(QNO) - Sáng 9.11, trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội, đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đưa ra nhiều khuyến nghị về thể chế làm cơ sở phòng chống dịch bệnh Covid-19, phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng tình cao với chủ trương của Chính phủ lấy chính quyền cấp xã làm “pháo đài” trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, đại biểu Dương Văn Phước nhắc lại bài học lịch sử đầy giá trị về văn hóa làng xã trong nghìn năm đô hộ giặc Tàu, trong 2 cuộc kháng chiến và trong xây dựng, đổi mới; đồng thời khẳng định vị trí, vai trò hết sức quan trọng của chính quyền cấp xã trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, đại biểu Dương Văn Phước bày tỏ sự băn khoăn về địa vị pháp lý, chế độ làm việc, chế độ lương, hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trong quy định hiện hành chưa tương xứng, chưa động viên thu hút người tài, người tâm huyết.
Đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 34/NĐ-CP năm 2019 theo hướng bỏ chế định “người hoạt động không chuyên trách”. Thay đổi chế độ hỗ trợ bằng chế độ lương; sửa đổi, bổ sung chính sách liên quan. Qua đó vừa đảm bảo tính công bằng, thu hút người có trình độ, tâm huyết về công tác tại cơ sở, vừa thuận lợi trong việc luân chuyển cán bộ, công chức, phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay. Cần nghiên cứu tinh giản mạnh khâu trung gian (cấp tỉnh, cấp huyện), tập trung tăng cường cán bộ, công chức cho cấp cơ sở để không làm tăng thêm biên chế.
Về công tác thống kê, công khai minh bạch thông tin dữ liệu gắn liền với chuyển đổi số, theo đại biểu Dương Văn Phước, trong tình hình cấp bách của dịch bệnh vừa qua, có nhiều quyết sách điều hành kinh tế - xã hội của một số bộ ngành, địa phương còn bất cập, chưa toàn diện. Nguyên nhân một phần do nguồn thông tin chưa thật chuẩn xác, nên việc xây dựng, ban hành quyết sách chưa đầy đủ, chưa sâu sát, chưa thật khả thi. Công tác dự báo có vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh kinh tế - xã hội nhiều biến động, việc đánh giá đúng thực trạng, dự báo đúng xu hướng là yêu cầu, là tiền đề, là cơ sở cho việc hoạch định chủ trương, chính sách.
Đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực thống kê, sự độc lập về mặt thể chế của cơ quan thống kê; tăng cường nguồn lực, bổ sung thêm các quyền hạn, trách nhiệm của cá nhân, đơn vị thực hiện việc cung cấp, tính toán, công bố, thẩm định, kiểm tra, giám sát số liệu thống kê.
Bên cạnh đó, cần đầu tư thêm nguồn lực để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, phát triển dịch vụ cung cấp thông tin dữ liệu theo hướng có hệ thống, đa chiều, dễ tiếp cận, đáp ứng tiêu chí về chất lượng. Xuất bản thông tin phải là nghĩa vụ pháp lý được Nhà nước kiểm tra, giám sát chặt chẽ.