Đề phòng bệnh dại

PHƯƠNG GIANG 16/04/2015 08:46

Ba tháng đầu năm 2015, trên địa bàn tỉnh đã có 2 trường hợp tử vong vì bệnh dại. Tâm lý chủ quan của người dân cũng như công tác kiểm soát dịch bệnh còn nhiều hạn chế…

  • Tử vong vì chữa bệnh dại không đúng cách
  • Một người thiệt mạng vì bệnh dại
  • Không để thiếu vắc xin phòng chống bệnh dại
Cẩn trọng khi để trẻ em tiếp xúc với chó mèo. Ảnh minh họa: ALĂNG NGƯỚC
Cẩn trọng khi để trẻ em tiếp xúc với chó mèo. Ảnh minh họa: ALĂNG NGƯỚC

Không được chủ quan

Trường hợp đầu tiên là bà Nguyễn Thị Đ. (67 tuổi, ở thôn Tứ Trung 1, xã Quế Lâm, Nông Sơn). Bà Đ. bị một con chó con 3 tháng tuổi cắn vào ngón chân, nhưng do không hiểu biết về bệnh dại nên không xử lý vết thương, không tiêm vắc xin và huyết thanh. Sau một thời gian, bà Đ. có biểu hiện nhức đầu, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, sau đó hôn mê và tử vong sau 44 ngày bị chó dại cắn. Tương tự, vào giữa tháng 3 vừa qua, em Lê Văn T. (14 tuổi, ở thôn Bàng Sơn, xã Duy Phú, Duy Xuyên) bị chó dại cắn và tử vong do không tiêm vắc xin và huyết thanh kịp thời. Bị chó mèo cắn nhưng không đi tiêm phòng mà lại tìm đến các thầy lang hoặc uống thuốc nam là nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân lên cơn dại và tử vong. Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ năm 2011 đến nay, năm nào cũng có bệnh nhân tử vong vì bệnh dại. Năm 2014, có 4 trường hợp tử vong ở rải rác các huyện Núi Thành (2 trường hợp), Nông Sơn (1 trường hợp) và Bắc Trà My (1 trường hợp). Ở nhiều vùng quê, tâm lý chủ quan trước dịch bệnh nguy hiểm này còn khá phổ biến. Nhiều người bị chó dại cắn nhưng chỉ uống thuốc nam hoặc tìm các thầy lang chữa chó cắn, khiến nguy cơ gia tăng bệnh dịch ngày càng cao.

Một con số đáng chú ý khác từ Chi cục Thú y tỉnh, chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2015, đã có 142 chó, mèo cắn người, với 431 lượt người bị các con vật này cắn. Trong khi đó, công tác tiêm phòng dại cho chó, mèo nuôi năm 2014 toàn tỉnh chỉ tiêm được gần 27.000 con chó, không xác định được tỷ lệ tiêm phòng do không thống kê được tổng đàn. Công tác quản lý đàn chó, mèo ở địa phương cũng chưa được quan tâm đúng mức, khi việc tiêm phòng cho chó mèo vẫn chưa triệt để, chưa xử lý đối với chủ vật nuôi không chấp hành tiêm phòng cho chó mèo cùng tình trạng nuôi chó thả rông khá phổ biến trong người dân. Đây là nguy cơ lớn phát sinh bệnh dại ở động vật, kéo theo khả năng lây lan trên diện rộng là rất lớn. Ông Huỳnh Công Quang, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm vắc xin sinh phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Nam) chia sẻ, tâm lý chủ quan, không đi tiêm vắc xin và huyết thanh khi bị chó mèo cắn và việc tiêm phòng cho chó mèo chưa đầy đủ là nguyên nhân phổ biến của bệnh dịch này. Đa số ca tử vong đều có cùng lý do không tiêm huyết thanh kháng dại và vắc xin phòng dại là do không hiểu biết về bệnh. “Cho đến nay kể cả y học hiện đại và y học cổ truyền đều khẳng định bệnh dại khi đã lên cơn đều dẫn đến tử vong 100%. Người dân tuyệt đối không được chủ quan với loại bệnh này” - ông Quang nói.

Chủ động phòng chống dịch

Trước những diễn biến và mức độ nguy hiểm của bệnh dại, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu các đơn vị liên quan thắt chặt công tác phòng chống. Theo đó, UBND tỉnh sẽ xem xét, phê duyệt bố trí kinh phí hỗ trợ vắc xin dại miễn phí cho các đối tượng nghèo, trẻ em, người đồng bào dân tộc thiểu số bị chó nghi dại cắn; tăng cường hoạt động tập huấn, truyền thông phòng, chống bệnh dại và xử lý các ổ dịch dại ở người và động vật. Các điểm tiêm vắc-xin phòng dại được tiếp tục mở rộng và tăng cường để đảm bảo ít nhất một huyện, thành phố có một điểm tiêm. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng được yêu cầu thực hiện đa dạng hóa các loại vắc xin, huyết thanh phòng dại tại các điểm tiêm chủng, đồng thời liên hệ với các nhà cung cấp vắc xin dại để chủ động các nguồn và đảm bảo cung cấp đủ liều cho các đối tượng tiêm chủng, không để xảy ra hiện tượng thiếu vắc xin. Ngoài ra, Chi cục Thú y được chỉ đạo làm tốt công tác giám sát để phát hiện sớm các ổ dịch dại, triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dại trên chó được yêu cầu tăng cường, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 80%, đồng thời các đơn vị phải phối hợp chặt chẽ tổ chức xử lý triệt để các ổ dịch dại trên người và động vật.

 “Người bị chó mèo dại, nghi dại cắn hoặc tiếp xúc phải rửa vết thương bằng nước xà phòng đặc, nước muối pha đặc, các chất sát khuẩn sau đó đến các điểm tiêm phòng dại để được tư vấn và tiêm phòng. Đặc biệt, cần lưu ý đến vết thương hở, sâu trong trường hợp cần thiết phải cắt lọc nhưng không được khâu ngay, trừ trường hợp vết cắn đã quá 5 ngày để đề phòng vi rút dại tản phát” - ông Huỳnh Công Quang nói. Theo ông Quang, tốt nhất người dân nên chủ động phòng ngừa bằng các biện pháp: hạn chế nuôi chó thả rông, xích nhốt, rọ mõm chó để đề phòng chó cắn người; tiêm phòng dại cho chó mèo theo hướng dẫn của ngành thú y; diệt chó chạy rông, chó vô chủ, nếu xuất hiện chó dại phải diệt hết chó dại và nghi dại trong vùng. Đặc biệt, những người thường xuyên giết mổ, sơ chế, chế biến thực phẩm từ chó mèo nên tiêm dự phòng bằng vắc xin phòng bệnh dại.

PHƯƠNG GIANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đề phòng bệnh dại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO