Các chính sách, kế hoạch đầu tư ngắn hạn, dài hạn của Trung ương giúp các địa phương miền núi phủ xanh đất trống đồi trọc, người dân có thể “lấy rừng nuôi rừng”. Tuy nhiên, lực cản lớn là nhiều dự án, công trình vẫn chậm “trả nợ” rừng xanh.
Cộng đồng giữ rừng
Từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24.9.2010 của Chính phủ, người dân sống ở lưu vực lòng hồ các thủy điện được nhận giao khoán bảo vệ rừng. Nguồn tài chính hỗ trợ được chi trả kịp thời càng khuyến khích người dân giữ rừng. Ở các huyện miền núi trong tỉnh, DVMTR còn tái đầu tư lại rừng để bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt của người dân; hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính bằng các biện pháp ngăn chặn suy thoái rừng và phát triển rừng bền vững. Hai năm qua, tại huyện Nam Giang, hàng trăm hộ dân thuộc 10 thôn trên địa bàn 2 xã Tà Pơ và Chà Vàl đã nhận quản lý, bảo vệ 13.789ha rừng. Sau khi ký hợp đồng nhận giao khoán với Hạt Kiểm lâm huyện, các nhóm hộ cùng tham gia tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng. Để khuyến khích người dân bản địa có vốn tích lũy, đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trao các sổ tiết kiệm trị giá 400 triệu đồng cho 10 thôn phát triển sinh kế ban đầu.
Người dân miền núi hưởng lợi từ dịch vụ chi trả môi trường rừng. TRONG ẢNH: Đồng bào Cơ Tu của huyện Đông Giang được hướng dẫn trồng cây dưới tán rừng.. Ảnh: T.HỮU |
Tại “điểm nóng” phá rừng dai dẳng trong Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh, người dân sống ở vùng đệm cũng được hưởng lợi. Đến nay, chủ rừng đã giao khoán cho ít nhất 497 hộ chăm sóc, bảo vệ 8.055ha rừng. Theo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, ngoài nhận tiền hỗ trợ hằng năm, đồng bào dân tộc thiểu số còn tuân thủ giữ rừng theo các quy định của pháp luật hiện hành mà không hề phá vỡ luật tục; khuynh hướng phát triển rừng thân thiện với môi trường thể hiện đậm nét hơn. Để ngăn ngừa tình trạng lợi dụng nhận rừng để lén lút tận thu gỗ, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng đã yêu cầu người dân ký cam kết cụ thể. Sau 1 năm, tổ công tác của đơn vị sẽ đánh giá kết quả khu rừng các nhóm hộ quản lý. Nếu giữ tốt thì mới thực hiện việc chi trả; ngược lại để xảy ra mất rừng, chủ rừng (là nhóm hộ được giao) phải chịu hậu quả. Đáng mừng là ở miền núi đến thời điểm này vẫn chưa có hộ, hoặc nhóm hộ nào bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Ông Hồ Văn Nghĩa (xã Phước Công, huyện Phước Sơn) đại diện cho 12 hộ nhận khoán bảo vệ gần 210ha rừng nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên sông Thanh cho biết: “Có tiền giữ rừng bà con ưng cái bụng lắm. Rừng dù rộng nhưng chúng tôi tự cắt ra từng khu vực phân công giữ. Mỗi người sẽ chịu trách nhiệm trong lúc trực của mình. Nếu phát hiện lâm tặc phá rừng, nhóm hộ có trách nhiệm đồng loạt kéo đến xử lý kịp thời”.
Hiện nay, thông qua các dự án tài trợ, lồng ghép các nguồn vốn khác nhau, chính quyền các huyện Nam Trà My, Đông Giang, Phước Sơn… còn hỗ trợ cho người dân trồng thêm các loại cây dược liệu dưới tán rừng giao khoán để cải thiện thu nhập, làm giàu hệ sinh thái rừng.
Cần đẩy nhanh tiến độ trồng rừng thay thế
Theo Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 24.1.2014 của Thủ tướng Chính phủ, đối với các dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đang thực hiện quy trình, thủ tục chuyển đổi diện tích đất lâm nghiệp có rừng sang mục đích khác, phải có phương án trồng rừng thay thế (TRTT) và hoàn thành việc TRTT ít nhất bằng diện tích đã chuyển đổi mục đích sử dụng cho dự án trong thời gian 18 tháng kể từ khi phương án trồng rừng được duyệt. Tuy nhiên, theo ngành lâm nghiệp, dù đã đưa ra “tối hậu thư”, nhưng hàng chục nhà máy thủy điện, các công trình khai khoáng… vẫn ì ạch TRTT. Thậm chí, không ít dự án lấy đi hàng trăm héc ta rừng qua nhiều năm vẫn chưa xong hồ sơ thủ tục “trả nợ” rừng.
Theo thống kê, tổng diện tích phải TRTT khi chuyển mục đích sang làm các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh hơn 1.371ha. Trong đó, diện tích đã phê duyệt phương án hơn 846ha. Riêng năm 2014, theo kế hoạch, diện tích trồng rừng thay thế trên toàn tỉnh hơn 770ha (diện tích chuyển mục đích sang làm thủy điện hơn 702ha), nhưng TRTT chỉ thực hiện được 23,8ha (đạt 3,4% so với kế hoạch năm). Hồi năm ngoái, lãnh đạo Sở NN&PTNT đưa ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2015 sẽ hoàn thành toàn bộ diện tích TRTT. Tuy nhiên, với tiến độ trồng rừng rất chậm như hiện nay, nhiều khả năng việc TRTT sẽ kéo dài đến năm 2016.
Những ngày cuối tháng 8, gần chục nhà máy khai thác khoáng sản ở các xã Phước Thành, Phước Hiệp (Phước Sơn) vẫn không đảm bảo tiến độ trồng bù hoàn rừng. Cá biệt có nhà máy chỉ mới lập phương án chứ chưa trồng được cây nào trên thực địa. Một bất cập khác, có địa phương còn chưa tìm ra quỹ đất để TRTT. Trong khi đó, theo Nghị quyết số 62/2013/QH 13 ngày 27.11.2013 của Quốc hội và Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 24.1.2014 của Thủ tướng Chính phủ, đối với các công trình thủy điện đã đưa vào vận hành khai thác phải hoàn thành việc trồng rừng thay thế trong năm 2015. Về nguyên nhân TRTT trên địa bàn tỉnh đạt thấp, theo Bộ NN&PTNT lý giải, do chủ dự án lơ là, thiếu trách nhiệm trồng rừng; cơ quan quản lý lâm nghiệp và chính quyền địa phương buông lỏng kiểm tra, giám sát đối với các chủ dự án. Các chủ dự án sau khi chuyển mục đích sử dụng rừng đã không thực hiện quy định của pháp luật, khiến công tác TRTT không đạt kế hoạch đề ra.
TRẦN HỮU