UBND tỉnh vừa có văn bản đề nghị Bộ VH-TT&DL thống nhất lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt địa điểm Chiến thắng Núi Thành (tại xã Tam Nghĩa, Núi Thành).
Để đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù, đêm 25 rạng ngày 26.5.1965, Đại đội 2, Tiểu đoàn 70 bộ đội địa phương Quảng Nam được tăng cường một phân đội đặc công đã tập kích, tiêu diệt gọn lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tại đồi 49 và đồi 50 Núi Thành – Quảng Nam. Với chiến công này, Đại đội 2, Tiểu đoàn 70 được Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng cờ “Lập công đầu, diệt gọn từng đơn vị chiến đấu Mỹ”. Tại Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ II, ngày 17.9.1967, Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã tuyên dương Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Nam danh hiệu “Quảng Nam trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”. Với những giá trị lịch sử nêu trên, địa điểm Chiến thắng Núi Thành đã được Bộ Văn hóa – thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng di tích quốc gia tại Quyết định số 54/QĐ-VHTT ngày 29.4.1979.
* Sáng 27.7, TP.Tam Kỳ tổ chức lễ đón nhận bằng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với “Khu lăng mộ các sĩ phu yêu nước Tam Kỳ” tại thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú.
Khu lăng mộ các sĩ phu yêu nước là nơi yên nghỉ của những nhà lãnh đạo phong trào khởi nghĩa Việt Nam Quang Phục Hội tại Tam Kỳ gồm Trịnh Uyên, Trần Thu, Lương Đình Thự, Nguyễn Thược và Trần Can. Hưởng ứng lời kêu gọi của vua Duy Tân, cả nước ấn định ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay giặc Pháp vào tối ngày 3, rạng sáng ngày 4.5.1916, nhưng bị bại lộ, chỉ có Tam Kỳ là địa phương duy nhất nổ ra khởi nghĩa với quy mô lớn tại Phủ đường Tam Kỳ. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng đã gây tiếng vang lớn, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giành độc lập, chủ quyền trên cả nước.
Sau khi đón nhận bằng di tích cấp tỉnh, TP.Tam Kỳ tiếp tục tôn tạo, phát huy di tích “Khu lăng mộ các sĩ phu yêu nước Tam Kỳ” trở thành địa chỉ đỏ giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.