Để người Việt dùng hàng Việt

NGUYỄN QUANG VIỆT 23/01/2018 08:55

Cách gì để kích thích người Việt tin dùng hàng Việt là vấn đề được đặt ra tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức mới đây.

Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm hàng Việt tại siêu thị Co.opMart Tam Kỳ.    Ảnh: QUANG VIỆT
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm hàng Việt tại siêu thị Co.opMart Tam Kỳ. Ảnh: QUANG VIỆT

Còn hạn chế

Ông Võ Văn Thơ - Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông cho rằng, người Quảng còn lơ là hàng hóa có xuất xứ từ Quảng Nam là vấn đề cần đặt ra để Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” giải quyết. Nhiều người dân đã phát hiện bò bị các cơ sở trên địa bàn tỉnh bơm nước trước khi mổ nên họ e dè mua sản phẩm. Nhiều loại trái cây như chuối, mãng cầu, cam, đu đủ, mít... bị các doanh nghiệp sử dụng hóa chất để ép chín cho kịp bán dịp tết, lễ cúng rằm, mồng một... khiến nhiều người dân nghi ngờ các loại trái cây Quảng Nam được bán trên thị trường. Không hiếm trường hợp doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mua hàng hóa từ Trung Quốc về rồi dán nhãn mác của mình để bán trên thị trường thu lợi bất chính. “Để hàng hóa xứ Quảng được người dân tin dùng thì rất cần nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ sở, người sản xuất. Để được vậy thì vai trò của cơ quan quản lý nhà nước cũng phải được nâng tầm. Việc xử phạt sản xuất, lưu thông, kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhái cũng phải mạnh tay hơn để đủ sức răn đe, ngăn chặn” - ông Võ Văn Thơ nói.

Nhiều sai phạm trong kinh doanh

Trong năm 2017, Chi cục Quản lý thị trường Quảng Nam đã kiểm tra 3.520 vụ, xử lý 1.620 vụ vi phạm về buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, xử phạt hơn 3,5 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa có giá trị gần 3,5 tỷ đồng. Lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra 21 vụ, xử lý 10 vụ vi phạm kinh doanh hàng hóa xâm phạm nhãn hiệu, tịch thu nhiều hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Honda, bột ngọt A-One, rượu Vodka.

Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chưa đi vào chiều sâu có nguyên nhân từ chính nó, nghĩa là “vận động” và “ưu tiên” thì không có tính bắt buộc, quy định của pháp luật nên đa số người tiêu dùng có thu nhập cao lựa chọn sử dụng hàng ngoại vì chất lượng, mẫu mã, nhãn mác vượt trội so với sản phẩm cùng loại được sản xuất từ trong nước. Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, triển khai các chuỗi nông sản sạch và xây dựng chương trình mỗi xã một sản phẩm là cách để ngành giúp người dân, doanh nghiệp nâng tầm, xây dựng thương hiệu và đưa các sản phẩm nông nghiệp xứ Quảng xâm nhập sâu hơn vào thị trường. Tuy nhiên, có nhiều sản phẩm nông sản ngoại nhập chiếm ưu thế so với nông sản Quảng Nam là do các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã, nhãn mác, mã vạch xuất xứ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của Quảng Nam chưa được nông dân và doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn chú trọng.

Cần sinh lực mới

Ông Lê Thái Bình - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nêu nhiều hạn chế của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đó là công tác tuyên truyền, vận động chưa được thường xuyên nên chưa đi vào chiều sâu, người tiêu dùng ở các vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới chưa thật sự mặn mà với các thương hiệu hàng hóa được sản xuất trong nước. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong ban chỉ đạo cuộc vận động chưa thật sự đồng bộ, hiệu quả; hoạt động đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, công tác hỗ trợ sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn còn hạn chế, thiếu tính kích thích năng động, sáng tạo xây dựng thương hiệu lớn. Ông Lê Thái Bình đề xuất: “UBND tỉnh, Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ bổ sung định mức kinh phí cho cấp huyện để triển khai sâu rộng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” từ cơ sở chứ hiện nay cấp huyện không có kinh phí hoạt động trên lĩnh vực này. Các sở, ngành trong ban chỉ đạo cuộc vận động cần tăng cường hơn nữa vai trò tham mưu, đề xuất những nội dung mới, thiết thực để cuộc vận động đi vào chiều sâu, trước hết là trong năm 2018 này”.

Trong khi đó, theo ông Đoàn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, không thể để xảy ra trường hợp như Khải silk trên địa bàn tỉnh. Bởi vậy, trong thời gian tới, sẽ tổ chức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra kinh doanh, buôn bán đối với các tổ chức, cá nhân sẽ được tăng cường cả về quy mô lẫn tần suất, mức độ. Ông Võ Xuân Ca - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của tỉnh đặt vấn đề: “Mua sắm công vẫn chuộng hàng ngoại thì làm sao khuyến khích được người dân chuộng hàng Việt? Trên mục quảng cáo của các đài truyền hình, hầu như chỉ thấy hàng ngoại chứ hàng Việt ít ỏi thì làm sao giúp đỡ doanh nghiệp trong nước khẳng định thương hiệu của hàng Việt? Làm sao có thể cân, đo, đong, đếm nhận thức dùng hàng Việt của người tiêu dùng Việt chuyển biến đến đâu, lấy gì quy chiếu?”. Bởi vậy, rất cần cú hích, tạo sinh lực mới cho cuộc vận động trong thời gian tới. “Các doanh nghiệp cần phối hợp với các nhà phân phối đẩy mạnh việc đưa hàng Việt Nam về nông thôn hợp với nhu cầu tiêu dùng của nông dân Việt Nam, theo đúng thời vụ và thị hiếu của từng vùng. Người tiêu dùng cũng cần nâng cao trách nhiệm với bản thân mình bằng cách không sử dụng, không mua hàng kém chất lượng, không có xuất xứ rõ ràng, nhất là một số sản phẩm hàng nước ngoài nhập lậu. Các cơ quan chức năng Nhà nước cần nêu cao trách nhiệm của mình trong việc hậu kiểm để đánh giá chất lượng thực tế sản phẩm so với công bố trên nhãn của hàng hóa và đấu tranh, phát hiện, xử lý kịp thời hành vi gian lận thương mại” - ông Võ Xuân Ca kêu gọi.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Để người Việt dùng hàng Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO