Để nông sản Việt hội nhập

TRẦN HỮU 10/05/2017 09:01

Quảng Nam không thiếu sản phẩm nông sản có thương hiệu nhưng suốt thời gian dài bó hẹp về thị trường tiêu thụ. Làm gì để đưa nông sản Việt vươn ra “biển lớn” vẫn luôn là câu chuyện dài với doanh nghiệp, ngành chức năng, cơ quan quản lý Nhà nước.

Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi gắn với xây dựng nhãn hiệu và thương hiệu hàng hóa” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia vừa phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức tại TP.Hội An, nhằm lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp xứ Quảng, cũng như hiến kế của các chuyên gia, nhà quản lý về việc tìm đường đi cho sản phẩm mang thương hiệu quốc gia. Đã có những nỗ lực, giải pháp đột phá từ các bộ, ngành chủ quản trong phát triển nhãn hiệu chính thống mang tên “Made in Việt Nam” bằng cách tập hợp, liên kết vai trò sản xuất của nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác. Điển hình mới đây, Bộ NN&PTNT đã lên kế hoạch đề xuất một số giải pháp cơ bản để triển khai việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản theo hướng chuyên nghiệp, có định hướng rõ ràng, có lộ trình và áp dụng khả thi trong thực tiễn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh phát biểu tại diễn đàn khuyến nông và nông nghiệp tổ chức tại Hội An.Ảnh: TRẪN HỮU
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh phát biểu tại diễn đàn khuyến nông và nông nghiệp tổ chức tại Hội An.Ảnh: TRẪN HỮU

Tìm thương hiệu “Made in Quảng Nam”

Từ miền núi đến đồng bằng, đều có hàng hóa nông sản đậm nét thổ nhưỡng địa phương. Theo ước tính, đến nay cả tỉnh có hơn 45 sản phẩm đặc sản, làng nghề truyền thống được tiến hành xây dựng thương hiệu thông qua hình thức chỉ dẫn địa lý do Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học – công nghệ) cấp. Có thể kể ra một số nhãn hiệu được chứng nhận như sâm Ngọc Linh, quế Trà My, tiêu Tiên Phước, rau Trà Quế, nước mắm Cửa Khe (xã Bình Dương, Thăng Bình), nước mắm Tam Thanh (TP.Tam Kỳ),  gà tre Đèo Le (của 2 huyện: Nông Sơn, Quế Sơn), bê thui Cầu Mống…

“Một trong những nhiệm vụ sống còn của ngành nông nghiệp tỉnh là bảo vệ thương hiệu nông sản, phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Xây dựng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch và tập trung xây nhiều mô hình điểm”.
(Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh)

Từ ngày được các cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, có đăng ký nhãn mác thương hiệu, nước mắm Tam Thanh của cơ sở bà Trần Thị Ngọc Loan (thôn Hạ Thanh 2, xã Tam Thanh) đã phân phối khắp nơi trên thị trường, thậm chí đem ra nước ngoài để quảng bá. Bà Loan bảo, chỉ riêng cung cấp cho siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, từ sau Tết Nguyên đán đến nay gia đình thu về gần 50 triệu đồng. “Ngày trước làng nước mắm truyền thống Tam Thanh lâm cảnh “ba chìm bảy nổi”, nhưng khi đã có thương hiệu, sản phẩm bán chạy rất nhanh, không lo hàng hóa ứ đọng” - bà Loan tiết lộ. Còn theo ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Điện Quang (thị xã Điện Bàn), HTX xúc tiến xây dựng 3 phương án sản xuất là dự án sản xuất, chế biến dầu phụng đóng chai thương hiệu “Đất Quảng”; dự án chăn nuôi bò thịt vỗ béo quy mô 2.000 con/lứa và dự án sản xuất rau sạch gắn với du lịch. Thương hiệu “Dầu phụng Đất Quảng” đã được Cục Sở hữu trí tuệ ban hành quyết định công nhận thương hiệu vào ngày 18.11.2016. Năm 2016, HTX Điện Quang đã xuất bán 25.000 lít dầu phụng mang thương hiệu Đất Quảng (với đơn giá bán ra thị trường 135.000 đồng/lít). “Qua một năm thử nghiệm, nhờ có thương hiệu “Dầu phụng Đất Quảng” nên sản phẩm tạo được thị trường ổn định, người tiêu dùng tin cậy. Sở dĩ sản phẩm lấy được cảm tình của người tiêu dùng vì chúng tôi sản xuất, chế biến 100% nguyên chất, không pha chế, tuyệt đối không sử dụng bất cứ loại hóa chất, phụ gia nào, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm” - ông Thành chia sẻ.

Thời gian qua, Sở Khoa học - công nghệ là cơ quan chuyên môn đồng hành với người dân, doanh nghiệp, các HTX, tổ hợp tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu nông sản. Theo sở này, phát triển thương hiệu, giá trị thương hiệu các sản phẩm đặc sản nông nghiệp của tỉnh gắn với niềm tin cho người tiêu dùng là nhiệm vụ mang tính chiến lược để giữ vững thị trường nội địa và tiến đến xuất khẩu ra ngoài nước. Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ sống còn của ngành nông nghiệp tỉnh là bảo vệ thương hiệu nông sản, phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Xây dựng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch và tập trung xây nhiều mô hình điểm. Thực tế, một số địa phương như TP.Hội An, thị xã Điện Bàn, huyện Duy Xuyên ngoài đặt mục tiêu phát triển du lịch còn khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp bền vững, bảo vệ hệ sinh thái, bảo vệ văn hóa bản sắc của từng vùng, từng miền.

Không để lệ thuộc thương hiệu quốc tế

Theo ông Trần Văn Khởi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Việt Nam vẫn duy trì vị thế là cường quốc về xuất khẩu nông sản với kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 32,1 tỷ USD (tăng 5,4% so với năm 2015). Trong đó, có 10 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, bao gồm gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu, sắn, rau quả, tôm, cá tra, lâm sản. Tuy nhiên, sản phẩm mang thương hiệu Việt trên thị trường thế giới hiện rất ít ỏi. Cả nước mới chỉ có vài sản phẩm được công nhận dưới dạng đăng ký chỉ dẫn địa lý. Trong hơn 90.000 thương hiệu hàng hóa các loại được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, thì chỉ có khoảng 15% là của doanh nghiệp trong nước, còn lại hơn 80% hàng nông sản của nước ta bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài, trên thị trường thế giới, các sản phẩm gắn nhãn “Made in Việt Nam” rất hiếm. Thậm chí ngay tại thị trường trong nước cũng có 80% sản phẩm nông sản được tiêu thụ mà không có nhãn hiệu.

Theo ông Trần Văn Khởi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia không chỉ dừng lại ở quyền lợi của doanh nghiệp hay nông dân. Đây còn là quyền lợi và cạnh tranh riêng cho nông sản Việt và là vấn đề chiến lược không chỉ giải quyết trong thời gian ngắn hạn mà mang tính dài hạn, đặc biệt tạo dấu ấn cho người tiêu dùng để đứng vững trên thị trường trong nước và quốc tế. Theo ông Khởi, trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại, thị trường xuất khẩu nông sản rộng mở nhưng cũng đặt ra không ít áp lực trong thị trường cạnh tranh.

Con số mà Cục Xúc tiến thương mại (thuộc Bộ Công thương) đưa ra không khỏi ngậm ngùi: có đến 90% lượng nông sản Việt Nam xuất khẩu dưới nhãn hiệu của nước ngoài. Bao nhiêu năm nay, thương hiệu nông sản Việt vẫn chưa có nhiều cơ hội tiếp cận sân chơi hội nhập. Xót xa hơn, ngay cả hạt gạo trong nước khi xuất ra nước ngoài, chủ yếu thường lấy tên chung như gạo trắng hạt dài, gạo 5% tấm, gạo 25% tấm… chứ hầu như chưa có thương hiệu cụ thể nào. Trên bao bì xuất khẩu, các nhà nhập khẩu thường để sẵn tên của nước ngoài, còn xuất xứ hàng hóa từ Việt Nam chỉ để… dòng chữ nhỏ. Theo ThS.Võ Thị Lý - Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, đến nay 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, kim ngạch còn thấp do giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Đây là một bất lợi lớn, khiến sức cạnh tranh của các loại nông sản Việt trên thị trường còn yếu và phải chịu nhiều thiệt thòi. “Cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm đồng nghĩa với việc phải tạo ra sản phẩm có chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn, nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Đây là một trong những giải pháp phát triển bền vững mà ngành nông nghiệp đang hướng tới thông qua việc chú trọng, đẩy mạnh xây dựng và phát triển các thương hiệu nông sản chủ lực của Việt Nam…” - ThS. Võ Thị Lý nói. Còn ông Trần Văn Khởi đề xuất, để nông sản Việt không lệ thuộc vào thương hiệu quốc tế, cấp bách các sản phẩm phải đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng.

Tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh kiến nghị Trung tâm Khuyến nông quốc gia cần có định hướng xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Việt; chính quyền tỉnh có cơ chế chính sách thông thoáng, tạo điều kiện tìm đối tác mở rộng thị trường tiêu thụ, đồng hành với doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc sản của Quảng Nam gắn với chuỗi giá trị; phát triển mô hình liên kết sản xuất nông sản theo chuỗi gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa ở Quảng Nam.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Để nông sản Việt hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO