Nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định thương hiệu từ phía doanh nghiệp (DN) cộng với hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu của ngành chức năng sẽ là cú hích để hàng “made in Quảng Nam” vươn xa ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.
Nỗ lực lớn
Xúc tiến thương mại là “chìa khóa” mở cửa hàng Việt
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, trong thời điểm hiện nay, trên thị trường bán lẻ, hàng hóa của Việt Nam đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt. Bộ Công Thương sẽ làm hết sức để đưa hàng hóa Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và vươn ra thị trường khu vực, thế giới. Để thực hiện mục tiêu kép là phát triển mạnh thị trường nội địa lẫn tạo cú hích phát triển hàng hóa trong nước, Bộ Công Thương yêu cầu các tỉnh thành, trong đó có Quảng Nam đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho hàng Việt. Đây là “chìa khóa” để hàng Việt ngày càng được vinh danh trên thương trường nội địa và xuất khẩu.
Trải qua nhiều thăng trầm, sản xuất, kinh doanh các loại rượu ba kích, nấm lim xanh, sâm Ngọc Linh ở nhiều cơ sở tại huyện Tiên Phước và Phú Ninh, anh Nguyễn Xuân Lực (Tiên Cảnh, Tiên Phước) đã chọn Tam Kỳ làm đất sống. Ngay mặt tiền ga Tam Kỳ là cửa hàng bán lẻ các loại rượu của anh Lực. Không chỉ vậy, các loại rượu ba kích, nấm lim xanh, sâm Ngọc Linh được anh Lực chuyển đến bán cho đối tác ở các siêu thị, nhà ga, sân bay, trung tâm thương mại thuộc Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh...
Theo anh Lực, chất lượng nguồn nguyên liệu là yếu tố sống còn của sản phẩm hàng hóa chế biến. Anh Lực đã chọn mua nấm lim xanh đích thực từ huyện Tiên Phước, mua ba kích từ huyện Tây Giang và mua sâm Ngọc Linh từ các phiên chợ định kỳ ở huyện Nam Trà My. Rượu chế biến là rượu lúa rẫy chính hiệu Bắc Trà My được anh Lực đặt mua số lượng lớn nên ngâm dược liệu càng lâu rượu càng phảng phất hương vị hảo hạng.
“Mình sản xuất, kinh doanh để thu lợi thì phải biết trân trọng người tiêu dùng. Đó là tâm niệm từ ngày bắt đầu dấn thân vào thương trường, đến nay đã hơn vài chục năm” - anh Lực cho biết.
Nhiều năm qua, các loại rượu của anh Lực cũng đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh và đại diện nhóm sản phẩm tham gia nhiều chương trình kết nối cung cầu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giao thương ở nhiều địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa, TP.Hồ Chí Minh, TP.Đà Nẵng...
Khó kể hết các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), các đặc sản đặc trưng Quảng Nam có năng lực cạnh tranh cao, khẳng định vị thế, thương hiệu trên thị trường, nhiều sản phẩm hàng hóa đã xuất khẩu ra nước ngoài. Thành quả có được ngoài năng lực vận động của DN, còn có nhiều hỗ trợ từ các ngành nông nghiệp, công thương, khoa học - công nghệ... Hàng “made in Quảng Nam” được sản xuất ngày càng cải tiến về chất lượng, mẫu mã, giá cả phải chăng nên được người tiêu dùng chú ý.
Vượt qua rào cản
Hàng “made in Quảng Nam” chiếm tỷ trọng lớn trong hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, lưu thông với nhiều kênh phân phối tỏa khắp các địa bàn, các chợ truyền thống, khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa là rất đáng ghi nhận. Tuy vậy, bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng khiến hàng hóa xứ Quảng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ hàng ngoại nhập, sự cạnh tranh càng gay gắt hơn, các hàng rào kỹ thuật càng khắt khe hơn. Không chỉ vậy, biện pháp phòng vệ thương mại của nước ta còn chưa được hoàn thiện, chưa thực sự trở thành công cụ bảo vệ hàng hóa trong nước và kiểm soát tốt chất lượng hàng nhập khẩu phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế cũng là vấn đề đặt ra.
Bởi vậy, cấp thiết DN cần chú trọng đổi mới công nghệ sản xuất nhằm cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, năng lực cạnh tranh. Quan trọng hơn, DN cần không ngừng cải tiến thiết kế, cải tiến chất lượng sản phẩm, năng suất và dịch vụ hậu mãi để tăng giá trị mà hàng hóa Quảng Nam mang lại cho khách hàng.
“Kinh nghiệm của tôi là cần hiểu rõ “tiếng nói” của thị trường, đối sánh nhu cầu của khách hàng với năng lực của bản thân, có cầu thị mới làm ra được hàng hóa nổi bật, đón đầu thị trường, chiếm ưu thế so với hàng hóa cùng loại” - chị Lê Thị Kim Ánh - sáng lập Công ty CP Caromi với sản phẩm phở sắn nổi bật đã có thị trường trong nước ổn định và xuất ra nhiều nước cho biết.
Theo ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương), về phía Nhà nước, cần có chính sách ưu đãi cụ thể về vốn, định hướng về công nghệ, nhất là tạo môi trường kinh doanh thích hợp giúp DN phát triển sản xuất, sáng tạo sản phẩm mới, nhất là những sản phẩm có tính kỹ thuật, nghệ thuật cao, chất lượng tốt và mẫu mã đẹp để được khách hàng tìm đến.
Ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho biết, Sở đang tăng cường hợp tác với một số địa phương để chia sẻ thông tin, phối hợp thực hiện chương trình bình ổn thị trường, hỗ trợ đầu tư, liên kết đầu tư, kiểm tra, kiểm soát lưu thông hàng hóa. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp kết nối tiêu thụ, định kỳ tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các tỉnh thành để hỗ trợ DN chủ động sản xuất, kinh doanh, ổn định thị trường, thu được giá trị thương mại cao.