Để người Việt dùng hàng Việt

CHÂU NỮ 04/09/2014 09:15

Năm 2009, Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành chương trình hành động để hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị; giao Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì triển khai thực hiện. Từ đó đến nay, mặt trận, các đoàn thể, các sở, ban ngành, doanh nghiệp và người dân đã có những động thái tích cực hưởng ứng cuộc vận động này. Theo đó, bên cạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá hàng Việt... do các ban ngành, địa phương, doanh nghiệp tổ chức, hằng năm Sở Công Thương đều tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu vùng xa. Cạnh đó, chính quyền các cấp cũng đã có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...

Những hoạt động ấy, cộng với những nỗ lực không mệt mỏi của các doanh nghiệp nội địa trong việc khẳng định thương hiệu Việt, thông điệp “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đã “thấm” dần vào người tiêu dùng. Thói quen mua và sử dụng hàng Việt cũng đã hình thành ở nhiều người. Ví như mùa Trung thu 2014 này, lồng đèn Việt Nam mang thông điệp bảo vệ chủ quyền biển đảo chiếm thế áp đảo so với lồng đèn Trung Quốc trên thị trường và được người tiêu dùng đón nhận. Đây không chỉ là “câu trả lời” của người Việt Nam yêu nước trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà còn khẳng định sự “lấn lướt” của hàng nội đối với một mặt hàng mà từ nhiều năm nay xuất xứ “Made in China” luôn chiếm ưu thế... Cạnh đó, việc các hội chợ chuyên đề như nông nghiệp, công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, làng nghề... được tổ chức hằng năm tại Quảng Nam cũng là một kênh kích cầu cho hàng Việt. Chẳng hạn Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên do UBND tỉnh phối hợp Bộ Công Thương tổ chức tại Tam Kỳ mới đây cũng đã thu hút lượng lớn khách tham quan, mua sắm. Hội chợ thu hút hơn 250 doanh nghiệp tham gia, trong đó có nhiều doanh nghiệp ở ngoài khu vực. Để tạo điều kiện cho người dân tham quan, mua sắm, UBND tỉnh và Bộ Công Thương đã hỗ trợ gần 1,3 tỷ đồng vì không bán vé vào cổng. Chỉ riêng việc “vào cổng tự do” đã là một cách “kích cầu” hiệu quả, khi mà ngay cả những người không thật sự có nhu cầu mua sắm cũng ghé vào hội chợ và thường thì trước một rừng hàng hóa ở đấy, hiếm có người ra về tay không. Cùng thời điểm, Co.opmart Tam Kỳ cũng tổ chức chương trình “Tự hào hàng Việt” với nhiều nội dung như “Hàng Việt, giá đặc biệt”, “Mua hàng Việt, quà đặc biệt” và hơn 3 nghìn sản phẩm giảm giá đến 50%, đã thu hút lượng lớn khách hàng mua sắm.  

Để hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ngoài việc tiếp tục hướng dẫn, khuyến khích người dân hiện thực hóa thông điệp “dùng hàng Việt là yêu nước” cũng như việc hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh thì chính doanh nghiệp cũng phải biết cách quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giảm giá bán, nâng chất lượng, kéo người tiêu dùng xích lại gần với mình hơn... Ngoài ra, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, tuy đã có những chuyển biến tích cực, song hiện vẫn còn không ít người tiêu dùng, nhất là người dân nông thôn, vẫn khó có cơ hội tiếp cận với hàng Việt vừa đảm bảo chất lượng vừa hợp túi tiền bởi các chương trình khuyến mại, hội chợ chủ yếu được tổ chức theo kiểu xuân thu nhị kỳ và chưa thể vươn tới tất cả mọi vùng miền. Khắc phục được điểm này, cộng với việc thực hiện kiên trì các giải pháp nêu trên, sự “tín nhiệm” của người Việt đối với hàng Việt mới được nâng lên và duy trì bền vững hơn.

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Để người Việt dùng hàng Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO