Chiều 29/10 Quốc hội thảo luận ở tổ dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia.
Tham gia thảo luận, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - Dương Văn Phước thống nhất với sự cần thiết ban hành luật này nhằm góp phần hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế, tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế.
Đối với sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước (Điều 4), qua thực tiễn tại Quảng Nam, đại biểu đề nghị bổ sung quy định “sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ các địa phương nước ngoài cho các dự án đầu tư xây dựng theo các chương trình, thỏa thuận hợp tác giữa các bên”.
Sự bổ sung này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam, để thực hiện nhiệm vụ tăng cường quan hệ đối ngoại, hữu nghị, hợp tác phát triển.
Bên cạnh đó, ngoài những nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước tại dự thảo Luật lần này, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc kịp thời sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Ngân sách nhà nước chưa được đề cập tới, để kịp thời khắc phục những bất cập trong thực tiễn quản lý nhà nước trong thời gian qua.
Trong đó, đại biểu đề nghị xem xét, bỏ các khoản thuế xuất nhập khẩu tại quy định tại Điều 35 và bổ sung “thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu” vào khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; tại Điều 39 xem xét bỏ quy định “ngân sách cấp huyện không có nhiệm vụ chi nghiên cứu khoa học và công nghệ” để các địa phương đảm bảo kinh phí thực hiện được nhiệm vụ được giao; tại Điều 40 xem xét bổ sung các nguồn thu từ “tiền thuê đất nộp một lần cho toàn bộ thời gian thuê, nguồn thu từ hoạt động Casino, nguồn thu phí tham quan các di sản văn hóa” vào điều này.
Về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước (Điều 53) quy định trường hợp khi cần điều chỉnh dự toán ngân sách của một số đơn vị dự toán và địa phương cấp dưới thì UBND trình Thường trực HĐND cùng cấp quyết định điều chỉnh và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất.
Mặc khác, tại Điều 30 Luật Ngân sách nhà nước quy định HĐND các cấp giao dự toán chi thường xuyên cho từng đơn vị theo lĩnh vực chi, không chi tiết đến từng nội dung chi nên việc trình Thường trực HĐND điều chỉnh chi tiết tất cả các dự toán chi là không phù hợp.
Do đó, đại biểu nghị bổ sung nội dung quy định “Trường hợp điều chỉnh chi tiết dự toán chi thường xuyên của đơn vị dự toán nhưng không làm thay đổi tổng dự toán chi đã giao thì UBND các cấp quyết định điều chỉnh và tổng hợp báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất” để các đơn vị dự toán ngân sách kịp thời thực hiện các nhiệm vụ phát sinh theo quy định mà không làm thay đổi tổng mức dự toán đã giao.
Đối với sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý Thuế (Điều 6), theo Điều 84 Luật Quản lý thuế quy định “Cơ quan quản lý thuế tiếp tục theo dõi các khoản tiền thuế nợ được khoanh và phối hợp với cơ quan có liên quan để thu hồi tiền thuế nợ khi người nộp thuế có khả năng nộp thuế hoặc thực hiện xóa nợ theo quy định tại Điều 85 của Luật này”.
Tuy nhiên Điều 124 lại quy định: “Chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế đối với trường hợp người nộp thuế được cơ quan quản lý thuế khoanh tiền thuế nợ trong thời hạn khoanh nợ…”. Do đó, khi người nộp thuế đã được khoanh nợ (áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) có khả năng nộp thuế, cơ quan thuế chỉ được phối hợp thu mà không được áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp để thu thì không thể thu được tiền thuế nợ khi đã áp dụng đến biện pháp cưỡng chế cuối cùng.
Do vậy, đại biểu đề xuất bổ sung vào điều này một điểm quy định “Trường hợp các khoản tiền thuế nợ được khoanh mà cơ quan quản lý thuế có đủ thông tin người nộp thuế có khả năng nộp thuế thì áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp để thu hồi nợ thuế đã khoanh” để có căn cứ thực hiện.