Những ánh nhìn lướt nhanh qua các không gian trưng bày tại Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các huyện miền núi năm 2023. Thật khó để neo lại ai đó với vài ba câu hỏi, trong rất nhiều những hiện vật được sắp đặt. Không nhiều người biết đến câu chuyện nằm phía sau đó, trừ một số cán bộ văn hóa địa phương lặn lội tìm kiếm, sưu tầm, và “mượn” từ cộng đồng để mang đến triển lãm. Câu chuyện của thời gian đã mất...
Chuyện của cổ vật
Nếu không có những lời giới thiệu của ông Nguyễn Thế Thọ - Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Phước Sơn, chúng tôi đã “bỏ qua” chiếc gùi có nắp đậy ám cả màu và mùi khói bếp nằm xếp chung với rất nhiều hiện vật trong không gian trưng bày văn hóa Phước Sơn.
Một hiện vật xếp vào loại “độc bản” được ông Hồ Văn Dũi để lại cho phòng truyền thống huyện phục vụ công tác trưng bày. Chiếc gùi mây khá tinh xảo hình cái chum, có quai đeo, in một số hoa văn họa tiết đặc trưng của người Bh’noong được địa phương lưu giữ từ vài năm nay.
“Đó là loại két sắt riêng có của người Bh’noong, gồm có hai lớp. Mất gần nửa năm trời, và phải rất khéo léo mới có thể đan cùng lúc hai lớp của chiếc gùi, đan nắp đậy và tạo hình các họa tiết. Cái này giờ là độc bản, hầu như không thể kiếm được cái thứ hai ở các bản làng của huyện Phước Sơn” - ông Thọ nói.
Chúng tôi như được lần theo hành trình của một người Bh’noong đi làm chiếc gùi mây, như tìm lại thời gian cùng những giá trị đã mất. Băng ngược vào rừng, tìm kiếm những cây mây gai rồi tỉ mẩn chẻ, chuốt từng sợi nan, xông khói, tạo hình, cặm cụi giữa nhà sàn đan từng sợi mây, theo hai lớp, từ ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác.
Như một niềm vui, một thứ say mê kỳ lạ. Như là sống. Người miền núi tìm thấy niềm vui trong lao động. Chỉ một cái gùi thôi, có thể khiến họ quên đi điều đang xảy ra quanh mình, quên đi những cuộc vui, để tạo hình cho món đồ mà họ đang tạo tác, đều tăm tắp và chuẩn xác đến từng họa tiết nhỏ. Họ quên đi ngày tháng, quên đi những nhọc mệt của công việc mà mình đang làm, cho đến khi chiếc gùi được thành hình và rồi mang nó đặt trên giàn bếp. Ám khói.
Nếu có một chút tinh ý, sẽ tìm thấy điểm chung của những cổ vật xếp vào loại đặc biệt quý trong hàng trăm, hàng ngàn hiện vật nằm ở các gian trưng bày: màu thời gian. Chúng tôi nhìn thấy “tấm dồ” đã bạc màu, nằm khiêm nhường bên cạnh hàng loạt tấm thổ cẩm rực màu sắc và họa tiết của huyện Nam Giang.
Cán bộ văn hóa của huyện nói, tấm dồ đã được truyền đời qua nhiều thế hệ người Cơ Tu, đã cũ xưa lắm, nhưng vẫn còn nguyên sự độc đáo: nhiều tua rua đầy màu sắc và họa tiết tinh xảo đính bằng hạt chì, một nguyên liệu khá đặc biệt của các tấm thổ cẩm thời xa xưa, trước khi bà con thay thế bằng những hạt cườm. Hiện vật không chỉ lưu giữ trong mình các giá trị văn hóa mà còn có thể kể câu chuyện về lịch sử, phong tục của cả một tộc người, một vùng đất...
Nhà nghiên cứu văn hóa Tôn Thất Hướng nói, tấm vải cũ kỹ ấy giá trị có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. “Những hiện vật như vậy gần như là độc bản. Chủ sở hữu ý thức được điều đó, và quan trọng hơn là họ mong muốn giữ lấy cho con cháu mình, như một thứ tài sản riêng của gia tộc.
Tôi dự nhiều sự kiện, qua nhiều năm, nhận thấy hiện vật liên quan đến văn hóa, đời sống của đồng bào ngày càng ít đi. Mai một vì nhiều lẽ. Vì thời gian, vì cách bảo quản chưa tốt dẫn đến hư hỏng, và nhiều điều kiện khác nữa. Trong khi đó, ngành bảo tồn, bảo tàng va phải những vướng mắc lớn khó có thể tháo gỡ liên quan đến cơ chế tài chính cho công tác tìm kiếm, sưu tầm hiện vật để gìn giữ và trưng bày” - ông Hướng tâm sự.
Tái sinh ký ức
Chúng tôi ngồi lại với ông Nguyễn Thế Thọ bên gian trưng bày. Những tiếc nuối dậy lên, trong ngổn ngang suy tư của người gắn bó lâu năm với công tác bảo tồn văn hóa vùng cao.
Ông Thọ kể, ông đã để ý đến chiếc gùi có nắp đậy ngay từ khi thấy nó lần đầu tiên. Nhưng cái “giá” để mang được cổ vật về quá lớn. May mắn, ông Thọ thuyết phục được ông Hồ Văn Dũi - nguyên là Chủ tịch UBND xã Phước Năng, đồng ý nhượng lại cho Phòng Văn hóa với một mức phí tượng trưng.
“Nhưng cũng có nhiều thứ tôi dù rất muốn vẫn không thể sưu tầm, mang về phục vụ bảo tồn được. Người Bh’noong, cũng giống như một số dân tộc khác, có tục làm quan tài gỗ khá kỳ công và độc đáo. Tôi để ý, và đặt vấn đề với người nghệ nhân về việc mua lại một quan tài gỗ.
Tiền công là một chuyện, nhưng ngoài hỗ trợ công chạm khắc, chế tác, còn phải hỗ trợ cho người ta kinh phí để họ làm lễ cúng. Bà con rất kiêng cữ chuyện cho, tặng quan tài. Vấp ngay các quy định về tài chính, không có cách và không thể “linh hoạt” về nguồn lực. Mọi thứ dừng lại” - ông Thọ kể.
Mưa dông ầm ào trút xuống làng văn hóa Bh’noong. Chiều vùng cao xám xịt, nước mưa tràn vào những gian trưng bày. Anh Phạm Thanh Lục - Chuyên viên của Trung tâm VHTT&TTTH huyện Nông Sơn loay hoay tìm cách kê cao chiếc mắc cửi, không giấu được nỗi lo khi chỉ vài giờ nữa là đến thời điểm trình diễn nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống của làng Đại Bình.
Mấy nong tằm, một cành dâu lớn chi chít kén tơ và khung cửi... được cất công sưu tầm, mang từ Đại Bình ngược lên Phước Sơn trong ngày hội. “Chúng tôi mang đến một số công cụ của nghề ươm tơ dệt lụa Đại Bình, vốn một thời nức tiếng ở đầu nguồn sông Thu. Là câu chuyện của một nghề, một vùng đất, đã từng là hào quang trong ký ức sẽ được tái hiện” - anh Lục nói.
Không nhiều gương mặt trẻ tham gia trình diễn các nghề truyền thống: đan lát, dệt thổ cẩm, điêu khắc, quay tơ... Sản phẩm tài hoa của một thời, khi cộng đồng còn chưa va đập nhiều với thế giới văn minh, nghệ nhân sống với tín ngưỡng rừng, tín ngưỡng thần linh và cả niềm kính ngưỡng gia tài văn hóa mà ông cha họ đã truyền lại.
Họ miệt mài, đổ hết tâm trí và gửi gắm mọi công sức vào đó, vất vả và đầy tâm sức. Thời buổi số hóa, giới trẻ chọn “sống vội” với rất nhiều tiện ích, chỉ có những người già chừng như mắc kẹt với ký ức, với ranh giới mong manh của hiện đại và truyền thống, của văn hóa và cuộc mưu sinh. Họ liệu có cô đơn, trong nhộn nhịp biển người chỉ đứng lại vài phút với sự tò mò rồi rời đi. Rời đi hẳn...
Ông Hồ Xuân Tịnh, thành viên hội đồng thẩm định các nội dung văn hóa trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa - thể thao và du lịch các huyện miền núi năm 2023 nói, hiện vật trở về và ít nhiều thể hiện được các giá trị độc đáo, phản ánh sự phong phú trong đời sống của đồng bào miền núi.
“Nhiều hiện vật quý được mang đến, không chỉ có ý nghĩa về mặt bảo tồn mà còn giúp thế hệ trẻ biết được nhiều giá trị của lịch sử các tộc người. Đã có sự tiếp nối nhất định, ví như các bạn trẻ khoác lên mình bộ trang phục cách tân may bằng thổ cẩm, cũng là cách giới thiệu, quảng bá, nuôi dưỡng tự hào về tộc người mình. Ít ra, đó là tín hiệu đáng mừng” - ông Tịnh chia sẻ.
Thời gian bôi xóa. Mọi thứ cứ lặng lẽ vắng dần, mất đi. Sống lại ký ức, là thách thức rất lớn khi chiến lược bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa, lịch sử phải đương đầu nhiều rào cản.
Giá trị văn hóa được nhắc đến trong một cuộc tọa đàm kết nối phát triển du lịch diễn ra cùng thời điểm - đề cập về nguồn lực, con người, xây dựng tour tuyến khai thác - ít nhiều gợi mở một hướng nhìn tích cực. Để ký ức tái sinh, để những giá trị được truyền nối, chứ không phải một lễ hội đến hẹn lại lên, khó níu lấy chân người...