Thời điểm chính thức cắt sóng truyền hình tương tự mặt đất (analog) sang truyền hình số được TP.Đà Nẵng công bố thực hiện vào ngày 1.10 đến. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Quảng Nam đang chạy đua với việc triển khai hỗ trợ đầu thu kỹ thuất số (KTS) cho hộ nghèo và cận nghèo ở khu vực phía bắc tỉnh bị ảnh hưởng.
Thực hiện hỗ trợ lắp đặt đầu thu kỹ thuật số cho hộ nghèo ở xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn. Ảnh: T.CÔNG |
Tuyên truyền chủ trương
Tài nguyên tần số vô tuyến dần cạn kiệt, cùng với nhu cầu xem truyền hình chất lượng cao ngày càng được nâng cao đòi hỏi việc số hóa truyền hình cần phải được triển khai cấp bách. Theo nhận định chung của Bộ TT-TT, số hóa truyền hình mặt đất sẽ giúp truyền tải chương trình truyền hình với chất lượng cao hơn, thu được các chương trình chuẩn HD và 3D (ba chiều), giúp tối ưu hóa hiệu quả sử dụng băng tần. Trong bối cảnh truyền hình analog truyền thống bắt đầu cũ kỹ, tình trạng trùng tần số thường xuyên xảy ra và số lượng kênh truyền hình analog ngày càng ít đi, việc chuyển sang số hóa truyền hình sẽ giúp khắc phục những yếu kém còn tồn tại đó. Không chỉ thế, các chuyên gia cho rằng các loại ti vi hiện tại đang được tích hợp sẵn DVB-T2 sẽ giúp người dân tiết kiệm được chi phí khi sắm sửa. Thay vì phải đầu tư cho cả ti vi lẫn đầu thu DVB-T2 một cách riêng rẽ, giờ đây người dân sẽ chỉ phải mua một sản phẩm duy nhất. Họ cũng sẽ không phải sử dụng nhiều loại điều khiển như trước. “Số hóa truyền hình là chủ trương đúng đắn, mang lại nhiều lợi ích theo xu hướng phát triển của truyền hình thế giới. Người dân sẽ được hưởng lợi đầu tiên, khi được thụ hưởng nhiều kênh chương trình và chất lượng dịch vụ cao hơn, công nghệ mới hơn” - ông Phan Tài Anh, Phó phòng Truyền thông Công ty VTC (một trong những đơn vị được cấp phép cung ứng đầu thu ở thời điểm hiện tại) cho biết.
Ngày 1.7 vừa qua, TP.Đà Nẵng - đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai thí điểm số hóa truyền hình - đã cắt sóng một số kênh truyền hình nên nhiều người dân ở huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, thị xã Điện Bàn và TP.Hội An không còn theo dõi được theo cách thức cũ. Muốn xem được các kênh truyền hình đã cắt sóng, các hộ dân buộc phải mua đầu thu KTS với giá 500 - 800 nghìn đồng/bộ. Đây cũng là khó khăn được đặt ra đối với những gia đình nghèo, cận nghèo ở các địa phương này. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất năm 2015 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở Thông tin - truyền thông sẽ tổ chức tập huấn, tuyên truyền đến các cấp chính quyền, người dân ở các địa phương bị ảnh hưởng nắm được việc triển khai đề án và rà soát tổng hợp danh sách hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện để triển khai hỗ trợ lắp đặt đầu thu KTS. Bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở Thông tin - truyền thông cho biết: “Đơn vị đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền nội dung đề án số hóa truyền hình của tỉnh cho hàng trăm cán bộ Phòng VH-TT, LĐ-TB&XH, cán bộ xã, trưởng/phó thôn và khối phố, doanh nghiệp, đại lý cung cấp ti vi, đầu thu KTS trên địa bàn các địa phương bị ảnh hưởng. Danh sách các hộ đủ điều kiện hỗ trợ cũng đang được khẩn trương thống kê để đến đầu tháng 9 triển khai lắp đặt đầu thu cho các hộ này”.
Đua với thời gian
Ngày 21.7.2015, Liên bộ Tài chính, Thông tin - truyền thông ban hành Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BTTTT-BTC về việc hỗ trợ đầu thu KTS cho hộ nghèo và cận nghèo. Hộ nhận hỗ trợ phải có tên trong danh sách theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tính đến ngày 31.12.2014 và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo đó, các hộ này phải đang sử dụng máy thu hình công nghệ tương tự chưa tích hợp tính năng thu truyền hình số mặt đất theo chuẩn DVB-T2, chưa có đầu thu truyền hình số DVB-T2, chưa sử dụng bất kỳ một trong các phương thức truyền hình trả tiền như truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, truyền hình IPTV trong thời gian triển khai hỗ trợ. Đồng thời các hộ đủ tiêu chuẩn nhận hỗ trợ cần có đơn đề nghị nhận hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất với cam kết không bán, cho tặng đầu thu truyền hình số mặt đất được hỗ trợ.
Ở khu vực bắc Quảng Nam, bước đầu đã có 50 hộ nghèo tại xã Điện Hồng (thị xã Điện Bàn) được hỗ trợ lắp đặt miễn phí đầu thu KTS, thông qua chương trình trao tặng đầu thu miễn phí cho hộ nghèo của Công ty VTC dịch vụ truyền hình số. Được hỗ trợ lắp đặt miễn phí đầu thu, bà Nguyễn Thị Hà (thôn Lạc Thành Đông, xã Điện Hồng) chia sẻ: “Đầu tháng 7, một số kênh truyền hình bị cắt sóng, lại nghe thông tin sẽ cắt hoàn toàn các kênh nên gia đình tôi hết sức lo lắng. Vì điều kiện hoàn cảnh khó khăn, trang bị đầu thu KTS tốn số tiền khá lớn nên tôi cũng rất đắn đo. Nhờ được tặng đầu thu, tôi không chỉ xem được nhiều kênh hơn mà chất lượng còn tốt hơn trước”.
Theo kế hoạch, bắt đầu từ tháng 9, Sở Thông tin - truyền thông sẽ phối hợp với Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích thực hiện công tác phân phối, lắp đặt đầu thu truyền hình số mặt đất, dự kiến hoàn thành vào tháng 11.2015. Song song với việc lắp đặt, các Sở Thông tin - truyền thông, LĐ-TB&XH cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường nằm trong đề án triển khai năm 2015 sẽ kiểm tra, giám sát việc phân phối, lắp đặt, bởi ngày 1.10 tới đã là thời hạn TP.Đà Nẵng cắt sóng hoàn toàn đối với truyền hình analog. “Theo thống kê sơ bộ, ở khu vực bắc Quảng Nam có hơn 11.800 hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo bị ảnh hưởng khi cắt sóng truyền hình analog. Chúng tôi sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ để kịp cho những hộ này được theo dõi truyền hình khi TP.Đà Nẵng cắt sóng analog” - bà Quyên nói.
THÀNH CÔNG