Chính phủ vừa phê duyệt đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 nhằm bảo đảm hoạt động thương mại điện tử minh bạch, lành mạnh; bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững.
Nhiều mối nguy
Từ khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, khuynh hướng mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng thay đổi, chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến. Thương mại điện tử (TMĐT) có dư địa và trở thành xu thế mới với hầu hết mặt hàng từ tiêu dùng, đồ ăn, nước uống đến thời trang, mỹ phẩm...
Từ đó, dịch vụ hậu cần như chuyển phát, giao hàng cũng phát triển theo. Mặt trái của TMĐT là đã và đang trở thành kênh tiêu thụ hàng giả, hàng nhái nhưng không dễ đấu tranh ngăn chặn triệt để.
Mua phải lô quần áo chất lượng kém qua sàn TMĐT, chị Trác Thúy Nga (phường Tân Thạnh, Tam Kỳ) ngậm ngùi: “Khi mình trao đổi qua mạng để mua hàng thì họ chiều mình hết cỡ. Liên hệ lại sau khi mua hớ hàng thì họ… bặt tăm. Chừ mình biết kêu ca với ai và cơ quan nào sẽ bảo vệ quyền lợi cho mình”.
Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025 đề ra 6 giải pháp, gồm hoàn thiện quy định pháp lý về TMĐT và bảo vệ người tiêu dùng; xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng; nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trong thực thi pháp luật về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT; nâng cao hiệu quả trong phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm giữa các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các chủ thể tham gia TMĐT; hợp tác quốc tế về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT.
Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh, nhiều nguyên nhân dẫn đến gia tăng các hành vi vi phạm trên TMĐT là hệ thống pháp luật chậm thay đổi nên kết quả đấu tranh còn hạn chế. Công tác phối hợp, chia sẻ thông tin của các cơ quan liên quan chưa kịp thời.
Nguồn lực con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên TMĐT chưa đáp ứng yêu cầu. Nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT và cả người tiêu dùng còn hạn chế.
Do đặc thù người bán, người mua không gặp nhau trực tiếp nên TMĐT gia tăng gian lận. Đáng nói hơn, trước đây các dịch vụ chuyển phát, hàng giả “chui nhủi” hoạt động thì nay công khai với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, gian xảo hơn gây khó khăn trong thanh tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
Ông Lê Cần - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho rằng, nếu không kiểm soát tốt môi trường mua bán online, hàng giả, hàng nhái sẽ gây thiệt hại cho người dùng, đầu độc nền kinh tế, hạ uy tín, vị thế của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính.
Vào cuộc ngăn chặn
Nội dung quan trọng của Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025 là tăng tần suất quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường TMĐT để tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến; bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh trong sạch và thúc đẩy TMĐT phát triển lành mạnh.
Ông Lê Cần cho biết, thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan liên quan trong thanh tra kiểm tra, kiểm soát các tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Đặc biệt là phối hợp với các đơn vị bán tên miền và cung cấp dịch vụ máy chủ, ngân hàng, viễn thông, chuyển phát trong xác minh đối tượng để kiểm tra và xử lý vi phạm.
“Nội dung quan trọng nữa là kiểm soát chặt chẽ luồng hàng hóa kèm hóa đơn chứng từ theo các đơn vị chuyển phát nhanh, giao nhận hàng hóa, tập kết tại kho hàng. Rà soát thông tin thanh toán qua các dịch vụ thu hộ của các đơn vị chuyển phát, xác minh tuân thủ pháp luật đối với các đơn vị này” - ông Lê Cần nói.
Ông Nguyễn Quang Lâm - Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho rằng, khi gặp những khúc mắc trong mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng cần liên hệ đến tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 để được tư vấn, hỗ trợ.
Đây cũng là cách để người tiêu dùng cung cấp thông tin đầu vào để ngành công thương xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trách nhiệm của ngành chức năng là vận động, yêu cầu các sàn TMĐT, các hạ tầng mạng xã hội ký cam kết ràng buộc về chất lượng hàng hóa đối với các chủ thể kinh doanh và có công cụ để kiểm soát, xử lý chặt chẽ nếu vi phạm.
Ngành công thương sẽ tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm về chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT với sự tham gia của các sở, ngành, các tổ chức, cá nhân, qua đó trao đổi kiến thức, kinh nghiệm để giám sát, quản lý hiệu quả hơn kinh doanh buôn bán qua sàn TMĐT.