Quảng Nam đặt mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, tạo dựng thương hiệu du lịch riêng, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Theo các chuyên gia và nhà quản lý, địa phương còn nhiều việc phải làm trong thập niên tới đây để hiện thực hóa mục tiêu này, nhất là khi xu thế du lịch thế giới đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ.
PGS-TS. Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, thành viên nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung: Phải quan tâm du lịch nông nghiệp, nông thôn
Vùng nông thôn miền Trung sở hữu tiềm năng to lớn để phát triển du lịch với nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, môi trường, sinh thái dồi dào có thể tạo ra và nâng cấp hơn nữa “sự khác biệt và tính đẳng cấp” của ngành du lịch. Để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, cần đẩy mạnh hơn nữa việc khai thác dư địa của vùng nông thôn để tích nạp nguồn lực phát triển này vào các nguồn vốn khác, hình thành tổ hợp động lực phát triển mới.
Tinh thần đùm bọc lẫn nhau để vượt khó của người Quảng Nam tạo nên tính cộng đồng, tạo nên phẩm chất “bạn bè – thân thiện – cởi mở” – đây là một nguồn tài nguyên du lịch. Tuy nhiên chúng ta phải “gạn lọc”, phát huy những nét đặc sắc, còn những tập quán không phù hợp thì phải điều chỉnh khi xác định phát triển du lịch ở vùng nông thôn. Chúng ta cần có cách tiếp cận phát triển mới, theo đúng tinh thần “đổi mới mô hình” nghĩa là phải thay đổi căn bản, triệt để và mang tính hệ thống.
Theo tôi có 5 vấn đề cần phải quan tâm một khi phát triển du lịch gắn với nông thôn mới. Thứ nhất, phải có đánh giá toàn diện sự chuyển mình của nông thôn Quảng Nam để thúc đẩy liên kết du lịch nông nghiệp, văn hóa, sinh thái. Thứ hai, phải xác định nội hàm của liên kết khai thác du lịch nông nghiệp, văn hóa sinh thái trong một tổ hợp phát triển mang tính bản sắc của vùng. Thứ ba, xác định rõ và chuẩn bị được các hình thức để thực hiện liên kết và điều kiện đảm bảo khai thác du lịch. Thứ tư, có đủ nguồn lực và chủ thể thực hiện liên kết, khai thác du lịch. Thứ năm, cần có cơ chế và chính sách thúc đẩy liên kết phát triển, nhất là tháo gỡ các cơ chế, chính sách còn vướng đối với doanh nghiệp du lịch.
Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia: Nam Quảng Nam đủ yếu tố trở thành trung tâm du lịch biển cao cấp
Dịch Covid-19 khiến ngành du lịch – dịch vụ chịu tác động nặng nề và sẽ mất rất lâu để có thể hồi phục. Qua trao đổi với một số CEO của các tập đoàn hàng đầu thế giới tôi được biết dự báo cuộc khủng hoảng này có thể sẽ kéo dài ít nhất 3 năm hoặc 5 năm thậm chí là 10 năm. Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định là chắc chắn nhu cầu du lịch sẽ quay lại bởi du lịch hiện cũng đã là nhu cầu quan trọng thiết yếu trong cuộc sống.
Trong thập niên tới, Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung là một trong những tỉnh tiềm năng nhất của nước ta để phát triển mạnh du lịch, nhất là du lịch bền vững. Về du lịch nghỉ dưỡng biển, tôi tin rằng dải bờ biển từ phía nam cầu Cửa Đại đến Tam Tiến sẽ sớm trở thành trung tâm mới về nghỉ dưỡng cao cấp ở Việt Nam. Hiếm có khu vực nào ở nước ta thậm chí là ở các nước khác cùng một lúc hội tụ bờ biển dài, đẹp, khí hậu tương đối ổn định kết hợp với hàng loạt di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, cảnh quan thiên nhiên hữu tình như vậy. Vì vậy rất cần những sự điều chỉnh, phát triển phù hợp để trong tương lai gần khu vực này sẽ kết hợp cùng với Hội An – Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm du lịch cao cấp lớn của khu vực Đông Nam Á và cả châu Á.
Trong vấn đề đầu tư phát triển du lịch, điều rất quan trọng là phải đúng thời điểm và hiện nay là khoảng thời gian hợp lý để phát triển mạnh các điểm đến ở khu vực phía nam của tỉnh, còn nếu ở thời điểm cách đây 5 năm thì tôi khuyên là không nên làm. Hiện nay, với cầu Cửa Đại, đường ven biển 129 và các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ được xây dựng, nâng cấp, thời gian từ Đà Nẵng – Hội An đến Tam Kỳ hoặc làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước) chỉ còn trên dưới 1 giờ đồng hồ là thuận lợi lớn để phát triển du lịch. Một điểm lưu ý nữa là làm mới sản phẩm ở khu vực này để tránh cạnh tranh cục bộ qua đó hướng đến thị trường khách và phân khúc khách hợp lý, ngoài khách Âu – Mỹ truyền thống, có thể hướng đến dòng khách thu nhập cao ở khu vực Đông Bắc Á và cả nội địa.
Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL): Thay đổi cách tiếp cận
Với những lợi thế kết hợp giữa yếu tố thiên nhiên và di sản văn hóa, Quảng Nam luôn là điểm đến được rất nhiều du khách trong nước và quốc tế lựa chọn.
Trong tình hình đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển du lịch của Quảng Nam cũng như cả nước. Tuy nhiên, đại dịch không chỉ tạo ra khủng hoảng mà cũng tạo ra cơ hội để thay đổi cách thức tiếp cận nhằm xây dựng lại ngành du lịch những năm tới theo một cách thức khác, bền vững hơn, kiên cường hơn. Với tư cách là ngành kinh tế tổng hợp, việc nhanh chóng khôi phục hoạt động du lịch sẽ tạo động lực thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực cùng phục hồi. Trong đó, việc khôi phục du lịch nội địa sẽ tiếp tục tạo việc làm, thu nhập cho người lao động để phát triển kinh tế. Từ kinh nghiệm phục hồi và thúc đẩy du lịch nội địa sẽ định hình phong cách và đẳng cấp cho du lịch Việt Nam ở tầm cao mới, qua đó sẽ chi phối, dẫn dắt xu hướng du lịch quốc tế đến Việt Nam, Quảng Nam trong thời gian tới.
Đây cũng là dịp để chúng ta khảo sát lại chuỗi cung, thiết kế lại các sản phẩm du lịch và những trải nghiệm du lịch, làm cho những trải nghiệm du lịch hấp dẫn hơn, tiếp tục khởi động các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch; ứng dụng mạnh mẽ hơn việc triển khai du lịch số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hợp tác như liên kết trực tuyến, quảng bá trực tuyến; liên kết chuỗi giá trị từ vận tải, hàng không đến khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan để tạo ra sự kết nối tối ưu…
Ngoài ra, cần gia tăng một số chỉ tiêu về chất lượng, hướng đến du lịch chất lượng cao, nâng cao các sản phẩm du lịch, đẩy mạnh liên kết theo chuỗi cung ứng; thúc đẩy hiệu quả mối liên kết du lịch 3 địa phương Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế, rộng hơn là trục di sản miền Trung với sự tham gia của Quảng Bình, Thanh Hóa, hướng tới định vị thương hiệu du lịch Quảng Nam bền vững.
HƯỚNG ĐẾN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Du lịch Quảng Nam có những lợi thế so sánh so với nhiều nơi khác. Thứ nhất là “Du lịch di sản”, đặc biệt di sản văn hóa. Thứ hai, “Du lịch biển đảo”. Thứ ba là “Vị trí địa lý” khi nằm ở trung điểm đất nước, thuận lợi để thực hiện liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung, đặc biệt là liên kết địa bàn kinh tế trọng điểm miền Trung với trung tâm là Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; liên kết với vùng Tây Nguyên và liên kết với khu vực bằng đường biển, đường bộ và đường hàng không.
Quảng Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 thu hút được hơn 12 triệu lượt khách, trong đó có 5,5 - 6 triệu lượt khách du lịch quốc tế; tỷ lệ đóng góp của du lịch vào GRDP của tỉnh đạt hơn 5% và tạo ra khoảng 30 nghìn việc làm cho xã hội; đến năm 2030 du lịch Quảng Nam thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với tỷ lệ đóng góp của du lịch vào GRDP của tỉnh đạt từ 7 - 8% và tạo ra hơn 50 nghìn việc làm cho xã hội. Xây dựng Quảng Nam cơ bản trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ không chỉ của vùng duyên hải miền Trung mà còn của cả nước và khu vực, chủ động có đóng góp tích cực cho liên kết phát triển vùng duyên hải Nam Trung Bộ, nhất là mối liên kết du lịch với Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế.
Trên cơ sở khai thác những lợi thế và tiềm năng du lịch của mình, những năm qua du lịch Quảng Nam có những bước phát triển đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Mặc dù vẫn còn một số tồn tại hạn chế cần khắc phục nhưng quan điểm, mục tiêu xuyên suốt của du lịch Quảng Nam giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 chính là phát triển bền vững. Điều này cũng phù hợp với quan điểm phát triển chung của du lịch Việt Nam và vùng duyên hải Nam Trung Bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL, để hiện thực mục tiêu này sẽ có một số giải pháp được triển khai. Thứ nhất, chú trọng chất lượng tăng trưởng du lịch, lấy hiệu quả là thước đo chính, ưu tiên các mục tiêu phát triển về sản phẩm, thị trường nhằm có được thu nhập cao nhất từ du lịch, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP, từng bước đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thứ hai, phát triển du lịch phải luôn gắn liền với nỗ lực bảo vệ môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa và tự nhiên. Thứ ba, phát triển du lịch phải đem lại nhiều hơn cơ hội việc làm và thu nhập cho cộng đồng địa phương, đặc biệt đồng bào thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, góp phần tích cực vào đảm bảo quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội. Thứ tư, phát triển du lịch chú trọng đến sự hài lòng của khách du lịch, đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của khách du lịch.
XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU DU LỊCH XANH
Quảng Nam có lợi thế rất lớn để phát triển du lịch xanh - xu thế của du lịch thế giới. Vì vậy rất cần cách làm bài bản để tạo ra những sản phẩm du lịch xanh, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn trong thập niên tới đây.
Theo thống kê của Booking.com, có tới 62% khách du lịch trên thế giới được khảo sát cho biết sẽ cảm thấy tốt hơn khi điểm đến chỉ rõ có nhãn du lịch xanh trách nhiệm.
Ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, thực hiện điều này không khó nhưng cần có một hệ quy chiếu thống nhất để hành động. Đơn cử như với đô thị cổ Hội An, nếu xây dựng được vài tuyến phố bán ẩm thực, nhu yếu phẩm nói không với rác thải nhựa; nhân rộng được 4-5 chợ phiên đặc thù hấp dẫn tùy theo đặc trưng bản địa và phát triển được vài chục organic farm (trang trại canh tác hữu cơ) là thương hiệu nhận diện du lịch xanh, thì sẽ lan tỏa rất mạnh mẽ, giúp ngành du lịch phát triển bền vững hơn. Các điểm đến khác trên địa bàn tỉnh cũng đều có cơ hội để phát triển theo xu hướng này, quan trọng ở chỗ điểm đến đó phải tạo ra sản phẩm thực sự khác biệt để du khách cảm thấy thú vị với chuyến đi của họ “xứng đồng tiền bát gạo”.
Du lịch Quảng Nam đã đạt được nhiều thành tựu nhưng để đánh giá được sự thành công của từng điểm đến, cần một thước đo cụ thể. Vì thế, cần có các đánh giá khoa học cái gì làm được và chưa làm được, từ đó mới rút ra được kinh nghiệm để phát triển các điểm đến khác, thì sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn, nhất là đối với du lịch cộng đồng. Nền tảng để xây dựng thương hiệu du lịch xanh của một điểm đến hay một địa phương sẽ bắt đầu bằng việc quản lý điểm đến, tạo ra các sản phẩm du lịch xanh và giải pháp tiếp thị. Từ đó có hướng đi mới cải thiện sinh kế cho cộng đồng và bảo tồn giá trị di sản văn hóa truyền thống. Kèm theo đó là việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Các giải pháp phát triển du lịch có trách nhiệm nhất là về quản lý nước, chất thải và giảm sử dụng nhựa một lần cần được triển khai rộng rãi đó chính là nền kinh tế tuần hoàn và tái tạo.
Ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, Hội An sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các ngành kinh tế theo cơ cấu dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; trong đó kinh tế du lịch - dịch vụ - thương mại giữ vai trò chủ đạo trong các thành phần kinh tế, là ngành kinh tế mũi nhọn thúc đẩy và hỗ trợ các ngành kinh tế khác.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Hội An sẽ tập trung vào một số nhóm giải pháp, chú trọng tính bền vững, hiệu quả, chất lượng tăng trưởng trong phát triển du lịch, ưu tiên các mục tiêu phát triển về sản phẩm, thị trường nhằm có được thu nhập cao nhất từ du lịch. Phát triển du lịch gắn liền với nỗ lực bảo vệ môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa và tự nhiên để đảm bảo các giá trị đó tiếp tục được các thế hệ tiếp sau khai thác sử dụng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội.
Quan trọng không kém, là Hội An phải tiếp tục tập trung đầu tư hoàn thiện nhanh mạng lưới các đầu mối đón tiếp, phục vụ du khách gắn với phân luồng, điều tiết giao thông vào khu trung tâm phố cổ và các điểm đến. Mở rộng không gian phát triển dịch vụ du lịch không chỉ trong phạm vi thành phố mà phải vươn ra các vùng, các địa phương của tỉnh, đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch với các tập đoàn, các trung tâm du lịch trong và ngoài nước. Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Hội An dựa trên tính độc đáo của các sản phẩm du lịch được tạo ra trên cơ sở khai thác những giá trị di sản văn hóa nổi bật mang tính toàn cầu (du lịch di sản), giá trị văn hóa dân tộc truyền thống (du lịch cộng đồng, ẩm thực, tâm linh, tín ngưỡng) và những giá trị tự nhiên nổi trội (du lịch biển, đảo, làng quê, sông nước), trong đó coi trọng phát triển các sản phẩm du lịch xanh mà trọng tâm là du lịch sinh thái thân thiện môi trường.
Cũng theo ông Lanh, địa phương sẽ thực hiện chiến lược phát triển sản phẩm du lịch theo 3 cấp độ: sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch chính và sản phẩm du lịch phụ trợ nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo sự khác biệt để hấp dẫn du khách. Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch xanh có giá trị tăng cao, lựa chọn các thị trường khách có chất lượng cao nhưng phải hướng đến tính bền vững, tạo thương hiệu cạnh tranh lâu dài và tăng thêm sinh kế cho người dân và cộng đồng. Đầu tư phát triển dịch vụ cao cấp hướng vào thị trường khách có nhu cầu trải nghiệm di sản văn hóa, thiên nhiên, nghỉ dưỡng dài ngày và chi tiêu cao. Phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại đêm nhất là chợ, nhà hàng, quán bar, trung tâm mua sắm… một cách quy củ, phù hợp với tiềm năng, điều kiện của địa phương.