Múa lân dịp Tết Trung thu là nét đẹp văn hóa dân gian, là niềm vui của trẻ em. Tuy nhiên, làm sao để múa lân an toàn, không gây mất trật tự giao thông và không gây ra sự cố nguy hiểm về điện là điều cần quan tâm.
Múa lân dưới lòng đường và phun kim tuyến gây mất an toàn giao thông và an toàn điện. Ảnh: CHÂU NỮ |
Mất an toàn
Nhiều năm qua, vào dịp Tết Trung thu, dọc các tuyến đường buôn bán nhộn nhịp ở TP.Tam Kỳ như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Cao Vân… thường xuyên diễn ra tình trạng kẹt xe cục bộ do các đội múa lân gây ra. Mặc dù lực lượng chức năng ra quân giữ trật tự, điều tiết giao thông nhưng tình trạng chủ phương tiện, người tham gia giao thông dừng xe bất cứ chỗ nào có múa lân để xem đã gây mất trật tự an toàn giao thông. Bên cạnh đó, để màn biểu diễn thêm sinh động, nhiều đội múa lân sử dụng máy bắn pháo sáng hoặc tổ chức phun kim tuyến, phun lửa… nên khả năng gây cháy nổ và chập điện rất dễ xảy ra. Dịp 2.9 vừa qua, nhiều người “thót tim” khi xem đội lân - sư - rồng biểu diễn ở một ngôi nhà dọc tuyến đường Hùng Vương bởi họ cho phun lửa và bắn kim tuyến ngay sát đường dây điện. Và dường như năm nào ở Quảng Nam cũng xảy ra tình trạng chập điện, mất điện do các đội múa lân phun kim tuyến gây ra. Theo thông tin từ Điện lực Tam Kỳ, chỉ riêng dịp Tết Trung thu năm ngoái, địa bàn thành phố đã xảy ra 5 vụ mất an toàn lưới điện với hàng trăm hộ bị ảnh hưởng do các đội múa lân bắn kim tuyến chạm vào đường dây điện.
Nhiều đội lân chưa chuyên nghiệp nhưng biểu diễn các trò múa lân trên cao, các trò nhào lộn cũng dễ xảy ra tai nạn. Các vụ tai nạn do múa lân gây ra, phải đến bệnh viện cấp cứu cũng xảy ra khá nhiều trên địa bàn tỉnh năm qua. Như trường hợp của em B.X.Q. (SN 2002, thôn Tân Vinh, xã Tam Vinh, Phú Ninh). Nhóm múa lân của Q. kích điện để cho viên pháo phát sáng nhưng đã gây nổ khiến em bị bỏng tay. Có trường hợp, tuy không dùng pháo sáng nhưng việc phun xăng vào ngọn đuốc để làm “lân phun lửa” cũng khiến em N.V.Q.N. (SN 1996, thôn Nghĩa Tây, xã Đại Nghĩa, Đại Lộc) bị bỏng.
Giúp trẻ đón Tết Trung thu an toàn
Nhiều năm trở lại đây, việc tổ chức đêm hội vui Tết Trung thu được các địa phương, tổ chức chính trị, xã hội trong tỉnh chú trọng. Dọc theo các ngõ phố, đường làng, đâu đâu cũng thấy không khí nhộn nhịp vui Tết Trung thu. Hầu hết khu phố, thôn, xã, cơ quan, đơn vị, trường học nào cũng có các hoạt động ý nghĩa dành cho thiếu nhi như chuẩn bị mâm cỗ trông trăng, rước đèn, văn nghệ, múa lân, tổ chức các trò chơi dân gian… làm cho ngày tết của thiếu nhi thêm phần đầm ấm, vui tươi và góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, ngoài đêm Trung thu do các cơ quan, đoàn thể, khu phố, nhà trường tổ chức, các em nhỏ thường họp thành nhóm để múa lân, tạo trò chơi cho mình. Trong những trường hợp này, hơn ai hết, các bậc phụ huynh phải quan tâm việc trẻ đón Tết Trung thu như thế nào hay tham gia biểu diễn múa lân ra sao. Khuyến khích trẻ làm đầu lân, trống, lồng đèn và múa lân không dùng pháo sáng, pháo nổ hoặc phun xăng, phun dầu. Đặc biệt, không nên tổ chức múa lân dưới lòng lề đường gây khó khăn cho người tham gia giao thông.
Chị Lê Thị Hiệp ở khối phố Phương Hòa Nam, phường Hòa Thuận (TP.Tam Kỳ) cho biết, cứ đến mùa trung thu, chị lại mua đèn ông sao cho các con đi rước đèn và đưa các con đến cơ quan xem múa lân. Theo chị, việc tổ chức hay cho trẻ xem múa lân nên diễn ra ở khuôn viên tách biệt để không ảnh hưởng đến các hoạt động khác. Còn ông B.V.T., ba của em B.X.Q. chia sẻ: “Tôi nghĩ các em nhỏ nên múa lân truyền thống là vui rồi. Không nên dùng pháo sáng hay pháo nổ làm gì. Tai nạn của con tôi cũng là bài học cho tất cả chúng ta”. Mới đây, vào dịp 2.9 vừa qua, lực lượng chức năng ở Tam Kỳ đã cấm các đội múa lân bắn kim tuyến gần đường dây điện và chỉ cho phép bắn ở những chỗ an toàn. Nếu không, sẽ bị thu đầu lân. Đồng thời ra quân điều tiết giao thông. Tuy nhiên, khi ngành chức năng đi khỏi, tình trạng bắn kim tuyến, phun lửa, và đứng giữa đường xem lân vẫn xảy ra.
CHÂU NỮ - PHƯƠNG NAM