Chiều 26/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Đây là dự án luật có nhiều nội dung phức tạp, liên quan chặt chẽ với nhiều dự án luật khác về đất đai, đầu tư, đấu thầu…, tác động trực tiếp đến quyền lợi của người dân, chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Tham gia thảo luận dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Nam góp ý nhiều nội dung vào các điều luật.
Về các hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo luật quy định 10 hành vi bị nghiêm cấm, tuy nhiên qua xem xét các hành vi bị nghiêm cấm được quy định thì có nhiều quy định thuộc hành vi vi phạm pháp luật đã được quy định ở các luật khác, mỗi hành vi vi phạm sẽ có chế tài xử lý khác nhau; nếu là hành vi cấm thì sẽ xử lý nặng hơn hành vi vi phạm pháp luật, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị cần phân loại hành vi bị nghiêm cấm theo nhóm để có hướng xử lý bằng các chế tài phù hợp.
Yêu cầu chung về phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở quy định “Tại các đô thị loại I, loại II và loại III, tại các phường, quận, thành phố thuộc đô thị loại đặc biệt, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở phải xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua…”, đại biểu Dương Văn Phước cho rằng quy định như dự thảo luật là chưa phù hợp, không khả thi, mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình nhưng theo ông Phước, văn hóa mỗi địa phương khác nhau, người dân vốn thích tự xây nhà ở theo sở thích và khả năng tài chính.
Do vậy, đối với đô thị loại II, loại III mà bắt buộc đầu tư xây dựng nhà ở thì rất khó bán ra, dễ bỏ hoang, xuống cấp, gây mất mỹ quan đô thị. Do đó chỉ quy định nội dung này với đô thị loại đặc biệt, còn các đô thị loại I, II, III nên phân cấp để UBND cấp tỉnh quyết định vấn đề này.
Đại biểu Dương Văn Phước cho rằng việc quy định số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại Việt Nam như dự thảo là chưa đầy đủ và rất khó xác định bởi khu vực cần xác định đó có thể nằm ở một hoặc nhiều xã, phường, thị trấn; không có cơ sở để xác định tương đương một phường.
Đại biểu đề xuất cần quy định rõ không quá 20% số lượng căn nhà tại một khu vực, vậy mới xác định được tổ chức, cá nhân người nước ngoài sở hữu không quá 250 căn hộ trong cùng một khu vực, một khu chung cư trên một đơn vị hành chính cấp xã dễ quản lý và quy định rõ như thế nào là một khu vực để có căn cứ áp dụng luật khi luật đi vào thực tiễn.
Về thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, đại biểu Dương Văn Phước đề xuất bổ sung trường hợp chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được tự quản lý khai thác sử dụng. Vì có trường hợp một số dự án khu đô thị có nhà ở được đầu tư ở phân khúc cao cấp thì chủ đầu tư có xu hướng tự quản lý, khai thác sử dụng để nâng cao giá trị sản phẩm.
Về đối tượng và điều kiện được thuê nhà ở công vụ, đại biểu Dương Văn Phước cho biết tại Kỳ họp thứ 5, đại biểu đã đề xuất đối tượng người được tuyển dụng được áp dụng chính sách ưu đãi này.
Tuy nhiên, hiện nay dự thảo luật chưa tiếp tiếp thu, đại biểu tiếp tục đề nghị bổ sung đối tượng này được thuê nhà ở công vụ nhằm khuyến khích người lao động có kỹ năng, trình độ, năng lực đến làm việc tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo.
Về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội quy định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội là người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, theo đại biểu Dương Văn Phước chỉ nên quy định chung là người thu nhập thấp, không phân biệt là người thu nhập thấp tại khu vực đô thị hay nông thôn, tránh trường hợp cùng một địa bàn với điều kiện như nhau nhưng người được hưởng chính sách, người không được hưởng.