Để miền núi thực sự an cư

ALĂNG NGƯỚC 04/01/2024 08:00

Sau 3 năm (2021 - 2023) triển khai Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư miền núi, hơn 2.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với phòng tránh thiên tai, đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới.

Với lối quy hoạch dân cư tập trung, Tây Giang được xem là địa phương điển hình trong việc sắp xếp, bố trí dân cư miền núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Với lối quy hoạch dân cư tập trung, Tây Giang được xem là địa phương điển hình trong việc sắp xếp, bố trí dân cư miền núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Người dân hưởng lợi

Được đánh giá là một trong số địa phương có cách làm sáng tạo, điển hình trong công tác bố trí, sắp xếp dân cư miền núi, giai đoạn 2021 - 2023, huyện Tây Giang hỗ trợ 290 hộ dân hưởng lợi, bao gồm 134 hộ sắp xếp tập trung và 156 hộ xen ghép, với tổng kinh phí hơn 31 tỷ đồng.

Ông Mạc Như Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, với phương châm “nơi ở mới tốt và an toàn hơn nơi ở cũ”, thời gian qua, địa phương tập trung đầu tư 5 mặt bằng dân cư tập trung tại địa bàn các xã A Xan, Tr’Hy và Ch’Ơm.

Trong đó, ưu tiên các hộ nằm trong diện di dời khẩn khấp, với diện tích đất ở được hỗ trợ tối thiểu mỗi hộ khoảng 200m2. Đồng thời tập trung triển khai đo đạc đất ở tại các xã còn lại, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân hưởng lợi.

“Để người dân thực sự an cư ở vùng đất mới, bên cạnh lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án để đầu tư đồng bộ hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ sinh kế phù hợp, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng hộ dân về chính sách bố trí, sắp xếp dân cư gắn với phòng chống thiên tai.

Từ đó, giúp người dân tránh các rủi ro do thiên tai, góp phần sớm ổn định cuộc sống lâu dài. Ngoài ra, vị trí được chọn tái định cư gần khu vực sản xuất, phù hợp với phong tục, tập quán của cộng đồng, nhất là đảm bảo các hạng mục đi kèm phục vụ nhu cầu cuộc sống” - ông Phương chia sẻ.

Theo ông Trần Văn Noa - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam, qua 3 năm triển khai Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh, có khoảng 2.080/7.821 hộ tham gia thực hiện; trong đó có 2.050 hộ di dời chỗ ở, với tổng kinh phí phân bổ hơn 187 tỷ đồng.

Công tác triển khai, các địa phương ưu tiên hỗ trợ các hộ nằm khu vực xung yếu, bị đe dọa bởi thiên tai… đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng người dân miền núi. Giai đoạn 2024 - 2025, dự kiến có khoảng 2.611 hộ được sắp xếp di dời, gồm 2.593 hộ vùng thiên tai, cùng 18 hộ vùng đặc dụng và phòng hộ, với kinh phí hơn 171 tỷ đồng.

Phát huy trách nhiệm từ cơ sở

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quảng Bửu cho rằng, hiệu quả bước đầu trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh, cho thấy những nỗ lực của các địa phương, điển hình là các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Nam Giang và Tây Giang.

Theo ông Bửu, mặc dù tỷ lệ số hộ thực hiện sắp xếp dân cư còn thấp so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra, nhưng bằng cách làm linh hoạt và phù hợp với thực tiễn, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh các địa phương miền núi.

“Việc bố trí dân cư gắn với phát triển sản xuất phù hợp với từng thôn bản, điểm dân cư tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ nhân dân. Đồng thời tạo thuận lợi cho việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân miền núi, góp phần thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia” - ông Bửu nói.

Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện các nội dung Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh thời gian qua vẫn bộc lộ một số hạn chế cần kịp thời khắc phục.

Cụ thể như, tỷ lệ giải ngân vốn hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư chưa đạt so với kế hoạch vốn tỉnh giao; một số địa phương chưa quan tâm rà soát, bổ sung các khu tái định cư vào quy hoạch, chưa chú trọng cân đối quỹ đất để bố trí đất ở cho hộ theo quy hoạch sắp xếp dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới đã phê duyệt.

Ngoài ra, việc hỗ trợ đất sản xuất cho hộ sắp xếp, ổn định dân cư đạt thấp, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân sau khi sắp xếp, ổn định dân cư; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử đất cho các hộ dân sau khi di dời gặp khó khăn, phần lớn chưa thực hiện được…

“HĐND tỉnh đã điều chỉnh chỉ tiêu số hộ sắp xếp, ổn định dân cư giai đoạn 2021 - 2025 tại Nghị quyết 23 từ 7.821 hộ xuống còn 4.691 hộ; thời gian tới các địa phương miền núi cần rà soát quỹ đất, khẩn trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ thực hiện sắp xếp, ổn định dân cư, đồng thời lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để bố trí, sắp xếp ổn định dân cư.

Phải xem công tác bố trí, ổn định dân cư là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương. Đây vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn đối với tính mạng và tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão” - ông Bửu nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Để miền núi thực sự an cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO