở lại khi đơn vị đón khoảng 30 chuyến tàu với hơn 90 lượt tàu cập các cảng.
Các tàu khách đến nước ta ngày càng lớn, với sức chứa lớn nhất lên đến gần 5 nghìn khách, là dòng khách có sức chi tiêu cao, mong muốn cập nhiều cảng. Đây là loại hình rất triển vọng thúc đẩy du lịch biển đảo nên cần nghiên cứu, nắm rõ diễn tiến phát triển thị trường khách này để khai thác hiệu quả.
Hoàn thiện khung pháp lý về du lịch biển
Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vietnam Travelmart cho rằng, khung pháp lý về du lịch biển hiện đã khá lạc hậu và cần sự thay đổi để thích ứng với thực tiễn hoạt động du lịch hiện nay.
Cần sớm cập nhật khung pháp lý cho việc phát triển tuyến hàng hải về biển, các sản phẩm biển, sản phẩm thủy nội địa và cả cho hãng tàu, bởi các cơ quan quản lý hiện vừa chồng lấn vừa lúng túng trong vấn đề này.
Còn ông Phạm Hà - Chủ tịch Lux Group cho hay, du lịch ven biển là sản phẩm mới và tốt, cần khuyến khích các nhà đầu tư thúc đẩy mạnh. Vấn đề cảng biển và hạ tầng cơ sở cho du lịch biển hiện khá kém, thường là lưỡng dụng giữa hàng hóa với hành khách nên khó đón được dòng khách trung và cao cấp. Việc quản lý liên vùng trong du lịch biển giữa các địa phương lân cận cũng còn nhiều chồng chéo.
Quảng Nam cũng là tỉnh có tiềm năng rất lớn về du lịch biển - đảo. Vấn đề là ngoài loại hình nghỉ dưỡng biển thì sản phẩm du lịch biển - đảo địa phương vẫn khá ít ỏi, không tạo ra giá trị gia tăng lớn cho ngành.
Theo lãnh đạo Sở VH-TT&DL, hiện nay việc cấp phép cho các sản phẩm du lịch dưới nước còn nhiều khó khăn, vừa qua cũng đã có đơn vị muốn xúc tiến sản phẩm du lịch thể thao giải trí biển ở địa phương nhưng gặp vướng mắc.
Ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch Công ty du lịch Du Ngoạn Việt cho rằng, địa phương có rất nhiều dư địa để phát triển du lịch biển theo hướng cao cấp ở cả hai phía bắc và nam. Quảng Nam, nhất là tại Cù Lao Chàm có quần thể san hô đặc sắc là nguyên liệu rất tốt để phát triển các sản phẩm du lịch liên quan.
“Hội An cũng cần nghiên cứu để quy hoạch một bến du thuyền ở hạ lưu sông Thu Bồn đón tiếp các du thuyền. Hiện nay, với công nghệ mới các tàu chở hàng trăm, hàng nghìn khách chỉ cần mực nước sâu khoảng 4m là có thể cập cảng bình thường nên không phải lo lắng về vấn đề mắc cạn” - ông Phan Xuân Anh chia sẻ.