Kế hoạch nhỏ - một phong trào lớn của Đội có sức sống hơn 60 năm - đã mang lại hiệu quả trong thực tế. Qua đó không chỉ làm phong phú thêm các hoạt động của Đội mà còn góp phần gieo thói quen tiết kiệm, giữ gìn vệ sinh môi trường cho các em thiếu nhi. Một ý nghĩa khác, từ nguồn kinh phí của phong trào này đã xây dựng nên những công trình măng non có giá trị như: ngôi nhà khăn quàng đỏ, khu vui chơi thiếu nhi, hồ bơi, trao học bổng, đỡ đầu trẻ em mồ côi...
Tuy nhiên, đâu đó còn có những cách làm bất cập như: giao chỉ tiêu số lượng cho học sinh; thậm chí có phụ huynh còn bỏ tiền ra mua giấy vụn, vỏ lon bia để nộp thay cho con; rồi có nơi lấy đó làm thước đo đánh giá thi đua của chi đội, liên đội... Để kế hoạch nhỏ tiếp tục là phong trào tự nguyện và hào hứng của thiếu nhi, yêu cầu đặt ra đầu tiên là các đơn vị tuyệt đối không giao chỉ tiêu số lượng, không áp dụng thi đua, điểm số cho học sinh và tuyệt đối không thu tiền trực tiếp từ học sinh hoặc cha mẹ học sinh. Không để việc này vô tình trở thành căn bệnh thành tích ngay trong một hoạt động mang tính vận động này. Với đội ngũ tổng phụ trách Đội, những người trực tiếp có trách nhiệm triển khai phong trào, hãy đặt câu hỏi với học sinh của mình: “Em hiểu gì về Kế hoạch nhỏ”, để các em hiểu ý nghĩa thực sự của chương trình và hào hứng tham gia. Từ đó giáo dục các em phải cần kiệm bằng cách tận dụng đồ cũ, phân loại vật dụng phế thải hay quý trọng công sức lao động của cha mẹ. Hay việc nhắc nhở các em giúp ba mẹ phân loại rác ở trong nhà trước khi đưa ra xe rác.
Về cách thức thu gom, không cần thiết tổ chức ngày hội thu gom rình rang, mà cứ tích góp thường xuyên, thu gom thường xuyên. Tổ chức các buổi lao động tập thể, phân học sinh thành những nhóm nhỏ, để các em cùng nhau lập kế hoạch đi thu gom giấy, vỏ chai tùy theo năng lực. Một việc quan trọng khác, chính các bậc phụ huynh cần xác định rõ đây là một hoạt động của con trẻ nên các con phải tự thực hiện mới có ý nghĩa. Đừng thay con làm mọi việc, thay vào đó, phụ huynh có thể góp sức bằng cách nhắc nhở con việc thu gom, hướng dẫn con tích góp dần và động viên con hoàn thành kế hoạch. Ví dụ, nhắc con gom giấy nháp, sách báo cũ trong nhà thu gọn lại để cất vào một góc, đến khi liên đội phát động thu gom thì mang đến nộp. Và lẽ tất nhiên, những thành quả mà học sinh đóng góp phải được công khai cho các em bằng những “minh chứng” thiết thực. Đó là những công trình, phần việc có địa chỉ rõ ràng; trao học bổng cho các bạn nhỏ khó khăn từ nguồn Kế hoạch nhỏ trong giờ chào cờ. Đồng thời, công tác báo cáo thu - chi cần phổ biến rộng hơn nữa, trong các cuộc họp phụ huynh, tổng kết cuối năm...
Kế hoạch nhỏ, như đúng tên gọi của nó, phải là phong trào do chính các em đội viên thực hiện và đối tượng thụ hưởng cũng chính là các em nhỏ. Đây là cơ hội để các em trải nghiệm những việc nhỏ bé mà hữu ích. Trên hết, quan trọng nhất, phong trào Kế hoạch nhỏ không ngoài mục đích bồi đắp lòng nhân ái, cảm thông, tinh thần “nhường cơm sẻ áo” trong mỗi đội viên.
L.Q.Q