Thảm cỏ xanh mượt trải theo lối đi được hàng cây che mát. Những luống dưa leo lủng lẳng quả nằm cạnh vạt bắp xanh tốt… Đấy là những gì chúng tôi nhìn thấy khi đến gò Tranh, thôn Hòa Mỹ, xã Đại Nghĩa (Đại Lộc).
|
Hội Cựu chiến binh huyện Đại Lộc họp thẩm định sự kiện gò Tranh và bàn việc xây dựng bia tưởng niệm.Ảnh: DUY HIỂN |
Nếu không có hồi ức của những vị lão thành cách mạng, khó ai biết tại khu vườn “cỏ xanh non tơ” này từng có 28 người chỉ trong chớp mắt đã nằm xuống vĩnh viễn. Ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đại Lộc bày tỏ: “Gần 30 cán bộ chiến sĩ ta bị phục kích hy sinh cùng lúc tại thôn Hòa Mỹ này. Thế nhưng hơn 40 năm sau hòa bình rồi vẫn không có công trình gì để tưởng niệm họ. Nếu chúng ta không làm gì cả, mai mốt lớp người thời kháng chiến ra đi hết, liệu đời sau còn biết trên đất này đã diễn ra một sự kiện bi tráng như thế không?”. Câu chuyện được ông Minh nhắc đến là sự kiện diễn ra đêm 15.1.1972, khi đoàn bộ đội Mặt trận 4 Quảng Đà, cán bộ, du kích địa phương trên đường đi vào vùng địch để cõng gạo, đã rơi vào bẫy mìn của giặc và chỉ trong tích tắc 28 người ngã xuống.
1. Xã Đại Nghĩa trong chiến tranh chống Mỹ có tên là xã Lộc Mỹ. Từ năm 1966, chiến tranh lan rộng, địa bàn xã Lộc Mỹ trở thành một trong những “cửa khẩu” quan trọng của tỉnh Quảng Đà để móc nối mua lương thực, thực phẩm, các mặt hàng nhu yếu phẩm từ thị trấn Ái Nghĩa để chuyển ra vùng căn cứ phục vụ kháng chiến. Sở dĩ Lộc Mỹ làm tốt việc này vì đây là khu vực cận kề thị trấn Ái Nghĩa nên dễ mua và tập kết hàng, đặc biệt là phong trào cách mạng ở địa phương phát triển mạnh. Ta tổ chức được mạng lưới cơ sở rộng khắp, đồng thời làm rất tốt công tác binh địch vận.
Ông Lê Hồng Phong - nguyên Bí thư xã Lộc Mỹ thời kháng chiến kể: “Chúng tôi chẳng những vận động đồng bào yêu nước mà còn chú trọng đến gia đình có con em theo địch, những vợ lính tham gia mua hàng cho cách mạng. Số này khá đông, mà khi họ mang gạo thóc, hàng hóa qua các trạm kiểm soát, bọn lính gác ít khi đổ hay tịch thu vì họ là vợ lính, chúng không muốn động chạm đến. Mỗi khi chồng con họ bị chết trận, chúng tôi còn thăm viếng, chia sẻ nên gây được cảm tình. Gạo, hàng hóa mua được chúng tôi tổ chức tập trung tại từng cụm, tổ và báo cáo lên trên để đưa người về chuyển lên. Đôi khi không kịp chuyển hết phải bọc ny lon chôn ngoài bãi sông rồi trồng chuối lên trên để ngụy trang. Dĩ nhiên kẻ địch cũng biết rõ hoạt động thu mua hàng hóa của ta ở Lộc Mỹ nên đánh phá ác liệt, lùng sục trong thôn xóm. Gạo ta chôn ngoài bãi, đôi khi túi ny lon bị thủng hay gói không chặt, nước vào sình lên bốc mùi, địch phát hiện thu, phá hủy cũng nhiều”.
Năm 1971 ngụy quyền ở Đại Lộc ra sức đánh phá phong trào cách mạng ở địa phương. Chúng thường xuyên tổ chức càn quét, phục kích, giăng mìn để tiêu diệt lực lượng của ta. Ông Lê Hồng Phong - nguyên Bí thư xã Lộc Mỹ nhớ lại: “Một bữa, ông Hồ Nghinh và ông Phạm Đức Nam cho gọi tôi lên bảo các cửa khẩu ở Hòa Vang, Duy Xuyên bị địch đánh phá, kiểm soát rất ngặt, nên giao cho cửa khẩu ở Lộc Mỹ phải huy động cho được 1.000 tấn gạo. Tôi đề nghị nâng giá mua gạo để thúc đẩy việc mua bán nhanh hơn; đồng thời đề nghị đưa một trung đội chủ lực, trang bị hỏa lực mạnh với 12 khẩu B40, B41 về hoạt động tại địa phương, khiến ban ngày địch ít dám đi lại kiểm tra. Chúng tôi phát động mạng lưới cơ sở các thôn đẩy mạnh việc mua gạo. Trên cũng đưa đơn vị K600 do anh Trương Thanh Xuân làm K trưởng về đảm nhiệm việc thu mua, vận chuyển”.
2. Trong những ngày cuối năm 1971, bộ đội Mặt trận 4 Quảng Đà, đơn vị K600, cán bộ chiến sĩ của huyện Đại Lộc từ thôn 8 Đại Cường qua sông Quảng Huế đột nhập vào thôn Hòa Mỹ để vận chuyển gạo. Ông Lê Viết Ba - nguyên Chủ tịch xã Lộc Mỹ nhớ lại: “Mình đi đông nên việc xóa hết dấu vết là không dễ. Sáng ra các gia đình cơ sở thường phải lùa trâu bò ra bãi để xóa dấu chân; trong sân ngoài ngõ phải lấy chùm gai tre kéo mới xóa kịp, bởi mờ sáng là bọn địch lên liền. Tuy nhiên nhiều vũng bùn nơi ta lội qua, khi rút hết nước vẫn còn in lại dấu chân. Hơn nữa đợt đó mình đi 3 đêm liên tiếp nên địch càng dễ đánh hơi”. Và rồi cái ngày đau thương đã xảy ra (sau ngày giải phóng, ta bắt Lê X. trung đội trưởng thám báo của chi khu quân sự huyện Đại Lộc, người này khai ra rằng ngày 15.1.1972, có một chiếc xe jeep của bọn chỉ huy tiểu khu Quảng Nam ở Hội An lên chi khu Đại Lộc, lệnh cho trung đội thám báo tối 15 phải lên địa điểm X đặt 4 quả mìn clây mo, gài liên hoàn rồi rút ngay về Ái Nghĩa). Tối đó đoàn quân cõng gạo từ thôn 8 Đại Cường qua sông Quảng Huế, lội hết bãi rau màu, áp vào gò Tranh thôn Hòa Mỹ. Ông Vũ Thanh Mận - nguyên đội trưởng Đội tuyên truyền của Ban Tuyên huấn Huyện ủy Đại Lộc nhớ lại: “Tôi đi với chú Tắc, Phó ban Tuyên huấn vào đến bực đất dưới gò Tranh thì bộ đội đã lên hết trên gò, đội hình dồn lại vì còn chờ vượt đường nhựa. Ngồi một chặp tôi nói với chú Tắc: “Có lẽ bộ đội vượt đường hết rồi. Ta đi thôi chú. Ông Tắc bảo: “Chờ thêm một tí nữa”. Vừa nói xong thì tiếng mìn liên tiếp vang lên. Bụi đất, vụn cỏ tranh phủ đầy lên người chúng tôi. Những người sống sót dìu anh em bị thương ra sông Quảng Huế, đợi pháo địch ngớt bắn chặn bến sông mới bơi qua lấy thuyền quay lại chở thương binh và những người không biết bơi rút về Đại Cường”. Ông Lê Văn Mừng - nguyên chiến sĩ thông tin Huyện đội Đại Lộc, người trực tiếp chuyển hung tin lên Tỉnh đội Quảng Đà khẳng định trong trận đó ta hy sinh 28 người chứ không phải 27 như chép trong lịch sử Đảng bộ huyện Đại Lộc, ngoài ra còn có 22 người bị thương. Thời điểm xảy ra là ngày 15.1.1972 chứ không phải tháng 6.1971 như lịch sử địa phương ghi.
Gò Tranh - nơi 28 cán bộ chiến sĩ hy sinh đêm 15.1.1972. |
“Phán đoán sáng mai có thể bọn địch sẽ đến lấy thi thể anh em đi “khoe chiến công” rồi chôn bừa bãi đâu đó, nên ngay trong đêm xảy ra sự việc, chúng tôi lập tức gặp cơ sở cốt cán bàn cách giữ lại. Ông Lê Viết Ba cho hay, mọi người thống nhất là sẽ vận động nhân dân thuyết phục địch để lại cho bà con chôn. Sáng ra, cơ sở vận động người dân trong vùng, gia đình có con em đi lính, vợ lính kéo ra gò Tranh thuyết phục địch, nên 28 cán bộ, chiến sĩ được nhân dân Hòa Mỹ chôn ngay tại nơi họ ngã xuống, sau hòa bình mới dời vào nghĩa trang, khu vực họ nằm được người dân Đại Nghĩa quen gọi “lô liệt sĩ”, không xác định được danh tính.
3. Để tưởng niệm sự hy sinh của 28 cán bộ chiến sĩ tại gò Tranh, đồng thời kể lại cho đời sau cái giá máu xương của hòa bình độc lập, năm 2012 Hội Cựu chiến binh huyện Đại Lộc định vận động kinh phí xây dựng một tấm bia tưởng niệm tại đấy, tuy nhiên ý tưởng không thực hiện được. Thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ năm nay, Hội Cựu chiến binh huyện Đại Lộc khởi động lại ý tưởng này. Ban Thường vụ Huyện ủy Đại Lộc đã thống nhất chủ trương, hội dự định huy động trong hội viên mỗi người 20.000 đồng, dự tính tổng thu sẽ khoảng 50 triệu đồng và công trình gói gọn trong khoản kinh phí này. Tuy nhiên tổng hợp ý kiến nhiều nhân chứng và đại biểu, ông Nguyễn Công Thanh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đại Lộc cho rằng để công trình đạt chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật và hiệu quả giáo dục, Hội Cựu chiến binh huyện và Đảng ủy, chính quyền xã Đại Nghĩa cần phối hợp vận động thêm nguồn đóng góp. Ban Tuyên giáo Huyện ủy có trách nhiệm thẩm định tính chân xác của sự kiện, tham mưu lại nội dung văn bia, cố gắng sưu tra tìm danh tính 28 người hy sinh”.
Theo ông Nguyễn Công Thanh, có thể lùi thời điểm hoàn thành bia tưởng niệm sang tháng 12.2017, nhân kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng bộ huyện Đại Lộc, như thế sẽ có thời gian vận động thêm kinh phí, thiết kế bia tưởng niệm và đảm bảo chất lượng công trình. Từ tấm lòng của các cựu chiến binh huyện Đại Lộc và sự đóng góp của xã hội, hy vọng bia tưởng niệm sẽ hoàn thành đúng thời hạn, để những liệt sĩ gò Tranh không bị rơi vào quên lãng.
DUY HIỂN