(QNO) - Đồng lúa, vườn rau, rừng dừa nước, di tích… sẽ là tour du lịch cộng đồng hấp dẫn với du khách khi đến Cẩm Thanh (TP.Hội An). Tour du lịch khép kín này là sản phẩm du lịch làng quê sinh thái vừa được Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm xây dựng, chuẩn bị đưa vào áp dụng nhằm giúp người dân Cẩm Thanh tăng thu nhập.
Theo đề án “Tour du lịch sinh thái” tại Cẩm Thanh, người nông dân chính là hạt nhân của sự phát triển du lịch. Ảnh: MINH HẢI |
Sản phẩm du lịch mới
Xã Cẩm Thanh sở hữu nhiều lợi thế do thiên nhiên ban tặng như rừng dừa nước, vườn rau hữu cơ, sông nước bao bọc. Địa phương còn có nhiều di tích Chăm Pa, lăng tổ nghề yến, lăng mộ thứ phi vua Quang Trung, lăng các tướng Tây Sơn… Những lợi thế này, cộng thêm hệ sinh thái phong phú đã đưa Cẩm Thanh trở thành điểm du lịch làng quê ngày càng thu hút du khách.
Tuy nhiên, lâu nay địa phương hoạt động du lịch theo kiểu tự phát, chưa xây dựng thành tour tuyến. Vì thế vẫn chưa có sản phẩm du lịch hấp dẫn. Hầu hết du khách tự tìm đến Cẩm Thanh và tự tìm hiểu về vùng quê này.
Người nông dân sẽ là những hướng dẫn viên cho du khách khi muốn khám phá vùng đất Cẩm Thanh. Ảnh: MINH HẢI |
Để giúp địa phương và cộng đồng phát triển bền vững, bảo tồn các giá trị văn hóa, sinh thái làng quê, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm - đứng đầu là TS. Chu Mạnh Trinh vừa xây dựng đề án “Tour du lịch sinh thái” tại Cẩm Thanh. Dự kiến đề án đưa vào áp dụng cho cộng đồng vào cuối năm nay.
Tour du lịch sinh thái Cẩm Thanh có hành trình thời gian dự kiến một ngày, với nhiều câu chuyện về con người, văn hóa, lịch sử của vùng đất. Trong đó chủ đạo là du lịch sinh thái sông nước, những đồng ruộng, vườn rau hữu cơ Thanh Đông, và người nông dân chính là những hướng dẫn viên.
Khai thác tiềm năng có sẵn
Tại Cẩm Thanh từng tổ chức phiên chợ “bữa tiệc nghìn đô trên cánh đồng”. Chỉ là nhà lá đơn sơ dựng trên ruộng lúa, cùng các món ăn dân dã xứ Quảng như bánh xèo, bánh bèo, mỳ Quảng… nhưng phiên chợ này đã thu hút nhiều đoàn khách VIP. Hay các tour thuyền thúng, làm nông dân trồng lúa, trồng rau… cũng trở thành thương hiệu tại nơi đây.
Tuy nhiên, đó chỉ là thương hiệu, chưa thực sự là sản phẩm du lịch hoàn hảo bởi còn thiếu nhiều thông tin, sự tham gia của cộng đồng còn rời rạc. Vì hầu hết của tour du lịch tại Cẩm Thanh hiện nay do các doanh nghiệp tự xây dựng và tự phát triển. Vì thế đánh mất nhiều tiềm năng, và cộng đồng ít được hưởng lợi từ các sản phẩm trên.
Tour du lịch mới dựa trên điều kiện sẵn có của địa phương như đồng lúa, rừng dừa... Ảnh: MINH HẢI |
Theo ông Nguyễn Hùng Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh, từ một địa phương nghèo, đến nay ngành du lịch đã giúp người dân có mức thu nhập cao; trở thành xã nông thôn mới đầu tiên tại Quảng Nam tự cân đối thu chi ngân khách, và nộp ngân sách nhà nước cao. Trong 6 tháng đầu năm 2018, địa phương đón gần 450 nghìn lượt khách du lịch, tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2017; tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 178 tỷ đồng; tổng tăng trưởng đạt 131,85% kế hoạch năm 2018. |
Theo TS. Chu Mạnh Trinh, nếu xây dựng tour du lịch sinh thái, làng quê thành một câu chuyện dựa trên tiềm năng sẵn có của Cẩm Thanh, mà đích thực người nông dân làm hướng dẫn viên thì nơi đây sẽ là điểm du lịch hấp dẫn, lôi cuốn du khách. Đồng thời đây sẽ là sản phẩm du lịch độc đáo không chỉ tại Việt Nam, mà còn trên thế giới.
“Chúng ta phải làm sao để du khách đến đây không chỉ tham quan, nghỉ dưỡng, thưởng thức ẩm thực xong rồi về. Điều cốt lõi là khiến du khách cảm nhận được câu chuyện ấn tượng mà họ trải nghiệm trong một ngày tại Cẩm Thanh. Và mình xây dựng họ từ một khách du lịch trở thành những tình nguyện viên quảng bá sản phẩm của cộng đồng nơi đây một cách hiệu quả” - TS. Chu Mạnh Trinh nói.
TS. Chu Mạnh Trinh (bìa phải) giới thiệu với các công ty du lịch về đề án sản phẩm du lịch mới tại Cẩm Thanh. Ảnh: MINH HẢI |
Đề án “Tour du lịch sinh thái” vừa hoàn thiện, được Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm trình ra để lấy thêm ý kiến của các chuyên gia, công ty lữ hành, doanh nghiệp. Sau đó áp dụng để Cẩm Thanh sẽ là điểm du lịch sinh thái nông nghiệp. Trong đó người nông dân chính là chủ thể, từ khâu hướng dẫn khách làm nông, đến đưa khách đi tham quan và thuyết minh cho du khách…
Mới đây, tại hội thảo lấy ý kiến cho sản phẩm tour du lịch sinh thái mới tại Cẩm Thanh, hầu hết hãng lữ hành, doanh nghiệp du lịch, chính quyền địa phương và cộng đồng người dân ủng hộ đề án trên của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.
Với đề án này, sẽ để lại nhiều ấn tượng cho du khách trong một ngày trải nghiệm. Ảnh: MINH HẢI |
Các hãng lữ hành và doanh nghiệp du lịch tin tưởng, chính người nông dân, văn hóa làng và những điều dân dã, thô sơ sẽ kết nối lại thành một câu chuyện du lịch lôi cuốn du khách theo từng chặng đường tham quan. Tất cả hy vọng, khi áp dụng đề án không chỉ giúp địa phương phát triển mạnh về du lịch, người dân có thu nhập cao mà còn bảo tồn được nét văn hóa cũng như các làng nghề truyền thống.
MINH QUÂN